Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), từ năm 2019 đến hết tháng 10 năm 2024, tỉnh ta đã xét và công nhận 137 sản phẩm OCOP (gồm: 17 sản phẩm được xếp hạng 4 sao, 120 sản phẩm đạt 3 sao). Phần lớn sản phẩm OCOP sau khi được công nhận đã bảo đảm tốt về chất lượng, an toàn thực phẩm, cải tiến và đa dạng bao bì, mẫu mã phù hợp với nhu cầu, thị hiếu, tạo niềm tin đối với người tiêu dùng. Tuy nhiên, để các sản phẩm OCOP thực sự phát huy hiệu quả vẫn cần có những biện pháp, cách làm chặt chẽ hơn từ khâu lựa chọn, xét duyệt ý tưởng và hỗ trợ.
Nhiều sản phẩm sau khi được công nhận OCOP đã phát huy tốt lợi thế, nâng tầm thương hiệu, tạo chỗ đứng vững chắc trên thị trường, như: Cá kho Nhân Hậu, đông trùng hạ thảo Minh Đức, rượu Vọc Đức Toàn, các sản phẩm chế biến từ cá của HTX thủy sản sông trong ao Hải Đăng… Riêng sản phẩm rượu Vọc của HTX rượu Vọc Đức Toàn (Vũ Bản, Bình Lục) được xét công nhận OCOP từ năm 2019. Hiện, sản lượng rượu tiêu thụ đạt gần 10 nghìn lít/tháng (tăng gấp gần 10 lần so với cách đây 5 năm). Thị trường tiêu thụ rượu cũng được mở rộng ra nhiều tỉnh ở khu vực miền Bắc. Hay như những sản phẩm được chế biến từ sữa bò tươi của các cơ sở sản xuất trên địa bàn thị xã Duy Tiên đạt OCOP (có 7 sản phẩm xếp hạng 4 sao, 4 sản phẩm xếp hạng 3 sao) đã tạo được sức cạnh tranh lớn trên thị trường, được bán tại nhiều siêu thị, chuỗi cửa hàng nông sản sạch có uy tín. Đồng thời, qua hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, chương trình hội chợ, trưng bày, kết nối cung cầu, những cơ sở chế biến sữa bò tươi đã tiếp cận được lượng khách hàng lớn tại nhiều địa phương trong cả nước.
Điển hình như Công ty cổ phần Bò sữa và giống bò sữa Mộc Bắc có 6 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP (2 sản phẩm được xếp hạng bốn sao, 4 sản phẩm xếp hạng 3 sao) mỗi ngày cung cấp ra thị trường 300 – 400 kg, thời gian cao điểm mùa hè đạt 600 – 700 kg (tăng gấp 2 lần so với trước). Việc được thị trường, người tiêu dùng đón nhận qua thương hiệu sản phẩm OCOP góp phần nâng giá trị sản phẩm lên gấp hơn 2 lần so với bán sữa thô. Nhờ đó, giúp doanh nghiệp duy trì hiệu quả trang trại chăn nuôi bò sữa quy mô 60 – 70 con. Ông Nguyễn Văn Can, Giám đốc công ty cho biết: Các sản phẩm chế biến từ sữa bò tươi của doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn OCOP được người tiêu dùng tin tưởng, đón nhận. Hầu hết sản phẩm OCOP của công ty đã có mặt ở nhiều siêu thị, chuỗi cửa hàng nông sản sạch đòi hỏi khắt khe về chất lượng, như hệ thống siêu thị GO (Big C trước đây), siêu thị VinMart…
Tuy nhiên, theo quy định, Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP chỉ có thời hạn 36 tháng kể từ ngày có quyết định công nhận. Để tiếp tục được sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm OCOP (logo OCOP có gắn sao) in, dán trên bao bì, nhãn mác của sản phẩm khi lưu thông, tiêu thụ trên thị trường, các sản phẩm này phải được hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, huyện đánh giá, công nhận lại. Tính đến hết năm 2024, Hà Nam có 41/137 sản phẩm OCOP hạng 3 sao trở lên của 22 chủ thể đã hết hạn cần đánh giá lại, nhưng hiện mới có 19 sản phẩm được các chủ thể tiến hành thủ tục để được xét công nhận lại; 22 sản phẩm còn lại các chủ thể chưa làm hồ sơ. Được biết trong số này có một số chủ thể không còn hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm đã được công nhận OCOP mà chuyển sang kinh doanh sản phẩm khác.
Bên cạnh đó, còn có những sản phẩm OCOP sản xuất theo mùa vụ (các sản phẩm rau) sản lượng thấp, không ổn định… Chẳng hạn như sản phẩm bình rượu rồng phượng Phú Thỏa (hộ kinh doanh Phú Thỏa), làng nghề truyền thống gốm Quyết Thành, thị trấn Quế (Kim Bảng) sau khi đạt OCOP (xếp hạng 3 sao năm 2019), sản phẩm đã tham gia nhiều chương trình xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm nhưng khó tiếp cận thị trường. Đồng thời, sản phẩm làm ra tỷ lệ đạt không cao, hiệu quả thấp, dẫn đến cơ sở dừng sản xuất chuyển sang làm sản phẩm khác. Theo ông Nguyễn Văn Phú, chủ hộ kinh doanh Phú Thỏa: Khi xây dựng ý tưởng tham gia OCOP sản phẩm được đánh giá rất tốt về chất lượng, thẩm mỹ. Tuy nhiên, để mở rộng sản xuất lại rất khó khăn do tỷ lệ sản phẩm sau nung đạt thấp, trong khi công nghệ nhân làm cao dẫn đến không bảo đảm chi phí, lợi nhuận và khó bán đại trà (do kén khách). Do vậy cơ sở đã ngừng sản xuất bình rượu rồng phượng từ cách đây 2 năm.
Theo quy định, Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP chỉ có thời hạn 36 tháng kể từ ngày có quyết định công nhận. Để tiếp tục được sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm OCOP (logo OCOP có gắn sao) in, dán trên bao bì, nhãn mác của sản phẩm khi lưu thông, tiêu thụ trên thị trường, các sản phẩm này phải được hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, huyện đánh giá, công nhận lại. Tính đến hết năm 2024, Hà Nam có 41/137 sản phẩm OCOP hạng 3 sao trở lên của 22 chủ thể đã hết hạn cần đánh giá lại, nhưng hiện mới có 19 sản phẩm được các chủ thể tiến hành thủ tục để được xét công nhận lại; 22 sản phẩm còn lại các chủ thể chưa làm hồ sơ.
Có một số nguyên nhân dẫn đến sản phẩm OCOP hết hiệu lực nhưng không được chủ thể tham gia tiếp như: các sản phẩm này được công nhận từ năm 2019- 2020 theo bộ tiêu chí cũ, hiện nay Chính phủ đã ban hành bộ tiêu chí mới với nhiều nội dung, tiêu chuẩn khắt khe hơn. Đặc biệt, sản phẩm OCOP 4 sao có thêm một số tiêu chí về môi trường, sở hữu trí tuệ, chứng nhận chất lượng… là những tiêu chí khó, cần nhiều thời gian thực hiện. Đồng thời, sản phẩm OCOP đánh giá lại không được hỗ trợ chi phí xây dựng hồ sơ dẫn đến một số chủ thể ngại làm hồ sơ, thủ tục do mất nhiều thời gian, công sức nên không mặn mà với việc đề xuất đánh giá, phân hạng lại sản phẩm. Các sản phẩm không được đánh giá lại chủ yếu sức cạnh tranh trên thị trường hạn chế, hiệu quả kinh tế thấp… Ông Nguyễn Hải Đăng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đánh giá: Việc một số sản phẩm OCOP chưa phát huy được hiệu quả và không tham gia đánh giá lại là hạn chế của chương trình. Đây là vấn đề đòi hỏi quá trình lựa chọn, phê duyệt ý tưởng, xét, công nhận sản phẩm OCOP cần được thực hiện hiệu quả hơn. Chương trình OCOP được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Tham gia chương trình, giúp nâng tầm thương hiệu, tạo sự phát triển ổn định, bền vững cho những sản phẩm đặc trưng, đặc sản tại các địa phương. Đây là yếu tố quan trọng để thu hút, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống cho lao động nông thôn.
Để các sản phẩm OCOP phát huy hiệu quả bền vững cần triển khai tốt các giải pháp: Tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ chủ thể hoàn thiện, phát triển sản phẩm; ưu tiên hỗ trợ các chủ thể sau khi được công nhận OCOP đạt hạng 3 sao trở lên có quy mô sản xuất nhỏ cải tiến quy trình kỹ thuật, đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng lực sản xuất, bảo đảm số lượng, chất lượng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường. Về phía cơ quan chuyên môn, cần đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, phổ biến để chủ thể OCOP hiểu rõ hơn về nội dung, mục đích, ý nghĩa và có trách nhiệm đối với việc duy trì, phát triển sản phẩm OCOP; khuyến khích, hỗ trợ chủ thể trong làm hồ sơ thủ tục để tham gia đánh giá, công nhận lại sản phẩm OCOP khi đến hạn…
nguồn: https://baohanam.com.vn/kinh-te/nganh-nghe-nong-thon/de-thuong-hieu-san-pham-ocop-bao-dam-tinh-ben-vung-142640.html