Hôm nay (4/2), Đoàn công tác Quốc hội do ông Nguyễn Minh Sơn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội làm trưởng đoàn đã đi khảo sát thực tế Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng.
Đầu tư sớm đường sắt kết nối cảng biển, khu kinh tế Hải Phòng
Ông Nguyễn Minh Sơn cho biết, thực hiện sự phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế chủ trì phối hợp với Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội thẩm tra chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, dự kiến trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp bất thường trong tháng 2/2025.
Tại cảng Lạch Huyện, ông Đào Ngọc Vinh, Tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI), đại diện liên danh tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cho biết, tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng dự kiến đi qua địa bàn 9 tỉnh, thành phố, tổng chiều dài đầu tư khoảng 403,1km, bao gồm: tuyến chính dài 388,1km và 2 tuyến nhánh dài 15km.
Tại thành phố Hải Phòng, tuyến đi song song với đường bộ cao tốc về đến ga Nam Hải Phòng (huyện Kiến Thụy). Đây là ga đầu mối, lập tàu khách, tàu hàng. Tuyến đi tiếp đến khu bến Lạch Huyện là điểm cuối của tuyến. Trên đoạn tuyến giữa ga Nam Hải Phòng và ga cảng Lạch Huyện có nhánh đường sắt kết nối ra cảng Đình Vũ.
Về kết nối, từ ga Nam Hải Phòng kết nối với đường sắt đô thị theo quy hoạch của TP Hải Phòng để gom và giải tỏa hành khách về khu trung tâm thành phố. Cũng từ khu vực ga có nhánh đường sắt kết nối ra cảng Nam Đồ Sơn dài khoảng 12,63km, nhu cầu vốn khoảng 4.200 tỷ đồng; tuy nhiên theo tư vấn sẽ được đầu tư ở giai đoạn 2 khi nhu cầu đủ lớn.
Góp ý vào nghiên cứu dự án, ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Hải Phòng đề nghị đầu tư nhánh đường sắt ra ga Nam Đồ Sơn đồng thời với dự án, để đón đầu nhu cầu vận chuyển tại đây.
Theo ông Châu, ngoài hai bến cảng “khởi động” sẽ đi vào hoạt động khoảng năm 2030, cảng Nam Đồ Sơn được nhiều đối tác lớn trong và ngoài nước quan tâm đầu tư vì đây là cảng nước sâu, rất thuận lợi đón tàu lớn.
Cũng tại khu vực này theo quy hoạch sẽ phát triển khu kinh tế mới rộng hơn 20.000ha, được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm, tiến độ sẽ được triển khai sớm.
Hướng tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng đi qua Hải Phòng và dự kiến ga cảng Lạch Huyện theo báo cáo tiền khả thi (Ảnh: Tạ Hải).
Bí thư Thành ủy Hải Phòng đề xuất, trường hợp chưa thể đưa vào vốn dự án, Hải Phòng sẵn sàng đầu tư nhánh đường sắt này bằng nguồn vốn địa phương để đi vào khai thác đồng bộ với toàn tuyến là từ năm 2030. Hải Phòng cũng đề nghị thay đổi vị trí ga cảng Lạch Huyện, tránh đường sau cảng mà Hải Phòng đang xây dựng.
Làm rõ thêm các nội dung, ông Vũ Hồng Phương, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết, trong quy hoạch mạng lưới đường sắt tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định trên hành lang Đông – Tây có tuyến đường sắt mới khổ 1.435mm, khai thác tàu khách, tàu hàng để kết nối quốc tế. Tuyến đường sắt khổ 1.000mm Hà Nội – Hải Phòng cũng được nâng cấp để vận tải khách phục vụ du lịch và vận tải hàng phục vụ một số chân hàng.
Về vị trí ga cảng Lạch Huyện, học hỏi kinh nghiệm quốc tế, đường sắt không “đi” sâu vào cầu cảng, mà kết nối đến các bãi hàng, thuận lợi cho khai thác vận tải, nhất là tác nghiệp phân loại hàng hóa trước khi xếp lên tàu.
“Ban và tư vấn sẽ tiếp thu đề nghị của Hải Phòng, xem xét nghiên cứu ở bước tiếp theo”, ông Phương nói.
Đẩy nhanh tiến độ đầu tư, hoàn thiện khu đầu mối đường sắt Hà Nội
Tại ga Yên Viên, ông Đào Ngọc Vinh cho biết, tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng đi qua địa bàn Hà Nội dài 44,65km, qua địa bàn tỉnh Bắc Ninh 1,31km. Tại Hà Nội, đặt 3 ga Bắc Hồng, Đông Anh, Yên Thường và một trạm tác nghiệp kĩ thuật (Kim Sơn). Từ Kim Sơn sẽ có đoạn tuyến đường sắt vành đai phía Đông kết nối về khu vực Ngọc Hồi, Thường Tín để kết nối đường sắt phía Nam. Hiện đoạn tuyến này theo quy hoạch sẽ đầu tư sau 2030.
Còn về kết nối đường sắt khu đầu mối Hà Nội, từ ga Đông Anh có đường sắt hiện hữu khổ 1.000mm về ga Yên Viên, từ ga Yên Viên đi ga Gia Lâm, đi tiếp ga Lạc Đạo trên tuyến Gia Lâm – Hải Phòng, chạy tàu khách và tàu hàng. Từ ga Yên Viên về khu tổ hợp Ngọc Hồi để kết nối đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam có tuyến đường sắt đô thị số 1 đi xuyên tâm theo tuyến đường sắt khổ 1.000mm hiện hữu.
Ông Đỗ Việt Hải, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, Hà Nội thống nhất cao với đề xuất trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Tuy nhiên, để phù hợp với quy hoạch Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mới đây, Hà Nội đề nghị Bộ GTVT điều chỉnh khu vực đặt xí nghiệp toa xe, xí nghiệp đầu máy tại ga Yên Viên sang khu vực hiện là đất trống. Với khu vực tại ga Yên Viên, Hà Nội dự định phát triển khu TOD, phù hợp với khu đầu mối kết nối đường sắt đô thị số 1, đường sắt quốc gia tại đây.
Hà Nội cũng đề nghị Bộ GTVT sớm đầu tư đoạn tuyến vành đai phía Đông từ Kim Sơn về Thường Tín, hoàn thành đồng thời với dự án để tàu đường sắt quốc gia không đi xuyên tâm nữa. Hà Nội sẽ triển khai đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 1 Yên Viên – Ngọc Hồi chỉ chạy tàu khách đô thị, đảm bảo mục tiêu giảm ùn tắc giao thông đô thị và giảm ô nhiễm môi trường khu trung tâm thành phố.
Khu vực ga Yên Viên và mặt bằng chung ga Yên Viên, ga Yên Thường (Ảnh: Tạ Hải).
Về đề nghị này của Hà Nội, ông Vũ Hồng Phương cho biết, hiện Bộ GTVT đã giao Ban QLDA Đường sắt triển khai nghiên cứu sớm đoạn tuyến này để có thể đẩy nhanh tiến độ đầu tư, mặc dù theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ đầu tư tuyến sau 2030. Đối với đề nghị xem xét vị trí đặt xí nghiệp đầu máy, toa xe, ông Phương đề nghị tư vấn nghiên cứu khẩn trương, cập nhật vào nghiên cứu dự án.
Theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, Dự án có điểm đầu tại vị trí kết nối ray qua biên giới giữa ga Lào Cai mới và ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc), thuộc địa phận thành phố Lào Cai; điểm cuối tại khu bến Lạch Huyện, thuộc địa phận thành phố Hải Phòng. Tổng chiều dài đầu tư khoảng 403,1km, bao gồm: tuyến chính dài 388,1km và 2 tuyến nhánh dài 15km.
Địa điểm thực hiện dự án tại 9 tỉnh, thành phố: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng.
Quy mô đầu tư: Xây dựng mới tuyến đường sắt điện khí hóa, đường đơn, khổ 1.435mm, vận chuyển chung hành khách và hàng hóa. Tốc độ thiết kế tàu khách nhỏ hơn 200 km/h, các đoạn khó khăn giảm cấp tốc độ thiết kế; đoạn qua khu vực đầu mối Hà Nội, tốc độ thiết kế 120 km/h; các đoạn tuyến nối, tuyến nhánh, tốc độ thiết kế 80 km/h. Phân kỳ trước mắt đầu tư hệ thống thông tin, tín hiệu và phương tiện để khai thác với tốc độ 160 km/h cho tàu khách và 120 km/h cho tàu hàng.
Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 194.929 tỷ đồng (8,027 tỷ USD); hình thức đầu tư: đầu tư công. Nguồn vốn: sử dụng đa dạng các nguồn vốn ngân sách, nguồn tăng thu tiết kiệm chi, nguồn thu từ phát triển quỹ đất, nguồn phát hành trái phiếu, nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi với lãi suất hợp lý.
Tiến độ thực hiện dự kiến triển khai đầu tư năm 2026 và cơ bản hoàn thành xây dựng năm 2030.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/doan-cong-tac-cua-quoc-hoi-khao-sat-du-an-duong-sat-lao-cai-ha-noi-hai-phong-192250204180924591.htm