Sau những kết quả tích cực của năm 2024, ngay trong đầu năm 2025, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam tiếp tục gặt hái thành công mới. Đáng chú ý trong tháng 1/2025, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 774,3 triệu USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2024.
![Xuất khẩu rau quả, thủy sản đầu năm 2025 khởi sắc, có mặt hàng thu về gần 800 triệu USD - Ảnh 1.](https://cdn.vietnam.vn/wp-content/uploads/2025/02/Xuat-khau-rau-qua-thuy-san-dau-nam-2025-khoi.jpg)
Công nhân làm hàng tôm xuất khẩu tại Công ty CP Sao Ta. Ảnh: VASEP
Xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 1 năm 2025 đạt 5,08 tỷ USD
Theo Bộ NNPTNT, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản (XKNLTS) ước đạt 62,58 tỷ USD (lần đầu tiên xuất khẩu nông sản vượt mức 60 tỷ USD), tăng 18,8 % so năm 2023, với 11 mặt hàng tiếp tục duy trì giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 7 mặt hàng đạt trên 3 tỷ USD (lâm sản 17,36 tỷ USD; rau quả ước 7,15 tỷ USD, gạo 5,67 tỷ USD, cà phê 5,62 tỷ USD, hạt điều 4,34 tỷ USD, tôm 3,87 tỷ USD, cao su ước 3,42 tỷ USD, thủy sản 10,04 tỷ USD).
Các mặt hàng xuất khẩu lâm sản, thủy sản, rau quả, gạo, cà phê, hạt điều và hạt tiêu đều có bước tăng trưởng hai con số (hồ tiêu tăng 44,7%, cà phê tăng 32,5%, rau quả tăng 27,6%, gạo tăng 21,2%, lâm sản tăng 20%, cao su tăng 19,6%, hạt điều tăng 19,2%,..). Mỹ với thị phần 21,9%, Trung Quốc với thị phần 21,5%, Nhật Bản với thị phần 6,6%, là 3 thị trường xuất khẩu các mặt hàng NLTS lớn nhất của Việt Nam.
Ước giá trị XKNLTS tháng 1 năm 2025 đạt 5,08 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, nông sản đạt 2,64 tỷ USD (-6,2%), chăn nuôi đạt 39 triệu USD (-9,3%); thuỷ sản đạt 750 triệu USD (+ 0,3%); lâm sản gần 1,5 tỷ USD (-4,8%); đầu vào sản xuất đạt 158 triệu USD (- 5,1%); muối đạt 0,7 triệu USD( + 82,7%).
Trước và sau Tết nguyên đán, nguồn cung hàng nông sản tương đối dồi dào, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước. Một số loại trái cây ở khu vực phía Bắc như cam, bưởi, chuối, mặc dù bị suy giảm sản lượng do bão, tuy nhiên không bị thiếu hụt nghiêm trọng do diện tích, sản lượng các loại quả này có sự tăng trưởng khá trong một số năm gần đây.
Hệ thống phân phối hiện đại và mua sắm trực tuyến duy trì hoạt động sát, trong và sau Tết nên giá các mặt hàng rau củ quả trong và sau Tết không tăng nhiều, kể cả tại chợ dân sinh. Nhìn chung, thị trường diễn biến theo quy luật thông thường, không có hiện tượng thiếu hàng, sốt giá, gây bất ổn thị trường.
Dự báo tăng trưởng ở nhiều mặt hàng
Trong tháng 1/2025, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 774,3 triệu USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2024. Đây là một kết quả khả quan so với cùng kỳ năm 2024, khi Tết Nguyên đán rơi vào cuối tháng 1, đã tác động đáng kể đến kết quả xuất khẩu.
Theo Bộ NNPTNT, nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu thủy sản năm 2025 dự báo tăng trưởng tích cực khi các nền kinh tế lớn phục hồi và các thị trường mới nổi có khả năng tăng trưởng như Trung Đông, Châu Phi, Đông Nam Á.
Tại thị trường Mỹ, các chính sách dưới thời Tổng thống Donald Trump có thể tạo cơ hội cho xuất khẩu tôm và cá tra Việt Nam khi Mỹ có thể giảm nhập khẩu từ Trung Quốc và tăng cường nguồn cung thay thế khác. Trong năm 2025, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng từ 10-15% tương ứng với mức tăng đạt khoảng trên 10 tỷ USD.
Bên cạnh đó, dự báo xuất khẩu rau quả năm 2025 tiếp tục có nhiều thuận lợi khi một số mặt hàng trái cây chủ lực đã được phép và đang đàm phán để được phép xuất khẩu sang các thị trường, đặc biệt là thị trường Trung Quốc (ớt, chanh leo, sầu riêng, dừa tươi, quả có múi…).
Tuy nhiên, trái cây Việt Nam ngoài phải đáp ứng các hàng rào kỹ thuật mới sẽ phải cạnh tranh với nhiều quốc gia không chỉ là những đối thủ cạnh tranh truyền thống như Thái Lan, Malaysia… mà cả những quốc gia láng giềng như Lào, Campuchia, Philippin…
Riêng đối với mặt hàng lúa gạo, Bộ NNPTNT dự báo năm 2025, khi Ấn Độ đã gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo, Indonesia (thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam) tự chủ lương thực chỉ nhập khẩu lượng nhỏ gạo tùy thuộc vào nguồn cung sẽ tác động đến lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam.
Do đó, ngành lúa gạo Việt Nam cần sớm tính các phương án sản xuất và kinh doanh phù hợp ngay từ đầu năm 2025. Về thị trường xuất khẩu, một mặt vẫn chú trọng xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm như Philippines, Indonesia… cần chủ động đa dạng hóa thị trường, chủng loại gạo xuất khẩu, không chỉ tập trung vào các thị trường châu Á như Philippines, Indonesia, Trung Quốc… mà cần mở rộng xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng khác, như châu Âu, Mỹ, Trung Đông, Tây Á và Châu Phi; các địa phương cần tập trung sản xuất các loại gạo chất lượng, giá bán cao được thị trường ưa chuộng như các loại gạo thơm, gạo đặc sản…
![Xuất khẩu rau quả, thủy sản đầu năm 2025 khởi sắc, có mặt hàng thu về gần 800 triệu USD - Ảnh 2.](https://cdn.vietnam.vn/wp-content/uploads/2025/02/1739269227_873_Xuat-khau-rau-qua-thuy-san-dau-nam-2025-khoi.jpg)
Doanh nghiệp thu mua lúa gạo trên cánh đồng liên kết phục vụ xuất khẩu tại An Giang. Ảnh: Công Mạo
Bộ NNPTNT khuyến cáo các địa phương cần tiếp tục quan tâm tập trung nguồn lực cho việc triển khai Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”, để đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia tiên phong trong sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải phù hợp xu thế tiêu dùng thế giới, vừa tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn nữa cho hạt gạo Việt Nam.
Hiện, diện tích sản xuất lúa là 7,0 triệu ha, giảm 132 nghìn ha so với 2024; Năng suất dự kiến 61,6 tạ/ha, tăng 0,6 tạ/ha; Sản lượng ước đạt khoảng 43,143 triệu tấn, giảm khoảng 357 nghìn tấn so với năm 2024.
Cân đối lượng gạo hàng hóa phục vụ cho xuất khẩu năm 2025: Sản lượng gạo hàng hóa xuất khẩu chủ yếu tập trung ở các tỉnh vùng ĐBSCL; các vùng khác chủ yếu phục vụ cho tiêu thụ nội địa. Ước sản xuất cả năm 2025 vùng ĐBSCL đạt 3,778 triệu ha, năng suất bình quân ước 63,4 tạ/ha; sản lượng ước đạt 23,965 triệu tấn.
Trong đó, tiêu thụ nội địa cho vùng ĐBSCL và TP.HCM (dự tính tổng số lượng người tiêu thụ gạo từ ĐBSCL là 28 triệu người, gồm: dân số vùng ĐBSCL khoảng 18 triệu người và TP. Hồ Chí Minh khoảng 10 triệu người) và sử dụng làm giống, thức ăn chăn nuôi…, tổng lượng lúa tiêu thụ trong vùng khoảng 8,90 triệu tấn. Lúa hàng hóa dùng cho xuất khẩu ước khoảng 15,085 triệu tấn, tương đương 7,54 triệu tấn gạo hàng hóa phục vụ cho xuất khẩu.
Nguồn: https://danviet.vn/xuat-khau-rau-qua-thuy-san-dau-nam-2025-khoi-sac-co-mat-hang-thu-ve-gan-800-trieu-usd-20250211112350278.htm