Trừ khối EAEU giảm, xuất khẩu giày dép, túi xách của Việt Nam sang các thị trường có hiệp định thương mại tự do (FTA) đều tăng, cao nhất là 20%.
Xuất khẩu tăng ở hầu hết các thị trường
Theo Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam, Việt Nam hiện là quốc gia đứng thức 3 về sản xuất giày dép sau Trung Quốc, Ấn Độ với 1,4 tỷ đôi nhưng là nước đứng thứ 2 về xuất khẩu các mặt hàng này.
Năm 2024, ngành da giày Việt Nam xuất khẩu 26,8 tỷ USD, trong đó, giày dép đạt 22,5 tỷ USD, túi xách đạt 4,3 tỷ USD. Từ năm 2019 – 2024, nhìn chung, biểu đồ tăng trưởng xuất khẩu của ngành tương đối ổn định, chỉ trừ năm 2022 tăng đột biến ở mảng giày dép; các con số cụ thể lần lượt là 21,46 tỷ USD; 19 tỷ USD; 20,47 tỷ USD; 27,59 tỷ USD; 23,94 tỷ USD và 26,8 tỷ USD.
Bà Phan Thị Thanh Xuân- Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày- Túi xách Việt Nam. Ảnh: Euro Cham |
Năm 2024, Mỹ tiếp tục là thị trường nhập khẩu nhiều hàng giày dép và túi xách nhất của Việt Nam với trên 8,232 tỷ USD và trên 1,762 tỷ USD; tiếp đến là EU trên 6,478 tỷ USD và trên 883 triệu USD. Ngoài ra, một số thị trường khác cũng nhập khẩu lượng lớn giày dép của Việt Nam như Trung Quốc trên 1,907 tỷ USD, Nhật Bản trên 1,048 tỷ USD, Hàn Quốc trên 645 triệu USD; mặt hàng túi xách, Nhật Bản nhập khẩu trên 315 triệu USD; Trung Quốc và Hàn Quốc tương tự nhau khoảng trên 150 triệu USD.
Đặc biệt, da giày được ghi nhận là một trong số ngành hàng tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết. Soi vào kết quả xuất khẩu 11 tháng năm 2024 có thể thấy, ngoài thị trường khối Liên minh kinh tế Á-Âu giảm tới 127% chỉ đạt 6,29 triệu USD thì các thị trường có hiệp định thương mại tự do khác ngành đều tăng trưởng dương.
Trong đó, thị trường thuộc Hiệp định thương mại Tự do Việt Nam – Vương quốc Anh và Bắc Ailen (UKVFTA) tăng mạnh nhất với 20%, đạt trên 1 tỷ USD; đứng thứ 2 là thị trường khối Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) tăng 14%, đạt trên 5,91 tỷ USD; thị trường khối ASEN tăng 8%, đạt trên 575 triệu USD và thị trường khối Hiệp định Đối tác toàn diện Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP tăng 7%, đạt trên 3,4 tỷ USD.
Lý giải về sự sụt giảm mạnh tại thị trường khối EAEU bà Phan Thị Thanh Xuân- Phó Chủ tịch Hiệp hội kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày- Túi xách Việt Nam cho hay, do xung đột địa chính trị ở khu vực đã ảnh hưởng lớn đến nhu cầu tiêu dùng, vận chuyển khó khăn đã làm giảm đáng kể đơn hàng. Thậm chí có những doanh nghiệp không thể xuất khẩu được mặc dù trước đó đây vẫn là thị trường tiêu thụ ổn định.
Bên cạnh xuất khẩu, nhập khẩu da thuộc cho sản xuất của Việt Nam trong 11 tháng năm vừa qua cũng tăng và tăng mạnh nhất từ năm 2018 trở lại đây với trên 1,8 tỷ USD; giá trị nhập khẩu máy móc thiết bị cũng chỉ thấp hơn năm cao điểm năm 2019 với 147,5 triệu USD; nhập khẩu nguyên phụ liệu ngành may mặc, da giày đạt trên 6,4 tỷ USD.
Linh hoạt ứng phó với biến động thị trường
Như vậy, có thể thấy, năm 2024 tiếp tục là năm thành công của ngành da giày Việt Nam khi vẫn duy trì được phong độ xuất khẩu. Sang năm 2025, theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam, ngành da giày Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10% so với năm 2024, đạt kim ngạch khoảng 29 tỷ USD.
Xuất khẩu của ngành da giày năm 2024 tăng ở hầu hết các thị trường có FTA. Ảnh minh hoạ |
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, các doanh nghiệp phải nỗ lực rất nhiều, bởi lẽ năm tới, đơn hàng có khả năng ổn định. Tuy nhiên doanh nghiệp cần tái cấu trúc để không bị động trước biến động mới, nhất là sự thay đổi chính quyền ở Mỹ, bởi thị trường này chiếm gần 40% tỷ trọng xuất khẩu của ngành.
Sự gia tăng nhanh chóng của chi phí logistics cũng là một khó khăn lớn bởi các thị trường xuất khẩu của ngành chủ yếu ở xa, như Mỹ và EU.
Cùng đó là những yêu cầu mới, như yêu cầu về xanh hóa, yêu cầu liên quan đến lao động… đều đòi hỏi yêu cầu nâng cao tính tuân thủ của doanh nghiệp. Một thách thức nữa là nguồn lao động đang ngày càng khan hiếm.
Trong khi đó, giá xuất khẩu hầu như không tăng, thậm chí còn bị ép giảm và giá sản xuất từ Trung Quốc được lấy làm cơ sở để đàm phán, điều này cũng tạo ra khó khăn cho doanh nghiệp.
Để vượt qua những thách thức này, các chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là trong việc xây dựng cơ chế, chính sách về năng lượng sạch và năng lượng xanh. Việc hỗ trợ này sẽ giúp các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn năng lượng bền vững, đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, cải tiến công nghệ sản xuất, bảo vệ môi trường và xây dựng chuỗi cung ứng bền vững…
Năm 2025 cho dù đơn hàng không quá khó khăn nhưng tình trạng đơn hàng nhỏ, áp lực giao hàng nhanh lớn, chi phí tăng cao tiếp tục là thách thức với doanh nghiệp. |
Nguồn: https://congthuong.vn/xuat-khau-da-giay-tang-o-hau-het-thi-truong-co-fta-371220.html