Thời gian qua, nhiều nội dung vi phạm phát sinh trên nền tảng xuyên biên giới đặt ra đòi hỏi cần nhanh chóng có các giải pháp xử lý nghiêm, góp phần “làm sạch” môi trường mạng.
Trong đó, việc phối hợp, đấu tranh, yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới phải tuân thủ pháp luật Việt Nam là rất quan trọng và cần thiết.
Theo Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam là nước có chủ quyền và luật pháp trên không gian mạng cho nên các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam bắt buộc phải tuân thủ luật pháp của Việt Nam.
Chỉ riêng trong năm 2024, các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google và TikTok đã chặn và gỡ bỏ 15.995 nội dung vi phạm pháp luật tại Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, trong trường hợp các nền tảng không tuân thủ pháp luật Việt Nam, chúng ta có đủ điều kiện, kỹ thuật, hạ tầng để ngăn chặn, khiến nền tảng này ngừng hoạt động.
Thực tế, việc chặn và gỡ bỏ những nội dung vi phạm đã và đang được thực hiện khá rốt ráo thời gian qua. Chỉ riêng trong năm 2024, các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google và TikTok đã chặn và gỡ bỏ 15.995 nội dung vi phạm pháp luật tại Việt Nam.
Cụ thể, tính đến tháng 12/2024, Facebook đã chặn, gỡ 8.981 nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật Việt Nam, bao gồm 8.463 bài viết, 349 tài khoản, 16 group và 153 trang vi phạm (tỷ lệ 94%); Google đã chặn, gỡ 6.043 nội dung vi phạm trên YouTube, bao gồm 6.007 video và 36 kênh vi phạm (đăng tải hơn 39.000 video, tỷ lệ 91%); TikTok đã chặn, gỡ 971 nội dung vi phạm, bao gồm 677 video và 294 tài khoản (đăng tải hơn 94.000 video, tỷ lệ 93%).
Những kết quả này là nỗ lực rất lớn của các cơ quan chức năng Việt Nam trong việc đàm phán, nhắc nhở, đôn đốc và yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới tuân thủ pháp luật Việt Nam.
Ngoài ra, các Trung tâm xử lý tin giả, thông tin xấu độc tại các địa phương đã được thành lập để hình thành mạng lưới xử lý tin giả, thông tin xấu độc quốc gia, nhằm nâng cao công tác xử lý tin giả, tin sai sự thật, phòng chống lừa đảo trên không gian mạng.
Trong đó, Cổng thông tin tiếp nhận tin giả, thông tin xấu độc quốc gia (tingia.gov.vn) đã thực hiện công bố kịp thời nhiều tin giả, tin sai sự thật, kịp thời ngăn chặn sự phát tán của tin giả, tin sai sự thật; thực hiện hơn 50 bài viết cảnh báo về các nội dung lừa đảo, sai sự thật có ảnh hưởng lớn, ngăn chặn hơn 1.700 website đăng tin giả, lừa đảo, cờ bạc, cá độ, quảng cáo khiêu dâm.
Dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song việc xử lý các nội dung vi phạm trên nền tảng xuyên biên giới vẫn còn không ít khó khăn, thách thức. Các nền tảng mạng xã hội lớn thường không đặt trụ sở tại Việt Nam, gây khó khăn trong việc thực thi biện pháp quản lý.
Cổng thông tin tiếp nhận tin giả, thông tin xấu độc quốc gia (tingia.gov.vn) đã thực hiện công bố kịp thời nhiều tin giả, tin sai sự thật, kịp thời ngăn chặn sự phát tán của tin giả, tin sai sự thật; thực hiện hơn 50 bài viết cảnh báo về các nội dung lừa đảo, sai sự thật có ảnh hưởng lớn, ngăn chặn hơn 1.700 website đăng tin giả, lừa đảo, cờ bạc, cá độ, quảng cáo khiêu dâm.
Sự phát triển không ngừng của công nghệ khiến hành vi phát tán nội dung vi phạm, thông tin sai lệch ngày càng khó phát hiện và xử lý. Chưa kể, khi có vi phạm về nội dung thì mức độ ảnh hưởng đã lớn, gây bức xúc trong xã hội trong khi việc yêu cầu ngăn chặn, gỡ bỏ theo quy trình khá mất thời gian.
Mặt khác, các mạng xã hội, nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới chưa chủ động tạo bộ lọc để chặn, gỡ từ hệ thống nội dung, quảng cáo vi phạm. Vì thế, để nâng cao hơn nữa hiệu quả xử lý các nội dung vi phạm trên nền tảng xuyên biên giới, cần quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.
Trước tiên, tập trung triển khai Nghị định số 147/2024/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng; việc xác thực tài khoản mạng xã hội bằng số điện thoại di động Việt Nam; yêu cầu các mạng xã hội chặn, khóa tài khoản, trang, kênh thường xuyên vi phạm; đồng thời, tiếp tục phối hợp sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo; định hướng các nhà sáng tạo nội dung, kênh nội dung để khuyến khích sản xuất các nội dung tích cực, lành mạnh…
Bên cạnh đó, các nền tảng mạng xã hội hoạt động tại Việt Nam cần tích cực hợp tác với cơ quan quản lý; chủ động rà quét, gỡ bỏ các thông tin vi phạm như: cờ bạc, mại dâm, ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ em…
Nguồn: https://nhandan.vn/xu-ly-nghiem-vi-pham-tren-nen-tang-xuyen-bien-gioi-post859417.html