Nếu như khoảng một năm trước, Diễn đàn Tương lai ASEAN (AFF) còn rất mới trong chính giới, chuyên gia, học giả khu vực và quốc tế thì sau thành công ấn tượng năm 2024, cái tên này đã tạo cảm hứng và là động lực mạnh mẽ để Việt Nam tiếp tục tổ chức AFF 2025, với thông điệp xuyên suốt “dành riêng cho ASEAN, của ASEAN, vì ASEAN và vì người dân ASEAN”.
![]() |
Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025 diễn ra từ ngày 25-26/2 tại Hà Nội. (Nguồn: BTC) |
Tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 44-45 năm ngoái tại Lào, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (người khởi xướng AFF) tự hào nói về thành công của AFF 2024 và thông báo Việt Nam tiếp tục tổ chức AFF 2025. “Đến hẹn, lại lên”, AFF 2025 khiến chính giới, chuyên gia, học giả khu vực và quốc tế rộn ràng, háo hức. Bầu không khí AFF 2024 như lặp lại, dường như sôi động hơn, truyền thông quốc tế đề cập một diễn đàn đáng quan tâm tại Hà Nội.
Với chủ đề “Xây dựng ASEAN đoàn kết, bao trùm và tự cường trong một thế giới biến động”, AFF 2025 sẽ được tổ chức trong hai ngày 25-26/2. Đây là một trong những sự kiện đối ngoại đa phương quan trọng nhất do Việt Nam chủ trì tổ chức năm 2025.
Dự kiến, Diễn đàn có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thủ tướng New Zeland, Thủ tướng Malaysia, Tổng thống Timor Leste, Phó Thủ tướng Lào, Phó Thủ tướng Campuchia…; quy tụ trên 500 đại biểu đăng ký tham dự trực tiếp, bao gồm lãnh đạo cấp cao các nước ASEAN và đối tác; các chuyên gia, học giả hàng đầu khu vực và quốc tế; Đại sứ, quan chức cấp cao các nước ASEAN và đối tác, các tổ chức quốc tế; đại diện doanh nghiệp, địa phương và đông đảo phóng viên báo chí trong nước và quốc tế.
Tự cường trong biến động
Trong một thế giới đầy biến động, khó lường như hiện nay, làm thế nào để “con thuyền” ASEAN luôn vững tay chèo tiến về phía trước là trăn trở của các nhà lãnh đạo ASEAN. Khía cạnh “tự cường” mà AFF 2025 muốn nhấn mạnh chính là khát vọng và mục tiêu chung của Hiệp hội.
Cố Phó Thủ tướng Vũ Khoan từng nhấn mạnh rằng từ trong sâu xa, ASEAN luôn có hai nguồn động lực lớn lao, đó là: Khát vọng có hòa bình, ổn định, hợp tác để cùng phát triển và mong muốn tự lực, tự cường.
Rõ ràng, qua những tầng nấc phát triển của Hiệp hội, sự tự cường, cách ứng xử không chọn bên, tự mình ra quyết định và xác định đường hướng mà không chịu tác động từ bên ngoài, đã giúp ASEAN định hình được giá trị và vai trò trung tâm như hiện nay. Thông qua các cơ chế như ASEAN+1, ASEAN+3, Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS)… ASEAN đã tạo dựng và duy trì cân bằng, linh hoạt quan hệ với các đối tác bên ngoài của ASEAN, giữ ổn định, tạo điều kiện phát triển. Các nước đều ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và chấp nhận các nguyên tắc, chuẩn mực chung của Hiệp hội.
AFF 2025 có 12 hoạt động, tập trung trao đổi, thảo luận các chủ đề liên quan trực tiếp đến tương lai của ASEAN như: Các xu hướng lớn tác động tới ASEAN và thế giới; các nguyên tắc nền tảng của ASEAN, hợp tác tiểu vùng; quản trị công nghệ mới nổi; vai trò gắn kết và thúc đẩy hòa bình của ASEAN… |
Tuy nhiên, không ai có thể dám chắc phía trước “con thuyền” ASEAN ở “tuổi” 58 sẽ luôn bình lặng, “xuôi chèo, mát mái”. Tự cường ở hiện tại với những chuẩn bị kỹ lưỡng cho tương lai là suy nghĩ ASEAN luôn phải thường trực. Gần đây nhất, tại Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Malaysia (ngày 19/1), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh ASEAN cần duy trì cách tiếp cận cân bằng, khách quan, nâng cao vai trò và tiếng nói trong các vấn đề liên quan hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Chia sẻ với TG&VN từ góc nhìn dài hạn, chuyên gia Thái Lan có tiếng ở khu vực về ASEAN, ông Kavi Chongkittavorn cho rằng trong một thế giới đa cực, ASEAN cần thể hiện sức mạnh ngoại giao của mình với nền tảng là các nguyên tắc của Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) như không sử dụng vũ lực, ra quyết định dựa trên đồng thuận, không can thiệp nội bộ của nhau. 55 quốc gia, đại diện cho một phần tư tổng số thành viên Liên hợp quốc, đã ký TAC, nêu bật vai trò của hiệp ước trong việc duy trì hòa bình và ổn định.
Bên cạnh đó, vào thập kỷ tới, nền kinh tế ASEAN sẽ là nền kinh tế lớn thứ tư thế giới, góp phần gia tăng ảnh hưởng của ASEAN đối với các vấn đề toàn cầu. Vì vậy, các cơ chế do ASEAN dẫn dắt cần được tận dụng hiệu quả để thúc đẩy các vấn đề liên quan lợi ích chung.
Chắc chắn một ASEAN tự cường, phát huy mạnh mẽ vai trò trung tâm sẽ là cầu nối, điểm đến nhân lên những khát vọng về hòa bình và phát triển, không chỉ của ASEAN mà của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Nắm chắc tương lai
Tổng thư ký ASEAN Kao Kim Hourn từng trăn trở: “ASEAN không chỉ hướng nội mà phải hướng ngoại. Tuy nhiên ASEAN cần tiếp tục củng cố nội khối ngay cả khi hướng ra bên ngoài”. Đoàn kết và phát triển bao trùm là chìa khóa quan trọng để ASEAN mạnh mẽ từ bên trong, nắm chắc tương lai trong tay mình. AFF 2025 nhấn mạnh thành tố “đoàn kết, bao trùm”, có sự đồng điệu với chủ đề Năm Chủ tịch 2025 của Malaysia (Bao trùm và bền vững), cũng là với mong muốn xây dựng một Cộng đồng gắn kết và bao trùm hơn, một ASEAN có đủ bản lĩnh, tự tin đối mặt với mọi khó khăn, thách thức.
Hẳn rằng chỉ có đoàn kết ASEAN mới có được “cơ đồ” như ngày nay. Ra đời cách đây gần sáu thập kỷ, bủa vây bởi bất ổn, chia rẽ và nghi kỵ, ASEAN đã từng bước đoàn kết, nuôi dưỡng lòng tin lớn dần theo năm tháng và mang lại diện mạo mới cho khu vực.
ASEAN, từ một tổ chức chỉ có năm thành viên, đến nay, đã trở thành ngôi nhà chung của 10 quốc gia Đông Nam Á, mở ra thời kỳ mới cho đoàn kết và hợp tác khu vực. Cộng đồng ASEAN hình thành ngày 31/12/2015, đánh dấu bước phát triển về chất của ASEAN, cùng nhau, ASEAN xây dựng tầm nhìn Cộng đồng 2025 rồi tới đây là 2045 với đích đến là sự phát triển, hạnh phúc của tất cả người dân Hiệp hội, không để ai bị bỏ lại phía sau.
![]() |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đại biểu các nước ASEAN tại phiên khai mạc Diễn đàn Tương lai ASEAN lần thứ nhất tại Hà Nội, ngày 23/4/2024. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Trao đổi với TG&VN, Đại sứ Hoàng Anh Tuấn, nguyên Phó Tổng thư ký ASEAN nhận định: “Tài sản lớn nhất của ASEAN sau gần sáu thập kỷ hình thành và phát triển chính là sự đoàn kết và khả năng thích ứng. Đây không chỉ là giá trị cốt lõi đã giúp ASEAN duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy phát triển trong khu vực mà còn là nền tảng giúp tổ chức liên quốc gia khu vực này khẳng định vị thế trung tâm trong cấu trúc khu vực và vị thế trên trường quốc tế”.
Cũng là một ẩn dụ về tinh thần đoàn kết, trả lời phỏng vấn TS. Prashanth Parameswaran, chủ bút Bản tin ASEAN Wonk ngay trước thềm AFF 2025, TS. Nguyễn Hùng Sơn, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao đã ví, nếu dùng hình ảnh “cây tre”, thì ASEAN chính là “bó tre”, gắn kết để tạo nên sức mạnh bền vững.
Trách nhiệm hơn, sáng tạo hơn
Suốt ba thập kỷ tham gia ASEAN, theo thời gian, Việt Nam ngày càng trưởng thành, lớn mạnh, vững vàng trong hợp tác ASEAN nói riêng và hội nhập quốc tế nói chung, với những đóng góp ngày càng đậm nét.
Nói đến Việt Nam là nói đến thành viên uy tín, trách nhiệm của ASEAN và cộng đồng quốc tế, nỗ lực hết mình, hợp tác chân thành, tin cậy và đóng góp tận tâm. Việt Nam đã nhận được từ ASEAN những giá trị to lớn, với “không gian chiến lược” góp phần tạo dựng cục diện thuận lợi, giữ vững môi trường hòa bình, an ninh, ổn định, phát triển cho đất nước; ASEAN là “điểm tựa” để Việt Nam phát huy vai trò, nâng cao giá trị chiến lược trong quan hệ với các đối tác… Đáp lại, thật khó để liệt kê hết những dấu ấn của Việt Nam trong ASEAN trong đôi dòng. Việt Nam luôn đau đáu có thể đóng góp chủ động, linh hoạt, tích cực, trách nhiệm, sáng tạo và hiệu quả hơn… vào công việc của mái nhà chung.
AFF là một trong những nỗ lực như vậy. Chia sẻ với ASEAN Wonk, TS Nguyễn Hùng Sơn lý giải, hiện đã có một số cơ chế đối thoại kênh 1.5 trong khu vực như Shangri-La, Diễn đàn châu Á – Thái Bình Dương, Diễn đàn Jeju. Tuy nhiên, chưa có một diễn đàn nào tập trung hoàn toàn vào ASEAN và quan hệ giữa khối này với các đối tác. Vì vậy, Việt Nam quyết định đề xuất sáng kiến AFF để lấp đầy khoảng trống đó.
Diễn đàn Tương lai ASEAN đang dần trở nên quen thuộc. Các quan chức, học giả khu vực và quốc tế, khi nhắc tới cái tên này đều phản hồi tích cực với những cái “gật đầu” hài lòng. Tin rằng, AFF sẽ đi đường dài, định hình thương hiệu mang dấu ấn Việt Nam, trở thành cái nôi ý tưởng nuôi dưỡng những khát vọng đóng góp của tất cả thành viên Hiệp hội, bạn bè đối tác cho sự phát triển chung của “con tàu” ASEAN trên mỗi “hải trình”.
“AFF 2024 đã khởi động thành công, đặt nền móng cho một diễn đàn độc đáo và duy nhất của ASEAN, do ASEAN và vì ASEAN nhưng vẫn có tính mở và bao trùm, giống như chính ASEAN. Ban tổ chức Diễn đàn kỳ vọng AFF 2025 tiếp tục thành công, bắt đầu tạo được thương hiệu và dấu ấn của AFF Hà Nội. Từ năm 2026 trở đi, thương hiệu và dấu ấn đó sẽ được khẳng định và phát huy ở khu vực và trên thế giới. Nói cách khác, hy vọng AFF sẽ tương tự như Đối thoại Shangrila, Hội nghị An ninh Munich và các diễn đàn khác trong khu vực”. Quyền Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao Trịnh Minh Mạnh. |