Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 393/QĐ-TTg ngày 24/2/2025 phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng Khu vực cửa khẩu Chi Ma, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn đến năm 2045.
![]() |
Theo Quyết định, khu vực nghiên cứu lập quy hoạch nằm ở phía Đông Bắc huyện Lộc Bình thuộc địa phận xã Yên Khoái và Tú Mịch. Cửa khẩu Chi Ma có chính diện trùng với đường biên giới: Từ Mốc 1220/2 chạy dọc theo đường biên giới đến Mốc 1239, dài khoảng 5,8 km trên tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc, cách đường quốc lộ 4B khoảng 12 km, cách thành phố Lạng Sơn khoảng 37 km, có địa thế vị trí quan trọng trong lĩnh vực kinh tế – xã hội và an ninh quốc phòng tỉnh Lạng Sơn với ranh giới: Phía Bắc giáp đường biên giới Việt – Trung, phía Nam giáp đường giao thông liên xã hiện trạng thuộc xã Tú Mịch, phía Đông giáp suối bản Thín thuộc xã Tú Mịch, phía Tây giáp đất lâm nghiệp thuộc xã Yên Khoái.
Quy mô diện tích lập quy hoạch khoảng 535 ha.
Mục tiêu quy hoạch chung xây dựng khu vực cửa khẩu chính Chi Ma, tỉnh Lạng Sơn đến năm 2045 nhằm xây dựng khu vực cửa khẩu chính Chi Ma thành một khu kinh tế phát triển năng động, hiệu quả, có tầm quốc tế, là một cực tăng trưởng quan trọng phía Đông tỉnh Lạng Sơn.
Đồng thời, xây dựng khu vực cửa khẩu chính Chi Ma trở thành đô thị văn minh, hiện đại, môi trường xã hội thân thiện; là trung tâm dịch vụ cửa khẩu, thương mại cửa khẩu; dịch vụ du lịch quốc gia và quốc tế; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, mạng lưới dịch vụ hoàn thiện; hấp dẫn đầu tư, thu hút lực lượng lao động; đảm bảo môi trường xanh, sạch, bền vững.
Khu vực cửa khẩu Chi Ma có tính chất là khu vực kinh tế, thương mại, dịch vụ và du lịch quan trọng của tỉnh; nơi tập trung các hoạt động kinh tế cửa khẩu, kho bãi, cung ứng và phân phối hàng hóa, là đầu mối giao thương liên vùng và quốc tế; là khu vực cửa khẩu chính được định hướng phát triển, hình thành đô thị mới trong tương lai; là đầu mối giao thông quan trọng của tỉnh, có vị trí chiến lược về kinh tế, xã hội, quốc phòng – an ninh.
Quyết định đặt ra nhiều yêu cầu về nội dung chính của quy hoạch chung xây dựng khu vực cửa khẩu chính Chi Ma. Trong đó:
– Dự báo phát triển và các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật: Tổng hợp các dự báo về phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Lạng Sơn và khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn, Khu công nghiệp lân cận có sự tác động đến sự phát triển của khu vực cửa khẩu Chi Ma làm cơ sở để dự báo nhu cầu phát triển; dự báo phát triển về kinh tế – xã hội, dân số, động lực phát triển, dự báo sự thay đổi môi trường tự nhiên do tác động của đô thị hóa và phát triển; dự báo phát triển và các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật…
– Cơ cấu phát triển khu quy hoạch: Lập các phương án cơ cấu quy hoạch; nêu các luận cứ để xác định phương án tối ưu; nêu rõ ý đồ về cơ cấu, tổ chức của phương án được chọn lựa trên các mặt…
– Dự kiến sử dụng đất của khu vực theo yêu cầu phát triển của từng giai đoạn: Đề xuất phương án quy hoạch sử dụng đất trên cơ sở phù hợp với định hướng phân khu chức năng theo nguyên tắc khai thác triệt để quỹ đất, tận dụng cảnh quan, thuận lợi cho đầu tư xây dựng và phân kỳ đầu tư; xác định ranh giới các khu vực trong phạm vi lập quy hoạch theo tính chất và chức năng sử dụng đất; xác định chức năng sử dụng đất cho các khu vực; nghiên cứu định hướng sử dụng đất, tính toán sắp xếp tính kết nối, khu vực, vùng, đảm bảo tính kế thừa và phát triển hài hòa với các quy hoạch ngành lĩnh vực…
– Định hướng phát triển không gian tổng thể: Xây dựng mô hình và hướng phát triển khu vực cửa khẩu chính Chi Ma đến năm 2045; xác định phạm vi, quy mô các khu chức năng; khu hiện có hạn chế phát triển, khu chỉnh trang, cải tạo, khu cần bảo tồn, tôn tạo; các khu chuyển đổi chức năng; khu phát triển mới; khu cấm xây dựng, các khu dự trữ phát triển; tổ chức các khu chức năng, các khu vực phát triển mới như: Khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu logistics, khu phức hợp dịch vụ – du lịch, khu gia công chế biến, khu phi thuế quan, khu dân cư mới và tái định cư….
– Định hướng phát triển không gian cụ thể: Định hướng quy hoạch các khu vực cửa khẩu cần thống nhất với Quy hoạch hệ thống của cửa khẩu quốc gia đang được nghiên cứu. Trong khu cửa khẩu Chi Ma sẽ phát triển các loại hình hoạt động chính.
– Định hướng kiểm soát về kiến trúc, cảnh quan: Xác định các vùng kiến trúc, cảnh quan, các khu vực trung tâm, khu vực cửa ngõ của đô thị, trục không gian chính, quảng trường lớn, không gian cây xanh – mặt nước, điểm nhấn trong đô thị và đề xuất nguyên tắc, yêu cầu tổ chức không gian, kiến trúc cho các khu chức năng của khu kinh tế cửa khẩu; xác định các giải pháp bảo tồn và phát huy có hiệu quả các không gian đô thị có giá trị văn hóa lịch sử như khu vực cửa khẩu Chi Ma, các cụm, các quần thể di tích văn hoá – lịch sử có giá trị…
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/xay-dung-khu-vuc-cua-khau-chi-ma-thanh-khu-kinh-te-phat-trien-160802.html