Giải thưởng mới được khởi động này nhằm tôn vinh các tác phẩm/sản phẩm xuất sắc của tác giả, nhóm tác giả ở trong nước và quốc tế, khẳng định một cách sinh động, khách quan những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong lĩnh vực bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.
Giải thưởng thường niên truyền thông về quyền con người nhằm truyền thông sâu rộng về các nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong công tác bảo vệ và phát huy quyền con người. Ảnh minh họa: Bà con dân tộc Dao đỏ, Cao Bằng. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Ngày 10/2, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng ra quyết định tổ chức Giải thưởng thường niên truyền thông về quyền con người. Đây là giải thưởng do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan phát động và tổ chức trao giải hằng năm.
Giải thưởng nhằm truyền thông sâu rộng về các nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong công tác bảo vệ và phát huy quyền con người. Giải thưởng được kỳ vọng sẽ tăng cường sự kết nối giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương; huy động sức mạnh tổng hợp của mọi tầng lớp nhân dân ở trong nước cộng đồng người Việt Nam ở ngoài nước và bạn bè quốc tế vào công tác truyền thông về quyền con người, qua đó, phát huy tối đa tính chủ động, tích cực của các lực lượng và nâng cao hiệu quả công tác truyền thông đối ngoại về quyền con người.
Thông qua việc tôn vinh các tác phẩm/sản phẩm xuất sắc của tác giả, nhóm tác giả ở trong nước và quốc tế, giải thưởng khẳng định một cách sinh động, khách quan những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong lĩnh vực bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Qua đó, tạo nguồn dữ liệu dồi dào, có chất lượng phục vụ lâu dài cho các hoạt động truyền thông đối ngoại của đất nước.
Mọi công dân Việt Nam và nước ngoài (từ 15 tuổi) đều có thể gửi tác phẩm tham dự. Giải thưởng xét tặng các tác phẩm/sản phẩm truyền thông trong các hạng mục: ảnh; video clip và sẽ tiếp tục mở rộng các loại hình truyền thông khác.
Tác phẩm dự thi phải có tính quảng bá cao, đáp ứng được các tiêu chí về chất lượng nghệ thuật, từ nội dung cho đến hình thức thể hiện không được vi phạm thuần phong mỹ tục và các quy định của pháp luật Việt Nam. Các tác phẩm/ sản phẩm dự thi phải đảm bảo tính pháp lý, không vi phạm Luật bản quyền, Luật sở hữu trí tuệ và các quy định pháp luật khác.
Ban tổ chức khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông hiện đại nhằm tạo hiệu ứng truyền thông tốt đối với công chúng.
Tác phẩm/sản phẩm được xét trao giải có tính tiêu biểu và đáp ứng cao nhất các tiêu chuẩn xét chọn của Giải thưởng, có sức lan tỏa trong nước và quốc tế. Tiêu chí xét trao giải ưu tiên phục vụ hiệu quả công tác thông tin đối ngoại, gồm: Truyền tải những tri thức có giá trị về quyền con người, thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng và có sức lan tỏa rộng rãi ở trong và ngoài nước; Phản ánh chân thực và sinh động các nỗ lực, thành tựu của Việt Nam trong bảo đảm và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam thông qua hình ảnh con người thụ hưởng các quyền, lợi ích hợp pháp và đất nước Việt Nam độc lập, tự do, hạnh phúc, phát triển; những thành tựu phát triển trên mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội của Việt Nam, đặc biệt trong công cuộc đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế; khẳng định vai trò và sự đóng góp của Việt Nam vào thúc đẩy quyền con người trên bình diện quốc tế.
Cơ cấu Giải thưởng gồm: giải Nhất, giải Nhì, giải Ba, giải Khuyến khích và giải trao cho các địa phương có nhiều tác phẩm tham dự cuộc thi nhất; địa phương có nhiều tác phẩm đoạt giải Nhất.
Các tác giả, nhóm tác giả gửi tác phẩm dự giải tại địa chỉ trực tuyến https://happy.vietnam.vn. Hoặc gửi trực tiếp tới đơn vị thường trực Giải thưởng: Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông. Địa chỉ: Tòa nhà 115 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội.
Lễ công bố và trao Giải thưởng dự kiến được tổ chức vào quý IV hàng năm và truyền hình trực tiếp trên kênh truyền hình và các nền tảng số theo lựa chọn của Ban tổ chức.
Nguồn: https://baoquocte.vn/viet-nam-lan-dau-tien-co-giai-thuong-thuong-nien-truyen-thong-ve-quyen-con-nguoi-304058.html