Sáng 2/2 (tức mùng 5 Tết) lực lượng Thanh tra GTVT Đường thủy nội địa (Sở GTVT Hà Nội) đã tiến hành kiểm tra gần 4.000 xuồng, đò tại chùa Hương trước ngày khai hội, nhằm đảm bảo an toàn cho du khách.
Gần 4.000 xuồng, đò vận chuyển du khách
Năm nay “Lễ hội Chùa Hương – Điểm đến du lịch, văn hóa, truyền thống Việt” diễn ra trong 3 tháng, từ ngày 3/2 đến hết ngày 1/5 (tức từ ngày mồng 6 tháng Giêng đến hết ngày 4 tháng 4 năm Ất Tỵ).
Ông Đặng Văn Cảnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng ban Tổ chức Lễ hội chùa Hương năm 2025 cho biết, nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân hiện đã có gần 4.000 xuồng, đò sẵn sàng đảm bảo an toàn để đón du khách. Trên đò có ô che nắng, nước uống miễn phí, sọt đựng rác… Với số lượng đò như vậy, mỗi ngày chùa Hương có thể để đón được khoảng 50-60.000 khách.
“Từ ngày mùng 1 Tết đến nay, chùa Hương đã thu hút hơn 60.000 người dân tới vãn cảnh, bái phật”, ông Cảnh cho hay.
Ghi nhận từ sáng sớm ngày 2/2, hàng nghìn lượt khách đổ về bến đò để mua vé vào tham quan. Lực lượng Thanh tra Sở GTVT Đường thủy nội địa có mặt từ sớm để điều tiết, phân luồng cũng như đảm bảo an toàn giao thông trên đường bộ và đường thủy.
Ông Bùi Ngọc Tân, Đội trưởng Đội Thanh tra Đường thủy nội địa cho biết: “Thực hiện nhiệm vụ của Thanh tra Sở GTVT Hà Nội, chúng tôi đã chủ động xây dựng kế hoạch, phương án bố trí lực lượng, thường xuyên nắm bắt tình hình trật tự, an toàn giao thông trên tuyến đường thủy được phân công để phối hợp với công an huyện giải quyết các tình huống ùn tắc, mất an toàn toàn phát sinh trên tuyến.
Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng liên quan trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính của những tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh vận chuyển hành khách đường thủy nội địa phải chấp hành đúng các quy định pháp luật”.
Theo ông Tân, ngoài ra đơn vị còn đẩy mạnh tuyên truyền nội dung, kế hoạch, quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính đến người dân và các tổ chức, cá nhân tham gia lễ hội. Qua đó, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, hạn chế tai nạn giao thông…
“Kết quả kiểm tra cho thấy, về cơ bản đơn vị kinh doanh và người dân đều chấp hành các quy định về an toàn giao thông. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ duy trì lực lượng, túc trực tại khu vực chùa Hương tới hết mùa lễ hội 2025”, ông Bùi Ngọc Tân cho biết thêm.
“Để đảm bảo an toàn cho du khách, năm nay xuồng đò được sơn đồng màu theo quy định, có đầy đủ áo phao, giỏ đựng rác, ô che, ghế ngồi, nước uống miễn phí…. cấp mỗi xã viên lái đò có 1 mã QR để HTX quản lý, tương tác thông tin phản hồi về thái độ phục vụ của lái đò đối với du khách”, ông Bùi Ngọc Tân, Đội trưởng Đội Thanh tra GTVT Đường thủy nội địa nhấn mạnh.
Đối với các phương tiện đò chở quá số người quy định, thu quá giá sẽ bị xử lý nghiêm. Cùng đó, nghiêm cấm tuyệt đối thuyền máy vận chuyển khách, đò bán hàng rong, hát rong xin tiền trên suối Yến. Nếu vi phạm đò sẽ ngay lập tức không được cấp phép tham gia chở khách.
Còn theo ông Đặng Văn Cảnh, hợp tác xã chùa Hương sẽ chịu trách nhiệm bán vé cũng như phân công người chở đò theo lượt. Tuyệt đối không có tình trạng tranh giành, lôi kéo hành khách. Lượng khách đến chùa sẽ được chia đều, lần lượt cho từng lái đò.
“Dự báo mùa lễ hội năm 2025, chùa Hương sẽ đón 1,2 triệu lượt khách đến thăm quan, lễ chùa. Tăng khoảng 4 vạn khách so với năm ngoái. Do vậy, công tác đảm bảo giao thông cả đường bộ và đường thủy được đặc biệt quan tâm. UBND huyện cũng đã có cuộc họp và đề nghị lực lượng chức năng phối hợp chặt chẽ để kịp thời xử lý nghiêm vi phạm”, ông Cảnh chia sẻ.
Phân chia xuồng, đò hoạt động theo ca
Chị Trịnh Thị Tâm, lái đò thuộc HTX Dịch vụ Du lịch chùa Hương cho biết: “Năm nay, đò sẽ được chia theo ca, do vậy, chúng tôi đến giờ mới phải ra bến. Ban quản lý HTX sắp xếp khách nên lái đò nào cũng có khách để chở, không phải chờ đợi lâu hay mời gọi”.
“Lượng khách năm nay đông hơn so với các năm trước. Nhưng thuyền, đò chở khách được Thanh tra GTVT đường thủy tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn từ trước lễ hội, lại sắp xếp khoa học, trật tự nên hoạt động rất trơn tru, thuận lợi.
Nguồn lợi từ việc chở khách được minh bạch, phân chia công bằng cho tất cả gần 4.000 thuyền, đò nên ai cũng phấn khởi, tự giác làm việc chuẩn chỉ, chấp hành tốt quy định”, chị Tâm cho hay.
Cũng theo chị Tâm, mỗi lái đò ở đây có mã số thẻ riêng, đồng thời cũng chính là số hiệu của đò, để khách ra bến dễ dàng tìm được. Lái đò chỉ vận chuyển khách có vé theo số được cấp và có thẻ mang mã QR của Ban Tổ chức”, chị Tâm chia sẻ.
Đến tham quan, lễ chùa Hương vào sáng ngày 2/2, bà Lan Hương, trú tại tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: “Khác với những năm trước đây, dịch vụ xuồng, đò tại chùa hương đã được đổi mới hoàn toàn. Không còn cảnh lộn xộn, lôi kéo như những năm trước đây. Trang bị áo phao, ụ nổi cũng rất đầy đủ nên hành khách chúng tôi rất yên tâm và cảm thấy thoải mái khi di chuyển”.
Cũng theo bà Hương, dọc khu vực bến Yến, các cửa lên xuống đò đã được tổ chức bài bản, có cửa quét vé tự động kết hợp nhân viên hướng dẫn. Bên cạnh đó, xe điện đưa đón khách được điều tiết theo nhịp của bến đò, phân bổ lưu lượng tùy theo thực tế, ưu tiên trả khách tại khu vực đò vắng.
Nguồn: https://daidoanket.vn/kiem-tra-gan-4-000-xuong-do-truoc-ngay-khai-hoi-chua-huong-10299206.html