Triển lãm diễn ra ở 2 tầng tại Nhã Lam Art (602/45E Điện Biên Phủ, P.22, Q.Bình Thạnh, TP.HCM), trong đó tầng trệt trưng bày tranh màu nước của Hồ Hưng và Lotus Gallery, tầng trên tiếp tục trưng bày tranh màu nước, gốm xưa và đồ gỗ nội thất. Với tiêu chí “đưa nghệ thuật đến gần công chúng”, nhà tổ chức thiết kế không gian triển lãm như một nơi gặp mặt ấm cúng.
Cụ thể, bộ sưu tập tranh màu nước của Hồ Hưng mang đến công chúng những tác phẩm đặc sắc nhất của họa sĩ này (từng được giới thiệu vào tháng 7 năm nay trong triển lãm Những cảm xúc nhỏ).
Một trong những bộ sưu tập thú vị nhất trong triển lãm là gốm, đa phần là những tác phẩm được sưu tầm từ Trường Mỹ thuật Biên Hòa và xưởng Thành Lễ.
Theo chia sẻ của bà Nguyễn Giáng Xuân – nhà sáng lập Nhã Lam Art, bộ sưu tập gốm này được sưu tầm từ nhiều nước, không chỉ ở Việt Nam. Ngoài các tác phẩm gốm từ Trường Mỹ thuật Biên Hòa và xưởng Thành Lễ, số khác được mua và vận chuyển trực tiếp từ các phiên đấu giá gốm quốc tế về nên có những tác phẩm rất độc đáo. Nhiều tác phẩm khác được sưu tầm từ chính dân sành chơi gốm nên hầu như đều chứa đựng những câu chuyện riêng.
Tại buổi gặp mặt thân thiết nhằm ra mắt triển lãm vừa qua, ban tổ chức đã giới thiệu về đặc trưng của gốm từ Trường Mỹ thuật Biên Hòa và gốm từ xưởng Thành Lễ,; về hoa văn, màu sắc, kiểu dáng cũng như một số tác phẩm gốm khác.
Những câu chuyện văn hóa vượt thời gian
Ý tưởng của triển lãm Nhã mộng du nhiên nhằm giới thiệu đến người thưởng lãm những câu chuyện văn hóa vượt thời gian, chứ không hẳn chỉ là câu chuyện của gốm xưa. Trong đó, tác phẩm gốm của Trường Mỹ thuật Biên Hòa và xưởng Thành Lễ có nhiều câu chuyện để kể hơn cả vì nơi xuất thân của những tác phẩm này vốn đã mang bề dày lịch sử nhất định.
Dòng gốm của Trường Mỹ thuật Biên Hòa độc đáo ở hình thức pha chế men gốm và tay nghề của người thợ. Gốm ở đây được xem như tiên phong trong việc kết hợp yếu tố gốm Việt và phương Tây đầu thế kỷ 20, chú trọng đến tiện ích của sản phẩm khi được chế tác.
Còn với xưởng Thành Lễ, gốm là một trong những dòng sản phẩm mà xưởng tập trung phát triển sau khi thành lập đầu thập niên 1960, bên cạnh tranh sơn mài. Các tác phẩm gốm của xưởng này đặc biệt ở chỗ chạm khắc chìm, gây ấn tượng mạnh với chấm men nhiều màu và hoa văn rất chi tiết phủ khắp sản phẩm; đồng thời, nơi này chú trọng nhấn vào sự độc đáo, riêng biệt của tác phẩm nên hầu như các sản phẩm được sản xuất lâu, với độ tuyển lựa khắt khe về mặt nghệ thuật. Đáng chú ý, các tác phẩm gốm của xưởng Thành Lễ tuy sinh sau đẻ muộn so với trường Mỹ thuật Biên Hòa nhưng sau đó đã vang danh ở trong nước và quốc tế, ông Thành Lễ cũng nhận nhiều đơn đặt hàng trên thế giới.
Bà Nguyễn Giáng Xuân chia sẻ, vì đây đều là những tác phẩm có giá trị nên giá đã được niêm yết và sẽ không có tình trạng “cò kè bớt một thêm hai” để tránh làm giảm giá trị sản phẩm cũng như trải nghiệm của người thưởng thức. Triển lãm Nhã mộng du nhiên diễn ra từ 1.12 – 15.12.
Nguồn: https://thanhnien.vn/xem-gom-xua-ke-chuyen-185241201170749107.htm