(PLVN) – Trang Energy Tracker Asia có bài viết khẳng định “sự bùng nổ năng lượng tái tạo ở Việt Nam đã đưa quốc gia này trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về tính bền vững và là điểm đến đầu tư năng lượng sạch hàng đầu”.
Trong thập kỷ qua, nhu cầu điện của Việt Nam đã tăng hơn gấp đôi. Do sự bùng nổ kinh tế mạnh mẽ của đất nước, tăng trưởng dân số và công nghiệp hóa và đô thị hóa mạnh mẽ, xu hướng này sẽ tiếp tục. Trong khi còn phụ thuộc vào than để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, Việt Nam đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc đa dạng hóa cơ cấu năng lượng, tập trung nhiều vào đầu tư vào năng lượng tái tạo (NLTT). Kết quả là, Việt Nam đang ở vị trí đắc địa để chuyển đổi nhanh chóng sang năng lượng sạch, đảm bảo một tương lai bền vững và thu hút đầu tư nước ngoài vào NLTT.
Việt Nam là một trong những quốc gia dẫn đầu về NLTT
Năm 2014, tỷ trọng NLTT ở Việt Nam chỉ là 0,32%. Vào năm 2015, chỉ có 4 megawatt (MW) công suất năng lượng mặt trời được lắp đặt để phát điện. Tuy nhiên, trong vòng 5 năm, đầu tư vào năng lượng mặt trời đã tăng vọt. Tính đến năm 2020, Việt Nam có hơn 7,4 gigawatt (GW) năng lượng mặt trời trên mái nhà được nối vào lưới điện quốc gia. Những con số này đã vượt qua mọi sự mong đợi, đánh dấu mức tăng công suất lắp đặt gấp 25 lần so với số liệu của năm 2019.
Năm 2021, dữ liệu cho thấy Việt Nam đã đạt tổng công suất điện mặt trời lên đến 16,5GW, trong khi điện gió – một nguồn năng lượng xanh quan trọng khác – đạt 11,8GW. Đáng chú ý, Chính phủ đặt mục tiêu đầy tham vọng khi lên kế hoạch phát triển thêm 12GW điện gió trên bờ và ngoài khơi vào năm 2025. Nỗ lực tập trung và các chính sách cập nhật là lý do giúp Việt Nam đang dần trở thành cường quốc NLTT tiếp theo của châu Á.
![]() |
Tiềm năng NLTT tại Việt Nam rất to lớn. (Ảnh: Trang TTĐT HĐLLTW) |
Kể từ khi ký Thỏa thuận Paris năm 2015, nhiều quốc gia đã bắt đầu tích cực thực hiện các chương trình NLTT của mình. Đến nay, gần một thập kỷ sau đó, cuộc đua về năng lượng xanh đã thực sự hình thành. Theo Cơ quan NLTT quốc tế (IRENA), năm 2021, Việt Nam đứng trong top 10 quốc gia có công suất lắp đặt năng lượng mặt trời cao nhất. Tuy nhiên, việc mở rộng năng lượng mặt trời đã bị dừng lại do các vấn đề về lưới điện. Kết quả là, hiện nay Việt Nam không còn nằm trong top 10 quốc gia dẫn đầu bảng xếp hạng của IRENA.
Dù vậy, với các mục tiêu năng lượng xanh đầy tham vọng cùng với Chương trình Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Công bằng (JETP), Việt Nam đang có cơ hội lấy lại vị thế dẫn đầu trong khu vực và trên thế giới về triển khai năng lượng sạch. Tiềm năng điện mặt trời dồi dào của Việt Nam đã thu hút sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư và bắt đầu mang lại những kết quả đáng kể. Bên cạnh đó, đầu tư vào các dự án điện gió cũng mở ra tiềm năng to lớn. Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên gió thuộc hàng tốt nhất Đông Nam Á, với công suất ước tính lên đến 311GW.
Về điện mặt trời, Việt Nam có tiềm năng đạt 85GW vào năm 2030 và 214GW vào năm 2050. Nếu giải quyết được các vấn đề về lưới điện và khôi phục tốc độ phát triển NLTT nhanh chóng như trước đây, Việt Nam sẽ tiếp tục thăng hạng trên bảng xếp hạng năng lượng sạch. Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam có thể vượt qua các quốc gia như Hàn Quốc về công suất điện mặt trời và quay trở lại top 10 toàn cầu.
Thực trạng đầu tư NLTT trên khắp Việt Nam
Lịch sử phát triển của thị trường NLTT tại Việt Nam cùng với những nền tảng vững chắc đã biến quốc gia này thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư toàn cầu trong lĩnh vực năng lượng xanh. Việt Nam được kỳ vọng sẽ trở thành tâm điểm thu hút nguồn vốn cho các dự án năng lượng sạch trong những năm tới, nhất là các cơ hội đầu tư vào điện mặt trời.
Bên cạnh khoản tài trợ ban đầu trị giá 15,5 tỷ USD từ JETP, Chính phủ Việt Nam cũng đang tìm cách thu hút thêm các nhà đầu tư tư nhân vào thị trường trong nước. Điển hình là nỗ lực thúc đẩy các thỏa thuận mua bán điện trực tiếp (DPPA) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp mua sắm điện trực tiếp từ các công ty NLTT với mức giá cạnh tranh. Hơn nữa, Chính phủ cũng đang tích cực đưa việc phát triển các dự án năng lượng sạch trở nên dễ dàng và minh bạch hơn. Cho đến nay, Việt Nam đã triển khai 4 trong số 6 chính sách quan trọng mà Climatescope đánh giá là cần thiết để thu hút đầu tư nước ngoài, bao gồm mục tiêu NLTT, cơ chế đấu giá NLTT, biểu giá điện hỗ trợ (FiT), đo đếm điện hai chiều (Net Metering), ưu đãi thuế nhập khẩu và miễn giảm thuế VAT.
Theo McKinsey, lộ trình phát triển dựa vào NLTT có thể mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam. Điều này bao gồm tiết kiệm 10% chi phí điện năng tổng thể, cắt giảm 1,1 giga tấn phát thải khí nhà kính và 0,6 mega tấn phát thải dạng hạt. Nhập khẩu năng lượng cũng sẽ giảm 60% vào năm 2030.
Tương lai phát triển NLTT tại Việt Nam
Các nhà đầu tư đã công nhận những dấu hiệu tích cực để nắm bắt cơ hội thị trường sinh lợi như cam kết của Việt Nam đối với NLTT, các mục tiêu đầy tham vọng của Chính phủ cũng như các điều khoản và chính sách hỗ trợ tương đối linh hoạt nhằm nới lỏng tài trợ dự án. Trên thực tế, Việt Nam là thị trường mới nổi tốt thứ 11 về đầu tư vào năng lượng sạch trên toàn cầu.
Theo báo cáo của VietinbankSC, giá trị thị trường NLTT trong nước sẽ đạt 714 tỷ USD và tiếp tục phát triển trong ít nhất 25 năm nữa. Từ năm 2020 đến năm 2030, thị trường năng lượng mặt trời sẽ tăng trưởng 12,8%; thị trường điện gió sẽ tăng trưởng 34,2% mỗi năm.
NLTT đang trên con đường trở thành nguồn năng lượng chủ đạo quốc gia. Khi các khoản đầu tư vào năng lượng mặt trời và năng lượng gió bắt đầu tăng trưởng trở lại, thì khả năng nằm trong tốp quốc gia dẫn đầu về NLTT ở châu Á và hơn thế nữa cũng sẽ tăng theo.
Việc Chính phủ thừa nhận tiềm năng kỹ thuật to lớn của đất nước để phát triển năng lượng sạch trong Quy hoạch Điện 8 là một bước tiến lớn đầu tiên. Tiếp theo, Việt Nam cần cải thiện hơn nữa các mục tiêu của mình. Chẳng hạn, NLTT hiện đang chiếm khoảng 30% tổng tiềm năng của Việt Nam, đã tạo cơ hội rất lớn cho sự phát triển của công nghệ năng lượng sạch trong nước. Hơn nữa, Chính phủ còn có tham vọng trở thành nhà xuất khẩu năng lượng xanh hàng đầu khu vực. Theo đó, Singapore đã có kế hoạch nhập khẩu điện sạch từ Việt Nam. Cụ thể, tờ The Straits Times ngày 14/11/2024 cho biết, từ năm 2033, Singapore sẽ nhập khẩu 1,2 gigawatt (GW) điện có hàm lượng carbon thấp, chủ yếu được tạo ra từ năng lượng gió, từ Việt Nam.
Nguồn: https://baophapluat.vn/viet-nam-nha-may-nang-luong-sach-tuong-lai-cua-chau-a-post540497.html