Bài viết trích từ phần phỏng vấn của TS. Prashanth Parameswaran, chủ bút Bản tin ASEAN Wonk với TS. Nguyễn Hùng Sơn, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao về chủ đề “Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025 và ngoại giao cây tre Việt Nam” đăng tải ngày 14/2.
![]() |
TS. Nguyễn Hùng Sơn, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao khẳng định, ASEAN là ngôi nhà, là điểm tựa để Việt Nam vững vàng trước môi trường địa chính trị thách thức. (Nguồn: ASEAN Wonk) |
Gia nhập ASEAN năm 1995 là một trong những bước ngoặt quan trọng của Việt Nam trong bối cảnh khu vực còn tồn tại nhiều căng thẳng lúc bấy giờ. Tính đến nay, đã gần 30 năm Việt Nam là thành viên ASEAN và có nhiều đóng góp đáng kể. Từng đảm nhận nhiều vị trí trong ngành Ngoại giao, tham gia vào các vấn đề liên quan ASEAN, theo ông nhận thức và chính sách đối ngoại của Việt Nam về ASEAN đã thay đổi như thế nào qua các giai đoạn?
Chúng ta đang kỷ niệm 30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN và đây là một trong những quyết sách đối ngoại thành công nhất của Việt Nam. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Việt Nam quyết định tham gia khối ASEAN, mở đầu cho quá trình hội nhập khu vực và quốc tế, đặt nền móng cho những thành công mà đất nước đã đạt được trong gần 4 thập kỷ qua. Có thể nói, ASEAN mang lại cho Việt Nam rất nhiều lợi ích và là một trong những trụ cột quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Là một nhà ngoại giao, tôi từng công tác tại Vụ ASEAN (Bộ Ngoại giao) và có cơ hội theo dõi quá trình này. Tôi đã chứng kiến Việt Nam ngày càng chủ động hơn trong các hoạt động của khối. Hiện Việt Nam đang triển khai sáng kiến quan trọng là Diễn đàn Tương lai ASEAN (ASEAN Future Forum), thể hiện vai trò đóng góp của Việt Nam đối với ASEAN trong bối cảnh Hiệp hội đang đứng trước nhiều bước chuyển quan trọng.
Những năm gần đây, cụm từ “ngoại giao cây tre” được nhắc đến khá nhiều khi đề cập chính sách đối ngoại của Việt Nam, biểu hiện qua hình ảnh thân tre vững chắc, rễ bám sâu, cành lá linh hoạt trước giông bão. Theo ông, ASEAN có vai trò như thế nào trong cách tiếp cận ngoại giao cây tre Việt Nam, nhất là trong bối cảnh địa chính trị khu vực ngày càng phức tạp?
“Ngoại giao cây tre” là phép ẩn dụ đặc sắc mô tả đặc trưng của chính sách đối ngoại Việt Nam, trong đó có yếu tố gắn kết với bạn bè, đối tác để cùng kiên cường và vững vàng hơn. ASEAN chính là một phần quan trọng trong mục tiêu đó. Tổ chức này mang lại sự đoàn kết, sức mạnh tập thể – điều mà một quốc gia đơn lẻ khó có thể đạt được.
Trong bối cảnh địa chính trị hiện nay, khi nhiều quốc gia chịu tác động từ cạnh tranh nước lớn, việc có những người bạn, những đối tác là vô cùng cần thiết. ASEAN chính là ngôi nhà, là điểm tựa để Việt Nam vững vàng trước môi trường địa chính trị thách thức. Nếu dùng hình ảnh “cây tre”, thì ASEAN chính là “bó tre”, gắn kết lại để tạo nên sức mạnh bền vững.
![]() |
Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí Phạm Thu Hằng và Quyền Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao Trịnh Minh Mạnh chủ trì họp báo Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025 – AFF 2025, ngày 13/2 tại Hà Nội. (Ảnh: Anh Sơn) |
Trước đây, phần lớn các cuộc đối thoại khu vực chủ yếu diễn ra ở các quốc gia thuộc Đông Nam Á mạnh về lĩnh vực hàng hải, điển hình như Đối thoại Shangri-La ở Singapore hay Hội nghị bàn tròn châu Á – Thái Bình Dương tại Malaysia. Vì vậy, sáng kiến này của Việt Nam góp phần tạo cân bằng trong vai trò điều phối và kết nối đối thoại khu vực. Trong vai trò Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao, một trong những đơn vị chính chịu trách nhiệm tổ chức, ông đánh giá thế nào về quá trình Việt Nam khởi xướng và lan tỏa sáng kiến Diễn đàn Tương lai ASEAN?
ASEAN vốn là tổ chức có rất nhiều hội nghị và sáng kiến, đặc biệt từ các quốc gia Đông Nam Á hàng hải như Singapore hay Malaysia. Ban đầu, một số ý kiến cho rằng việc bổ sung thêm một hội nghị nữa sẽ khá khó khăn. Nhưng Việt Nam nhận thấy dù số lượng nhiều, nhưng chất lượng các cuộc thảo luận chưa đủ đáp ứng, đặc biệt trong thời điểm then chốt như hiện nay.
Chúng ta cần nhiều hơn những cuộc đối thoại chiến lược, ý tưởng sáng tạo và giải pháp đột phá để đối phó thách thức mà khối này đang đối mặt. Vì vậy, Việt Nam đề xuất ý tưởng về một cơ chế đối thoại theo mô hình kênh 1.5 dành riêng cho ASEAN. Đây chính là điểm còn thiếu trong khu vực. Hiện đã có một số cơ chế đối thoại tương tự như Đối thoại Shangri-La, Diễn đàn châu Á – Thái Bình Dương, Đối thoại Quốc phòng Indonesia, Diễn đàn Jeju. Tuy nhiên, chưa có một diễn đàn nào tập trung hoàn toàn vào ASEAN và quan hệ giữa khối này với các đối tác. Vì vậy, Việt Nam quyết định đề xuất sáng kiến này để lấp đầy khoảng trống đó.
Rất may mắn, trong lần tổ chức đầu tiên và sắp tới đây là lần thứ hai, Việt Nam nhận được những phản hồi, ủng hộ tích cực từ khu vực. Còn quá sớm để khẳng định liệu sáng kiến này có thể duy trì lâu dài hay không, nhưng tôi tin rằng đang có một khoảng trống mà Việt Nam nỗ lực lấp đầy, và điều này mang lại giá trị thiết thực cho ASEAN cũng như khu vực.
Với bất kỳ sáng kiến nào trong ASEAN, việc nhận được sự ủng hộ từ các quốc gia thành viên là rất quan trọng. Việt Nam lần đầu tiên tổ chức Diễn đàn Tương lai ASEAN vào năm 2024 và sau đó sáng kiến này được đề cập trong Tuyên bố chung của khối tại Vientiane (Lào). Đây là một năm quan trọng với ASEAN khi công bố Tầm nhìn 2045 nhằm xây dựng cộng đồng khu vực trong 20 năm tới. Xin ông chia sẻ thêm về quá trình phổ biến sáng kiến này và mức độ ủng hộ của các quốc gia thành viên?
Khi đưa ra sáng kiến, Việt Nam đã chủ động chia sẻ ý tưởng với các đối tác, bạn bè khu vực. Chúng tôi đã báo cáo với Bộ trưởng Ngoại giao và lãnh đạo các nước ASEAN để giải thích mục đích sáng kiến. Đảm nhận chức Chủ tịch ASEAN năm 2024, Lào mong muốn nhận được sự ủng hộ trong thúc đẩy các cuộc thảo luận nội khối.
Việt Nam nói rất rõ với đối tác Lào rằng đây chính xác là điều chúng tôi muốn làm để hỗ trợ vai trò Chủ tịch ASEAN của Vientiane – tạo thêm cơ hội đối thoại giữa ASEAN và các đối tác trên thế giới, cũng như lấp đầy những khoảng trống mà Lào cảm thấy chưa thực hiện được trong thúc đẩy đối thoại khu vực. Vì vậy, họ đã ủng hộ sáng kiến này và Thủ tướng Lào cùng Thủ tướng Việt Nam đã chủ trì khai mạc Diễn đàn năm ngoái.
Nhiều đối tác đối thoại của ASEAN cũng tán thành sáng kiến, tham dự trực tiếp hoặc gửi thông điệp qua video để thể hiện sự ủng hộ. Sáng kiến này sau đó được đề cập trong Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, phản ánh sự ghi nhận của khối về giá trị sự kiện. ASEAN thấy rằng đây là sáng kiến ý nghĩa và quyết định tiếp tục ủng hộ nếu Việt Nam tổ chức lần nữa. Đó là lý do Việt Nam chuẩn bị tổ chức lần thứ hai năm nay.
Lần này, chúng tôi thuyết phục được Malaysia rằng sáng kiến này cũng sẽ hỗ trợ vai trò Chủ tịch ASEAN của họ. Thủ tướng Malaysia dự kiến trực tiếp tham gia khai mạc cùng Thủ tướng Việt Nam. Tôi rất vui khi năm nay Việt Nam nhận được sự ủng hộ còn lớn hơn từ ASEAN và các đối tác.
Nhiều lãnh đạo, Bộ trưởng xác nhận sẽ tham gia trực tiếp, số lượng người đăng ký tham dự tăng đáng kể. Điều này cho thấy các quốc gia trong khu vực đánh giá cao Diễn đàn, sẵn sàng dành thời gian và nguồn lực tham gia.
![]() |
ASEAN mang lại cho Việt Nam rất nhiều lợi ích và là một trong những trụ cột quan trọng trong chính sách đối ngoại của nước ta. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Các cuộc đối thoại trong khu vực đang thay đổi theo thời gian, trước đây thường tập trung nhiều vào an ninh và quốc phòng, nhưng khái niệm an ninh nay đã được mở rộng, bao hàm cả vấn đề kinh tế, môi trường và khí hậu. Dường như Diễn đàn Tương lai ASEAN đang cố gắng tiếp cận những vấn đề lớn theo cách đa chiều hơn, về xu hướng địa kinh tế và vấn đề toàn cầu. Diễn đàn năm nay sẽ mang lại những nội dung mới gì và Việt Nam vạch định hướng tương lai cho chương trình ra sao?
Vì đây là Diễn đàn Tương lai ASEAN, nên ASEAN chính là trọng tâm của mọi thảo luận. Chúng tôi thiết kế chương trình sao cho ASEAN là chủ thể của đối thoại, là bên dẫn dắt thảo luận, thể hiện vai trò lãnh đạo trong tất cả phiên họp. Trong mỗi phiên, chúng tôi cố gắng mời một nhà lãnh đạo quan trọng hoặc học giả ASEAN uy tín để dẫn dắt đối thoại.
Bên cạnh đó, Diễn đàn cũng có cách tiếp cận mang tính tương lai. Chúng tôi tập trung vào các vấn đề mới nổi có thể ảnh hưởng tương lai ASEAN, tác động tới hoạt động khối trong những năm tới.
Chúng tôi cố gắng cân bằng giữa các lĩnh vực, không chỉ tập trung vào an ninh mà còn các vấn đề phát triển. Năm nay, Việt Nam dành nhiều thời lượng cho nội dung công nghệ, với hai phiên thảo luận chuyên sâu về công nghệ và tương lai công nghệ, nâng cao năng lực công nghệ nội khối, tận dụng cơ hội từ cách mạng công nghệ toàn cầu, và giúp khu vực thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng này.
Tóm lại, Việt Nam cố gắng xây dựng một diễn đàn toàn diện, tập trung vào ASEAN, có tư duy hướng tới tương lai và linh hoạt về chương trình. Tinh thần chung là phản ứng linh hoạt theo nhu cầu thực tế và hỗ trợ chương trình nghị sự của nước Chủ tịch ASEAN.
Chúng tôi quan sát những ưu tiên của Chủ tịch ASEAN và điều chỉnh để bổ trợ cho những nội dung đó, biến Diễn đàn thành một phần trong nỗ lực chung của ASEAN nhằm định hình chương trình nghị sự khu vực.
![]() |
Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh, kỷ nguyên thịnh vượng dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. (Nguồn: Báo Nhân dân) |
Việt Nam đang tiến gần đến kỳ đại hội Đảng tiếp theo vào đầu năm tới, và theo như lời Tổng Bí thư Tô Lâm, Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Trong khi đó, môi trường chính trị quốc tế đang có nhiều thay đổi, Mỹ có chính quyền mới bên cạnh những biến động ở châu Âu và Trung Đông. Ông nhìn nhận thế nào về những thay đổi trong chính sách đối ngoại Việt Nam thời gian tới, giữa bối cảnh vừa có sự tiếp nối, vừa có sự chuyển đổi?
Nhận định của Tổng Bí thư Tô Lâm phản ánh thực tế rằng, thế giới đang ở một bước ngoặt lớn, với sự chuyển dịch nhanh chóng sang trật tự đa cực, biến đổi nhanh chóng và chưa định hình hoàn toàn. Đồng thời, Việt Nam cũng bước vào một giai đoạn phát triển mới sau gần 40 năm Đổi mới, đạt được nhiều thành tựu đáng kể và hiện sẵn sàng bước vào giai đoạn phát triển khác.
Mục tiêu là đẩy nhanh tốc độ phát triển, vượt qua bẫy thu nhập trung bình, và tiến lên nấc thang cao hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Sau 4 thập kỷ tích lũy nền tảng kinh tế, đất nước cần đặt tham vọng cao hơn, hướng đến một giai đoạn phát triển mà tư duy và hành động cũng phải khác đi. Vì vậy, những thay đổi chính yếu sẽ nằm ở cách Việt Nam quản trị đất nước, cách ứng xử với biến động quốc tế, cũng như cách khai thác cơ hội và đối phó thách thức bên ngoài.
Chẳng hạn, về công nghệ, Tổng Bí thư Tô Lâm đặc biệt nhấn mạnh rằng Việt Nam phải tận dụng được cuộc cách mạng công nghệ đang diễn ra trên thế giới. Nếu không nắm bắt được cơ hội này, đất nước sẽ tụt hậu và khó đạt mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Do đó, chúng ta phải hành động khác đi để tận dụng cơ hội này. Diễn đàn Tương lai ASEAN là một trong những nỗ lực góp phần định vị đất nước trong cuộc đua công nghệ toàn cầu.