DNVN – Trước hàng chục nữ doanh nhân Việt Nam tại trụ sở Công ty Cổ phần Sao Thái Dương ngày 17/5, Tổng Giám đốc Ngozi Okonjo Iweala cho biết, WTO sẽ nỗ lực xây dựng năng lực, nâng cao quyền năng cho những doanh nhân nữ Việt Nam, giúp các doanh nghiệp (DN) do phụ nữ làm chủ phát triển vững vàng, “gõ cửa” được những thị trường mới.
Ngày 17/5, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Văn phòng dự án SheTrades tại Việt Nam và Mạng lưới Nữ lãnh đạo tiên phong (WeLead) tổ chức cuộc “Gặp gỡ và đối thoại giữa bà Ngozi Okonjo Iweala – Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) với các nữ doanh nhân Việt Nam” trong khuôn khổ chuyến công tác của bà tại Việt Nam.
Ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, kể từ khi gia nhập WTO (năm 2007) đến nay, những lợi ích từ tự do hóa thương mại và chính sách mở cửa theo các hiệp định của WTO đã thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua. Các thành viên WTO, các DN quốc tế ngày càng quan tâm đến Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như năng lượng tái tạo, công nghệ xanh, CNTT và các ngành trọng điểm khác.
Ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương).
Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh – Nhà sáng lập, Chủ tịch WeLead chia sẻ, cuộc gặp gỡ là cơ hội để các nữ doanh nhân Việt Nam được cập nhật thông tin về hoạt động của WTO, những chương trình của WTO phối hợp với Việt Nam nhằm thúc đẩy, hỗ trợ các DN do nữ làm chủ tham gia thương mại quốc tế; đồng thời được tham vấn những vấn đề mà các nữ doanh nhân Việt Nam quan tâm. Qua đó, giúp các DN do nữ làm chủ vượt qua thách thức không chỉ ở thị trường quốc tế mà ngay cả thị trường nội địa.
Chia sẻ trước hơn 50 doanh nhân nữ Việt Nam, Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo Iweala cho biết, Việt Nam có 26 triệu lao động nữ, là một trong top 15 quốc gia có tỷ lệ lao động nữ lớn nhất.
Bà Ngozi Okonjo Iweala – Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Kể từ khi Việt Nam tham gia WTO (năm 2007) đến nay đã có rất nhiều tiến triển trong kinh tế và thương mại. Việt Nam có nhiều cải cách trong vòng 2 thập kỷ qua, tăng 4 lần về GDP, thương mại tăng gấp 7 lần. Và sự phát triển của Việt Nam thông qua việc xuất khẩu hàng hoá ra thế giới phải kể đến vai trò của các nữ doanh nhân. Việt Nam là ví dụ hết sức tuyệt vời cho các quốc gia đang phát triển khác.
Bà Ngozi Okonjo Iweala khẳng định, WTO có thể can thiệp giúp doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ phát triển vững vàng thông qua những quy định về thương mại nhằm đảm bảo tính công bằng, minh bạch, đoán định được thương mại toàn cầu.
“Ví dụ như xuất khẩu hàng hoá đến một quốc gia nào đó, sản phẩm sẽ phải chịu bất kỳ loại thuế quan nào đó từ quốc gia nhập khẩu. Dù vậy, nếu có thoả thuận với WTO sẽ đảm bảo các quy định thương mại là ổn định, biết được khi nhập khẩu vào thị trường đó sẽ có những quy định gì”, Tổng giám đốc WTO nói.
Tổng Giám đốc WTO chia sẻ với các nữ doanh nhân Việt Nam.
Tổng giám đốc Ngozi Okonjo Iweala nhấn mạnh, WTO sẽ nỗ lực xây dựng năng lực, nâng cao quyền năng cho những doanh nhân nữ Việt Nam như đẩy mạnh tăng cường chất lượng sản phẩm, xử lý những thách thức doanh nghiệp nữ Việt Nam phải đối mặt, làm sao để họ “gõ cửa” được những thị trường mới.
Tham dự cuộc gặp gỡ với Tổng giám đốc WTO có hàng chục DN do nữ làm chủ trong mạng lưới WeLead và SheTrades có quy mô từ nhỏ đến lớn. Trong đó, Công ty Cổ phần Sao Thái Dương (Sao Thái Dương) là 1 trong những DN tiên phong dẫn dắt xu hướng kinh doanh bao trùm ở Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Hương Liên – đồng sáng lập, Phó Tổng giám đốc Sao Thái Dương, Phó Chủ tịch Welead chia sẻ: “Sao Thái Dương vinh dự được lựa chọn là chủ nhà cho sự kiện đối thoại quan trọng này. Chúng tôi mong muốn chuyển tải đến người đứng đầu WTO tinh thần của doanh nhân nữ Việt Nam, cách thức mà các doanh nhân nữ Việt Nam đối diện với thử thách và từng bước vượt qua.
Là DN khoa học – công nghệ, Sao Thái Dương có chiến lược kinh doanh bền vững, không ngừng đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, công ty định hướng theo mô hình kinh tế bao trùm – doanh nghiệp doanh nhân nữ tạo tác động tích cực tới phát triển xã hội”
Bà Nguyễn Thị Hương Liên – đồng sáng lập, Phó Tổng giám đốc Sao Thái Dương.
Trong phần giao lưu, các nữ doanh nhân Việt Nam đã dành nhiều câu hỏi cho Tổng giám đốc WTO như làm thế nào để cân bằng giữa công việc và bảo đảm hạnh phúc gia đình, trong tương lai WTO sẽ có những chương trình hỗ trợ nào cho các doanh nghiệp Việt Nam do nữ làm chủ. Các DN này đều bày tỏ mong muốn nâng cao kiến thức, xây dựng năng lực, phát triển và mở rộng thị trường trong và ngoài nước.
Liên quan đến câu hỏi về cách tiếp cận thị trường nước ngoài hiệu quả, Tổng Giám đốc WTO khuyên các nữ chủ doanh nghiệp khi nhắm tới một thị trường nào đó, cần cố gắng tìm hiểu kỹ yêu cầu của thị trường. Chỉ khi nghiên cữu kỹ lưỡng thì hoạt động đầu tư mới thành công.
Chẳng hạn khi nhắm tới thị trường châu Âu, chủ DN phải nắm vững các quy định về kỹ thuật, hàng rào thuế quan mà họ đưa ra để có thể vượt qua. Khi mọi thứ đã sẵn sàng rồi thì mới nên đầu tư.
Nguyệt Minh