Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), ngành tôm đang đứng trước nhiều thách thức như: Hoạt động nhỏ, tự phát; tỉ lệ nuôi thành công thấp, giá thành cao; tôm giống chất lượng chưa cao. Vào những tháng cao điểm xuất khẩu cuối năm, nhu cầu thị trường thế giới có thể có biến động khó dự đoán do lạm phát, cạnh tranh về giá với các nước xuất khẩu khác…
Tại Hội nghị, đại diện Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, các sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp thảo luận, đánh giá thị trường, định hướng nhu cầu nguyên liệu chế biến thủy sản phục vụ xuất khẩu; những thuận lợi, khó khăn, tồn tại và đề xuất trong xuất khẩu tôm trên địa bàn tỉnh; công tác chỉ đạo hỗ trợ doanh nghiệp chế biến thủy sản; định hướng triển khai thực hiện; chính sách hỗ trợ vốn, ưu đãi thuế cho doanh nghiệp…
Ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cho rằng, thời gian tới, nếu muốn xuất khẩu tôm vào thị trường EU, phải tăng cường các sản phẩm thế mạnh như sản phẩm hữu cơ, bền vững; có biện pháp bán hàng và thanh toán phù hợp; Tận dụng triệt để các lợi thế từ EVFTA để nâng sức cạnh tranh.
Đối với thị trường Trung Quốc (chiếm 19% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam) thời gian tới, nếu xuất khẩu tôm vào thị trường này cũng phải linh động với hình thức xuất khẩu, lựa chọn cách thức thanh toán; cập nhật các chính sách nhập khẩu của Trung ương và địa phương; đẩy mạnh xuất khẩu những sản phẩm thế mạnh, tận dụng lợi thế địa lý đẩy mạnh xuất khẩu tôm Việt Nam vào Trung Quốc.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho rằng với tiềm năng, lợi thế sẵn có của Bạc Liêu cộng với sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương; đồng thời đúc kết từ các ý kiến trao đổi, góp ý tại Hội nghị, chúng ta sẽ thành công, sớm đưa Bạc Liêu thực sự trở thành Trung tâm ngành công nghiệp tôm của Việt Nam và hoàn thành chỉ tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 1 tỉ USD trong năm 2023 và 1,3 tỉ USD vào năm 2025.