Huyện vùng cao biên giới Mường Lát tiếp giáp với 2 huyện Viêng Xay và Xốp Bâu của tỉnh Hủa Phăn (nước CHDCND Lào) có đường biên giới dài 105,5 km. Đây cũng là địa bàn sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số như Thái, Mông, Mường, Dao, Khơ Mú. Được coi là huyện có vị trí địa lý trọng yếu về chính trị, quốc phòng – an ninh của tỉnh nên từ nhiều năm qua, việc phát triển kinh tế – xã hội ở huyện xa trung tâm tỉnh lỵ Thanh Hóa nhất này cũng có nhiều đặc thù. Thời gian gần đây, việc xây dựng nông thôn mới (XDNTM), nhất là ở cấp thôn/bản cũng được huyện Mường Lát triển khai theo hướng gắn với mục tiêu bảo vệ an ninh biên giới.
Nhà văn hóa bản Lách, xã Mường Chanh (Mường Lát) được xây dựng theo tiêu chí nông thôn mới vùng biên.
Ngoài thị trấn huyện lỵ, Mường Lát có 7 xã thì 6 xã nằm trên tuyến biên giới, toàn huyện có 31 đơn vị cấp bản giáp nước bạn Lào. Nơi đây vẫn là trọng điểm ma túy của tỉnh bởi các đối tượng luôn lợi dụng địa hình hiểm trở để trung chuyển chất ma túy vào Việt Nam. Nhiều năm trước, không ít lần các đối tượng phản động còn lợi dụng sự cả tin của đồng bào dân tộc ít người để kích động gây rối, truyền đạo trái phép. Theo đó, Mường Lát luôn xác định công tác bảo đảm an ninh, an toàn vùng biên là nhiệm vụ quan trọng, việc XDNTM ở các thôn/bản cũng được gắn với nhiệm vụ ấy.
Thực hiện Quyết định số 1810/QĐ-UBND của UBND tỉnh về phê duyệt kế hoạch thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, huyện Mường Lát đã ban hành các kế hoạch, xác định rõ mục tiêu, yêu cầu và các giải pháp thực hiện cụ thể từng năm. Từ đó, huyện giao cho các phòng, ban, cơ quan chuyên môn hướng dẫn các xã xây dựng kế hoạch để tổ chức triển khai thực hiện. Các cấp ủy, chính quyền cơ sở đã và đang tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp Nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của XDNTM cấp thôn, bản, bước đầu tạo được sự đồng lòng tích cực từ chính quyền cấp xã và Nhân dân các bản vùng biên.
Trên thực tế, Mường Lát vẫn là huyện nghèo nhất tỉnh và là một trong 74 huyện nghèo của cả nước nên điều kiện kinh tế còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao. Nơi đây có địa hình phức tạp, cơ sở hạ tầng còn yếu so với mặt bằng chung của toàn tỉnh. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, nhất là hoạt động của tội phạm liên quan đến ma túy. Để từng bước khắc phục, huyện đang từng bước lồng ghép chương trình XDNTM để phát triển mọi mặt đời sống xã hội. Lộ trình xây dựng các bản NTM được gắn với mục tiêu “lấy phát triển kinh tế – xã hội làm trung tâm, bảo đảm quốc phòng – an ninh là then chốt”.
Khi kinh tế phát triển sẽ tạo điều kiện để củng cố quốc phòng – an ninh và khi quốc phòng – an ninh được củng cố vững chắc, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội. Từ nhận thức trên, việc XDNTM cấp bản ở đây yêu cầu song hành phát triển kinh tế gắn với củng cố quốc phòng – an ninh. Huyện chỉ đạo các xã tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc; phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Các thôn có nhiệm vụ duy trì có hiệu quả các mô hình an ninh tự quản thôn, bản; tập thể, cá nhân tự nguyện đăng ký tham gia bảo vệ cột mốc, đường biên giới…
Thông tin từ Huyện ủy Mường Lát, chỉ tính riêng từ đầu năm 2021 đến nay, huyện đã có thêm 7 bản đạt chuẩn NTM, trong đó có 4 bản giáp biên giới, 1 bản người dân tộc Mông. Tuy số lượng bản được công nhận đạt chuẩn NTM còn thấp, song việc triển khai quyết liệt Chương trình XDNTM của huyện thời gian qua đã góp phần nâng cao đời sống của Nhân dân vùng biên, thực hiện tốt hơn các chính sách an sinh xã hội. Các phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, tự quản an ninh trật tự thôn bản được tổ chức hiệu quả và ngày càng thu hút được đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia. Tình hình tội phạm và các tệ nạn xã hội theo đó cũng giảm xuống rõ rệt, góp phần giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Bài và ảnh: Linh Trường