Để đất nước vươn lên mạnh giàu như ý kiến của Tổng Bí thư Tô Lâm, chúng ta cần mau chóng tìm được những hướng đi cho những vùng, khu vực còn đang tụt hậu với những phương cách làm ăn kém hiệu quả.
Nhân dịp năm mới, các báo đều đăng ý kiến của Tổng Bí thư Tô Lâm về vận mệnh của đất nước vào giai đoạn mới. Tổng Bí thư nói: Chúng ta đã hội đủ điều kiện và đang đứng trước cơ hội lịch sử để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, kỷ nguyên phát triển giàu mạnh. Ông khẳng định: Đích đến của kỷ nguyên vươn mình là dân giàu nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.
Thật là tuyệt vời! Đồng bào cả nước vô cùng phấn khởi với quyết tâm mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu ra. Mọi người đều tin tưởng vào một tương lai tươi sáng mà đất nước chúng ta sẽ vươn tới.
Để đạt được những mục đích mà Tổng Bí thư đã nêu ra, bà con nông dân mình phải có quyết tâm rất lớn. Có lẽ các ngành công nghiệp sẽ là đầu tàu để đưa đất nước đi lên. Thế còn, trên mặt trận nông nghiệp, bà con mình chắc chắn phải có những chuyến biến rõ rệt. Từng gia đình phải có quyết tâm rất cao.
Hiện nay những vùng khó khăn nhất của đất nước hầu như đều nằm ở nông thôn. Đặc biệt là những vùng núi non, dân tộc ít người, vùng bị hạn mặn hay những vùng bị sa mạc hóa… Làm sao để bà con ở những nơi này mau chóng thoát nghèo và có cơ hội vươn lên làm giàu?
Nên coi đây là trách nhiệm, là những việc làm cấp thiết mà chúng ta phải thực hiện ngay với những kết quả rõ rệt. Tuyệt đối không chỉ hô hào bằng khẩu hiệu hay nói chung chung. Đưa những vùng khó này vươn lên là công việc hết sức thách thức và phức tạp. Lâu nay chúng ta đã có rất nhiều dự án cho những vùng như thế này nhưng kết quả không được như đề xuất.
Theo tôi, những đơn vị hoặc cá nhân nào không hoàn thành nhiệm vụ phải kiên quyết xử lý. Ngân sách Nhà nước đầu tư vào khu vực này rất lớn nhưng kết quả không được như mong muốn. Có tình trạng rất phổ biến là: Khi dự án kết thúc thì mọi việc lại trở về y nguyên như trước đây, tức là hiệu quả không hề kéo dài.
Để đất nước vươn lên mạnh giàu như ý kiến của Tổng Bí thư Tô Lâm, cần mau chóng tìm được những hướng đi cho những vùng, khu vực còn đang tụt hậu với những phương cách làm ăn kém hiệu quả.
Nhằm góp phần vào sự nghiệp này, chúng tôi đã huy động đông đảo các nhà khoa học trong cả nước viết bộ sách “1001 cách làm ăn” để phục vụ riêng cho bà con nông dân. Mỗi cuốn sách sẽ dạy cho bà con một nghề. Những nghề đó giúp cho bà con nông dân nâng cao thu nhập ngay trên chính mảnh đất của mình.
Chúng tôi yêu cầu các nhà khoa học phải viết ngắn, gọn, dễ hiểu, dễ làm theo để nông dân hào hứng đọc sách. Có sách là có nghề! Nông dân sẽ tự vươn lên được ngay trên chính mảnh đất của mình.
Đối với những vùng núi non ở Tây Bắc, Việt Bắc và cả ở Tây Nguyên nữa, chúng tôi đã giới thiệu rất nhiều đối tượng cây trồng, vật nuôi mà bà con có thể lựa chọn chủng loại phù hợp để đạt hiệu quả cao.
Cao su, chè, hồ tiêu, ca cao, cà phê… đang là những đối tượng giúp cho bà con có thu nhập tốt. Nuôi trâu, nuôi ngựa bạch, nuôi bò sữa, bò thịt, dê, cừu, thỏ, lợn, đà điểu và các loại gia cầm đều được chúng tôi viết thành sách để bà con áp dụng. Rất nhiều gia đình đã giàu lên nhờ nuôi các đối tượng này.
Chúng tôi cũng đang tập trung viết về phương pháp gây trồng những rừng cây gỗ lớn và các loại cây lâm nghiệp đa tác dụng. Những rừng hồi, rừng đàng hương, rừng dổi, rừng dẻ ăn hạt, cây trám… và rừng cây mắc ca đang được bà con tập trung phát triển mạnh.
Riêng với cây mắc ca, hơn 10 năm qua, chúng ta đã trồng được hơn 22.000ha. Chúng sẽ giúp cho bà con miền núi vươn lên để có được thu nhập cao và ổn định. Ngoài ra, rất nhiều loại cây ăn quả cũng được trồng rộng rãi như: Nhãn, vải, xoài, cam, chanh, quýt, bưởi, na, hồng, đào, mận… và gần đây là “cơn sốt” về sầu riêng.
Miền núi hoàn toàn có thể vươn lên, thậm chí vượt cả miền xuôi nếu như chúng ta tổ chức sản xuất tốt. Đấy là chưa nói tới các loại cây dược liệu vì Việt Nam là một kho dược liệu khổng lồ…
Ở những vùng đồng bằng, đặc biệt là bà con ở miền Tây Nam Bộ, các gia đình có thể áp dụng hàng loạt nghề mà dễ dàng cho thu nhập cao. Ngoài nuôi tôm, nuôi các loại cá ra, bà con có thể có thể làm giàu nhờ nuôi ốc nhồi, cà cuống, nuôi lươn trong bể không bùn…
Có lẽ một trong những vùng khó khăn nhất ở nước ta là dải đất Nam Trung Bộ, nơi đang bị sa mạc hóa (gồm cả Bình Thuận, Ninh Thuận và một phần Khánh Hòa). Ở đó chỉ có cát và nắng nóng. Không loài cây nào mọc được. Thế nhưng hiện nay, một số nơi đã đưa được cây măng tây, cây nho, cây táo và cây nha đam vào trồng, kết quả cũng rất tốt. Tuy nhiên, điều đó chỉ thực hiện được trên một phạm vi hẹp.
Chúng tôi kiến nghị đưa cây xoan chịu hạn (cây neem) vào phủ xanh toàn bộ những vùng sa mạc nóng bỏng đó. Đây có lẽ là loài cây duy nhất chịu được cái nóng như đổ lửa ở đây. Chúng có bộ rễ ăn rất sâu, có cây ăn sâu tới 20m. Lá và quả của chúng giống cây xoan ta. Bộ lá của chúng rất dày và thân lớn. Có cây đường kính thân tới 70 – 80cm. Ta có thể trồng cây xoan chịu hạn để phủ kín toàn bộ những vùng đang bị sa mạc hóa.
Nhưng điều thú vị là bà con có thể thu lợi lớn từ loại cây này. Lá và quả của cây xoan chịu hạn có một chất có khả năng xua đuổi và tiêu diệt côn trùng. Ở Ấn Độ, người ta có tới 4 nhà máy sản xuất thuốc bảo vệ thực vật từ loại chất này (azadirachtin). Vì vậy, nếu toàn vùng đã bị sa mạc hóa ở ta được phủ bằng giống cây xoan chịu hạn thì bà con sẽ có nguồn thu lớn từ quả và lá của chúng để bán cho nhà máy thuốc bảo vệ thực vật. Gỗ của chúng cũng có giá trị cao…
Điểm qua một vài nội dung để bà con thấy, ở những vùng khó khăn, chúng ta vẫn có rất nhiều cách để vươn lên làm giàu như mong muốn của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Chúng tôi đã đưa tất cả những nội dung đó vào bộ sách “1001 cách làm ăn” do Nhà xuất bản Nông nghiệp phát hành. Bà con tìm đọc sách sẽ có được những hướng đi hợp lý để gia đình có thể tự vươn lên cùng đất nước.
Nguồn: https://danviet.vn/vuon-minh-tu-ruong-dong-20250125163108898.htm