Các doanh nghiệp không chỉ hỗ trợ nhau về mặt kỹ thuật canh tác trong trồng trọt, mà còn đưa máy móc, trang thiết bị của mình vào để hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ khác nghiên cứu, phát triển sản phẩm.
Ý tưởng liên kết nảy sinh từ đại dịch
Khởi nghiệp trong lĩnh vực nông sản, chị Nguyễn Thị Thu, Giám đốc – Sáng lập Công ty CP Hỗ trợ Sáng kiến Kinh doanh Tạo tác động (MEVI), thấu hiểu điểm yếu trong doanh nghiệp, đó là tính liên kết. Điểm yếu này càng bộc lộ rõ khi có “sự cố”. Đó là thời điểm năm 2020, đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nông sản không xuất khẩu được, hàng hoá ứ đọng. Giao thương giữa các địa bàn chững lại… Thách thức đặt ra đối với chủ doanh nghiệp trong bối cảnh bấy giờ là phải tìm lời giải cho “bài toán” thiết kế mô hình kinh doanh thích ứng với thời kỳ Covid-19.
“Dịch bệnh khiến mọi người coi trọng vấn đề sức khoẻ, quan tâm tới những sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên. Đây có thể coi là một cơ hội cho ngành chế biến nông sản tại Việt Nam”, chị Thu nhận định. Đó chính là lý do chị quyết tâm thành lập MEVI, hướng tới 3 tiêu chí: Sản phẩm minh bạch, sản phẩm có tác động sinh kế cho phụ nữ nông thôn, sản phẩm có tác động tích cực tới môi trường.
Tập trung phát triển chuỗi liên kết, kết nối các doanh nghiệp siêu nhỏ
Xác định rõ rào cản của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã siêu nhỏ do phụ nữ làm chủ, là thiếu tính liên kết, hạn chế trong tiếp cận, ứng dụng công nghệ chế biến sau thu hoạch vào sản xuất, MEVI đã tập hợp, kết nối các doanh nghiệp, hợp tác xã đã có nhà xưởng, cơ sở vật chất, để liên kết thành một hệ sinh thái. Các doanh nghiệp không chỉ hỗ trợ nhau về mặt kỹ thuật canh tác trong trồng trọt, mà còn đưa máy móc, trang thiết bị của mình vào để hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ khác nghiên cứu, phát triển sản phẩm. Cuối cùng, hệ sinh thái MEVI sẽ kết nối các sản phẩm được làm ra và xây dựng cơ chế hợp tác bán chéo, phân phối sản phẩm.
“Giải pháp được MEVI đưa ra là hỗ trợ hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể cùng tìm ý tưởng sản phẩm chế biến có yếu tố sáng tạo và hỗ trợ kết nối hợp tác với doanh nghiệp có nhà xưởng, máy móc trang thiết bị, để có thể gia công, chế biến sản phẩm nông sản sáng tạo. Qua quá trình thực địa tại các địa phương, tôi nhận ra, không ai hiểu văn hóa của một vùng đất bằng chính người địa phương. Bởi vậy, chúng tôi cùng khởi nghiệp “xanh”, phát triển nông nghiệp bền vững”, chị Nguyễn Thị Thu cho biết.
Tham gia hệ sinh thái này, một số tổ hợp tác, hợp tác xã do nữ làm chủ đã có những sản phẩm nông sản chế biến có yếu tố sáng tạo và bước đầu xây dựng thị trường phân phối tốt như: Bánh Xoài Yên Châu, Bún dâu tây Bản Áng, Nấm linh chi ATC, Bột rau muống sấy lạnh đường phèn Bắc Ninh, Viên gừng Yên Châu, Tinh chất cần tây Vietherbes. Đây chính là nền móng để các doanh nghiệp này chúng sức để tạo thành một hệ sinh thái phát triển, mở rộng thị trường của mình.
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/xay-dung-he-sinh-thai-ket-noi-phu-nu-khoi-nghiep-20240509165606968.htm