DNVN – Năm 2024, ngành thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu thành công đến nhiều quốc gia, cán mốc 10 tỷ USD, tăng hơn 12% so với năm 2023. Năm 2025 hứa hẹn sẽ là một năm triển vọng để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường, đặc biệt là các thị trường mục tiêu và tiềm năng.
Năm 2024, chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam đã về đích ấn tượng, với kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD, tăng 12,7% so với năm 2023. Các mặt hàng chủ lực đều có tăng trưởng tích cực như: tôm 4 tỷ USD, tăng 16,7%; cá ngừ gần 1 tỷ USD, tăng 17%; cá tra 2 tỷ USD, tăng 9,6%…
Theo bà Lê Hằng – Giám đốc truyền thông của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), năm 2025 hứa hẹn sẽ là một năm triển vọng để đẩy mạnh xuất khẩu thuỷ sản sang các thị trường, trong đó có các thị trường mục tiêu và tiềm năng như Mỹ, Trung Quốc, ASEAN và Trung Đông…
Với thị trường Mỹ, kinh tế Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục ổn định và phục hồi mạnh mẽ trong năm 2025, mang lại những cơ hội lớn cho ngành thủy sản Việt Nam. Trong năm 2024, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Mỹ đã ghi nhận mức tăng trưởng 16%, đạt trên 1,8 tỷ USD. Các sản phẩm chủ lực như tôm chân trắng, tôm sú, cá tra, cá ngừ, cua ghẹ đều có sự tăng trưởng tích cực.
Mỹ, Trung Quốc, ASEAN và Trung Đông được coi là những thị trường tiềm năng và mục tiêu của thuỷ sản Việt Nam 2025.
Một trong những yếu tố quan trọng giúp gia tăng tiêu thụ thủy sản tại Mỹ là sự tăng trưởng nhanh chóng của mức lương người lao động, vượt qua mức tăng giá tiêu dùng. Điều này có thể dẫn đến một xu hướng gia tăng tiêu dùng thực phẩm, trong đó có thủy sản. Ngoài ra, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ cũng sẽ là một động lực thúc đẩy nền kinh tế Mỹ trong năm 2025.
Tuy nhiên, Giám đốc truyền thông của VASEP nhận định, thách thức lớn đối với xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Mỹ đến từ chính sách thuế của chính quyền mới, đặc biệt là nguy cơ xáo trộn thương mại quốc tế và tắc nghẽn tại các cảng biển do thay đổi trong thuế quan. Những yếu tố này có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đến dòng chảy thương mại và tăng chi phí vận chuyển.
Trong khi đó, Trung Quốc được coi là thị trường chiến lược cũng nhiều áp lực cạnh tranh. Trung Quốc luôn là một trong những thị trường trọng điểm và có vị trí chiến lược đối với ngành thủy sản Việt Nam. Lợi thế địa lý của Trung Quốc giúp chi phí logistics thấp hơn so với các thị trường lớn khác, cùng với sự tăng trưởng ổn định của nền kinh tế Trung Quốc, sẽ là động lực mạnh mẽ cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam.
Dù vậy, ngành thủy sản Việt Nam phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ thị trường nội địa Trung Quốc, đặc biệt khi xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ có thể giảm do các chính sách thuế quan mới. Ngoài ra, việc Trung Quốc gia tăng xuất khẩu thủy sản sang các thị trường ASEAN, như Malaysia, Thái Lan và Philippines, sẽ tạo ra áp lực lớn đối với sản phẩm thủy sản Việt Nam.
Trong bối cảnh này, Việt Nam có thể gia tăng thị phần tại thị trường Mỹ, khi Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại và các vấn đề thuế quan. Tuy nhiên, sự cạnh tranh từ sản phẩm thủy sản Trung Quốc trên các thị trường quốc tế vẫn là một thách thức không nhỏ.
Khu vực ASEAN và các quốc gia châu Á đang được dự báo sẽ dẫn đầu trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu vào năm 2025. Dù có sự cạnh tranh từ các quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ, ASEAN vẫn là thị trường khả quan cho thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, việc tiêu thụ thủy sản tại các thị trường ASEAN có thể bị ảnh hưởng bởi sự suy giảm của tầng lớp trung lưu tại Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á. Đồng thời, Thái Lan cũng đang gặp khó khăn trong việc phục hồi kinh tế sau đại dịch. Mặc dù vậy, so với các thị trường như EU và Nhật Bản, ASEAN vẫn được coi là điểm đến tiềm năng cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong năm 2025.
Với Trung Đông, bà Lê Hằng cho biết, mặc dù chiếm chưa đến 4% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, nhưng lại là một thị trường đầy triển vọng. Nhu cầu thủy sản tại các quốc gia Trung Đông đang gia tăng nhanh chóng, đặc biệt khi các quốc gia trong khu vực này đang chuyển mình từ nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ sang phát triển các ngành công nghiệp phi dầu mỏ, như du lịch, công nghệ và chế biến thực phẩm.
Các quốc gia như UAE, Ả Rập Saudi, Qatar và Kuwait đều phụ thuộc vào nhập khẩu thủy sản để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ. Do đó, nhu cầu nhập khẩu thủy sản từ các nước như Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
“Để tận dụng được tiềm năng từ các thị trường này, ngành thủy sản Việt Nam cần tạo được động lực để bà con nông ngư dân yên tâm sản xuất, cung cấp nguồn nguyên liệu xuất xứ Việt để tận dụng lợi thế thuế quan, doanh nghiệp cần động lực để cải tiến chất lượng sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh và khơi thông thị trường xuất khẩu. Khi đó, Việt Nam có thể tự tin bứt phá xuất khẩu trở lại mức 11 tỷ USD hoặc có thể cao hơn vào năm 2025”, bà Lê Hằng đánh giá.
Nguyệt Minh
Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/xuat-khau-thuy-san-2025-hua-hen-but-pha-nho-cac-thi-truong-tiem-nang/20250126092149055