Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng chính sách thuế quan của ông Donald Trump có thể gây áp lực lên giá tiêu dùng, ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người dân Mỹ.
Khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang bước vào giai đoạn nước rút, ông Donald Trump gần đây đã đưa ra nhiều đề xuất về việc tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nước ngoài.
Ông Donald Trump chia sẻ về chính sách thế quan tại trụ sở Câu lạc bộ Kinh tế Chicago vào ngày 16/10. Ảnh: AFP |
Cụ thể, nếu đắc cử, cựu Tổng thống cho biết ông sẽ tăng thuế 20% đối với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, tối thiểu 60% đối với các sản phẩm từ Trung Quốc, 100% đối với các quốc gia không sử dụng đồng Đô la trong giao dịch, và thậm chí là 2.000% đối với ô tô sản xuất tại Mexico.
Nếu áp dụng, mức thuế quan này sẽ cao hơn nhiều so với nhiệm kỳ trước đó của cựu Tổng thống. Theo tổ chức Tax Foundation (Mỹ), mức thuế quan trung bình đối với tất cả hàng nhập khẩu của Mỹ hiện là khoảng 2%, và kế hoạch của ông Trump có thể nâng mức thuế này lên “mức cao chưa từng thấy kể từ thời Đại khủng khoảng 1930”.
Theo phân tích của NBC News, các chính sách thuế quan của ông Trump này nhằm mục đích “trừng phạt” các doanh nghiệp Mỹ nhập khẩu nguyên liệu và hàng hóa từ nước ngoài, đồng thời khuyến khích tiêu dùng nội địa. Tuy nhiên, tình thế “tiến thoái lưỡng nan” xảy ra khi doanh nghiệp Mỹ không thể tìm được nguồn hàng trong nước với giá tương đương, khiến chính những người tiêu dùng phải gánh chịu hậu quả của chính sách thuế quan.
Phó Tổng thống Kamala Harris từng chỉ trích chính sách của ông Trump là một loại “thuế tiêu dùng mới đối với người dân Mỹ,” và dự báo rằng mỗi gia đình Mỹ sẽ phải chi tiêu thêm 4000 USD mỗi năm nếu ông Trump lên nắm quyền. Người phát ngôn chiến dịch của bà Harris, ông Joseph Costello, cũng cho rằng những chính sách thuế quan của ông Trump sẽ làm “gia tăng lạm phát vĩnh viễn” và “phá hủy những cơ hội việc làm trong ngành công nghiệp chế tạo” của Mỹ.
Thuế quan có ảnh hưởng đến giá tiêu dùng của người Mỹ không?
Nhiều chuyên gia kinh tế đồng tình với quan điểm của Phó Tổng thống Kamala Harris và các đồng minh, nhận định rằng việc tăng thuế quan sẽ làm tăng giá tiêu dùng. Tuy nhiên, mức độ tác động cụ thể của các chính sách này vẫn còn gây tranh cãi trong giới chuyên môn.
Theo chuyên gia kinh tế Adam Hersh tại Viện Chính sách Kinh tế (Mỹ), thay vì 4.000 USD, mỗi gia đình tại Mỹ sẽ phải trả thêm 2.500 – 3.000 USD nếu ông Donald Trump áp dụng các chính sách thuế quan trên. Còn đối với nhà kinh tế Alan Deardorff tại Đại học Bang Michigan, tuy hàng nhập khẩu 100% sẽ có mức giá tăng đáng kể nếu bị áp thuế quan, nhưng với những mặt hàng được sản xuất tại Mỹ có thành phần nhập khẩu từ nước ngoài, như ô tô hoặc máy bay, mức giá tăng sẽ thấp hơn nhiều.
Trên thực tế, sau khi ông Trump lần đầu áp dụng thuế quan vào nhiệm kỳ trước, giá của một số mặt hàng nội địa đã tăng đáng kể. Sau khi Mỹ áp thuế 20-50% đối với máy giặt của Tập đoàn LG (Hàn Quốc) vào năm 2018, các đối thủ nội địa của LG cũng đã nâng mức giá cho sản phẩm của mình, để kiếm thêm lợi nhuận trong bối cảnh nhu cầu tăng cao. Ngay cả giá của mặt hàng máy sấy quần áo nội địa cũng tăng trong khoảng thời gian này, do thường được mua kèm với máy giặt.
Thậm chí, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng những chính sách thuế quan của ông Trump có ảnh hưởng tiêu cực đối với nền kinh tế Mỹ. Theo một báo cáo của Cục Dự trữ Liên bang New York, chính sách thuế quan của ông Trump đã gây thiệt hại 1,4 tỷ USD mỗi tháng cho người tiêu dùng Mỹ. Còn nếu ông Trump tái đắc cử, tổ chức Tax Foundation ước tính rằng các chính sách thuế quan mới của ông sẽ làm giảm tổng GDP của Mỹ xuống 0,8%, và cướp đi hơn 684.000 cơ hội việc làm cho người lao động.
Liệu chính sách thuế quan của ông Trump có khả thi?
Các chuyên gia từ tờ Wall Street Journal phân tích, kể cả nếu đắc cử, cựu Tổng thống Trump sẽ gặp một số rào cản để áp dụng chính sách thuế quan của mình. Theo Hiến pháp Mỹ, quyền quyết định các chính sách về thương mại thuộc về Quốc hội Mỹ. Trong bối cảnh Đảng Dân chủ được dự báo sẽ nắm quyền kiểm soát Hạ viện trong cuộc bầu cử tới, chính sách thuế quan của ông Trump có thể khó thành hiện thực.
Mặt khác, ông Trump cũng có thể tuyên bố tình trạng khẩn cấp về kinh tế từ “các mối đe dọa bất thường từ nước ngoài” qua Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA). Tuy nhiên, để có thể tuyên bố toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài là vi phạm đạo luật IEEPA là một điều vô cùng khó khăn.
Và nếu ông Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp, ông có thể gặp trở ngại từ phía Tòa án Tối cao Mỹ. Trên thực tế, Tòa án Tối cao đã từng bác bỏ những chính sách về kinh tế nằm quá quyền lực của Tổng thống, như đạo luật xóa nợ học phí trị giá 400 tỷ USD của Tổng thống đương nhiệm Joe Biden.
Cử tri Mỹ nghĩ gì về thuế quan?
Bất chấp tính khả thi và những rủi ro tiềm tàng, chính sách về thuế quan vẫn nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ cử tri Mỹ. Theo một cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos vào tháng 9 vừa qua, có tới 56% cử tri Mỹ ủng hộ kế hoạch của ông Trump, vì họ tin rằng thuế quan sẽ bảo vệ việc làm trong nước.
Lý giải nguyên nhân cho sự ủng hộ của cử tri, ông Robert Lawrence, giáo sư thương mại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson chia sẻ: “Nhiều cử tri tin rằng các loại thuế quan sẽ bảo vệ việc làm trong nước và họ thích ý tưởng rằng chúng có thể giúp đỡ người lao động Hoa Kỳ. Trên thực tế, Mỹ sẽ mua ít hàng hóa từ nước ngoài hơn do chúng đắt hơn. Vì vậy, sẽ có tác động tiêu cực đến nguyên liệu đầu vào của nước Mỹ và do đó, chúng ta cũng sẽ có thể sản xuất ít hàng ra nước ngoài hơn.”
Đồng quan điểm, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson Maurice Obstfeld nhận xét: “Điều mà công chúng ít hiểu về thuế quan là chúng làm tăng giá đối với người tiêu dùng và cả các doanh nghiệp sử dụng đầu vào được bảo hộ. Chúng không thực sự hiệu quả trong việc đưa việc làm trở lại trên quy mô lớn.”
Tuy nhiên, ông Obstfeld thừa nhận sức hấp dẫn của thuế quan đối với những cử tri đang phải đối mặt với tình trạng mất việc làm trong ngành sản xuất. Trả lời phỏng vấn với kênh NBC, ông Obstfeld nói: “Các nhà kinh tế có thể nói rằng các doanh nghiệp nếu không thể cạnh tranh thì nên phá sản, nhưng với những người lao động, thì đó lại là một câu chuyện khác. Đây là một trong những lý do tại sao chủ nghĩa bảo hộ được ưa chuộng. Bởi vì nếu không có sự bảo hộ của chính phủ, rất nhiều người Mỹ sẽ phải chịu cảnh đói nghèo”.