(TN&MT) – Với ý nghĩa lớn nhất của Chương trình là tạo ra các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, tạo công ăn việc làm cho khu vực nông thôn, từng bước thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo bền vững… Kể từ khi triển khai đến nay, Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) đang tạo ra làn sóng rộng khắp trên phạm vi toàn quốc. Trong đó, huyện Quản Bạ (Hà Giang) là địa phương đã khai thác được tối đa tiềm năng, lợi thế để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa.
Xây dựng sản phẩm OCOP phù hợp thổ nhưỡng
Phát triển các sản phẩm OCOP theo hướng hàng hóa là nền tảng quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới và hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với xóa đói giảm nghèo bền vững.
Theo ông Hạng Dương Thành, Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ, xác định được lợi thế về tiểu vùng khí hậu, thổ nhưỡng, tập quán canh tác của bà con nhân dân, từ năm 2022, UBND huyện Quản Bạ đã ban hành các chương trình, hành động, kế hoạch về phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị trên địa bàn huyện, giai đoạn 2021-2025.
Cụ thể, huyện Quản Bạ đã đề ra các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích các hợp tác xã, các doanh nghiệp và người dân đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP theo hướng hàng hoá bằng việc hỗ trợ lãi suất cho các hộ và nhóm hộ gia đình, các chủ thể sản xuất ra sản phẩm OCOP để đầu tư mua sắm máy móc, dây truyền sản xuất và mời các chuyên gia tập huấn kỹ thuật…. Từ những chủ trương đó, chương trình phát triển OCOP theo hướng hàng hoá trên địa bàn huyện Quản Bạ ngày càng được mở rộng và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Thời gian qua, huyện Quản Bạ đã đẩy mạnh các sản phẩm OCOP, trong đó tập trung vào “5 cây, 3 con” (Cây ăn quả ôn đới, chè Shan tuyết, dược liệu, lúa chất lượng cao, Tam giác mạch – bò vàng, lợn địa phương, ong Bạc hà). UBND huyện Quản Bạ xác định, phải tạo mọi điều kiện và tập trung triển khai nhiều giải pháp cho người dân phát triển các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP gắn với du lịch, từ đó góp phần quảng bá hình ảnh địa phương và nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp đặc trưng.
Nói riêng về cây ăn quả, ông Thành cho biết, Quản Bạ rất thích hợp với những cây ăn quả ôn đới phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng. Do đó huyện đã vận động bà con chuyển đổi diện tích trồng ngô và một số cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao hơn như hồng không hạt, dược liệu hay chè Shan tuyết. Đồng thời, từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với phát triển du lịch, đóng góp tích cực vào chương trình xây dựng Nông thôn mới và phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn huyện.
Xây dựng các HTX nông nghiệp mạnh
Bên cạnh chủ trương đưa sản phẩm OCOP của các HTX nông nghiệp vào chuỗi sản phẩm du lịch, UBND huyện Quản Bạ còn định hướng các HTX và người dân làm chủ công nghệ, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, nền tảng mạng xã hội/nền tảng số.
Chính vì vậy, thời gian qua nhiều sản phẩm của địa phương như: Hồng không hạt, mật ong Bạc hà, giảo cổ lam, dược liệu các loại, rượu ngô Thanh Vân, dệt lạnh dân tộc Mông xã Lùng Tám, Cán Tỷ… đã đến gần hơn với người tiêu dùng cả nước qua nhiều kênh phân phối và tiêu thụ khác nhau.
Cụ thể, từ cuối năm 2022 UBND huyện Quản Bạ đã kết hợp với các cơ quan của Trung ương như: Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương; Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông; Liên minh HTX Việt Nam; Hội Nông dân Việt Nam tổ chức các lớp tập huấn về công nghệ số cho các HTX tiếp cận, đăng bán hàng hóa trên sàn thương mại điện tử. Đến nay, nhiều HTX đã tự tin đưa sản phẩm lên các nền tảng số và thu được thành quả đáng ghi nhận.
Sản phẩm OCOP đang tiếp tục góp phần tạo sức bật cho nông nghiệp, nông thôn của huyện Quản Bạ. Giá trị sản phẩm không ngừng gia tăng, thu nhập của các hộ kinh doanh, HTX và doanh nghiệp được nâng cao, tạo được sức cạnh tranh trên thị trường. Qua thực hiện chương trình những hộ sản xuất nhỏ, tổ hợp tác, HTX không chỉ có điều kiện tiếp cận thị trường, đưa sản phẩm đến người tiêu dùng, tạo giá trị tăng thêm, mà còn hướng đến việc tạo ra các sản phẩm mới, tạo thêm động lực trong xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn.
Thời gian tới, việc xây dựng các HTX nông nghiệp đủ mạnh là mục tiêu được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quản Bạ rất quyết tâm. Do đó, phát huy những kết quả đạt được, huyện sẽ tiếp tục có các chính sách hỗ trợ người dân, các hợp tác xã và các doanh nghiệp mở rộng sản xuất và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP.
Đặc biệt, việc phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng gắn phát triển du lịch được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều hiệu quả về phát triển kinh tế bền vững cho người dân. Qua đó, thực hiện đồng bộ hai nhiệm vụ quan trọng là phát triển sản phẩm nông nghiệp đặc trưng trở thành ngành kinh tế quan trọng và phát triển du lịch giàu bản sắc địa phương.
nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/quan-ba-ha-giang-nang-cao-doi-song-nho-phat-trien-cac-san-pham-ocop-375600.html