Công trình nghiên cứu của Bệnh viện Mỹ Đức công bố hiệu quả của phác đồ thụ tinh trong ống nghiệm hoàn toàn không tiêm hormone kích thích buồng trứng, cho bệnh nhân hội chứng buồng trứng đa nang.
Ngày 3-2, bác sĩ Hồ Mạnh Tường, tổng thư ký Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP.HCM, cho biết công trình nghiên cứu của Bệnh viện Mỹ Đức vừa được đăng trên tạp chí hàng đầu ngành IVF thế giới về y học sinh sản, Fertility & Sterility, số tháng 2 năm 2025.
Tạp chí Fertility & Sterility là tạp chí y học hàng đầu của Hoa Kỳ, đã có lịch sử 75 năm.
Công trình nghiên cứu của Bệnh viện Mỹ Đức công bố hiệu quả của phác đồ thụ tinh trong ống nghiệm hoàn toàn không tiêm hormone kích thích buồng trứng, cho các bệnh nhân hội chứng buồng trứng đa nang.
Bác sĩ Mạnh Tường cho hay theo phác đồ thụ tinh trong ống nghiệm cổ điển, để có được trứng cho thụ tinh trong ống nghiệm, các bác sĩ phải tiêm hormone cho bệnh nhân liên tục khoảng 2 tuần, sau đó chọc hút lấy trứng.
Còn phác đồ IVM (invitro maturation) ra đời nhằm thay thế việc phải tiêm thuốc kích thích buồng trứng kéo dài mà vẫn lấy được trứng. Tuy nhiên phác đồ IVM kiểu cũ vẫn phải tiêm thuốc 2-3 ngày và hiệu quả chưa cao.
IVM (invitro maturation) là kỹ thuật chọc hút trứng từ những nang noãn nhỏ, sau đó trứng được nuôi trưởng thành bên ngoài cơ thể với môi trường nuôi cấy chuyên biệt.
Những năm gần đây, Bệnh viện Mỹ Đức nghiên cứu một phác đồ IVM cải tiến, gọi là CAPA-IVM. Theo phác đồ mới nhất này, bệnh nhân không cần tiêm thuốc ngày nào vẫn lấy được trứng và phôi tốt hơn, tỉ lệ có thai tốt hơn. Tất cả bệnh nhân được chuyển phôi nang ngày 5, với tỉ lệ có thai và sinh em bé rất cao.
Công trình khoa học mới công bố này là dữ liệu khoa học chứng minh hiệu quả của phác đồ mới CAPA-IVM, hoàn toàn không tiêm hormone.
“Đây là lần đầu tiên phác đồ này được công bố trên thế giới và xuất hiện trên tạp chí khoa học của Mỹ, uy tín cao nhất trong ngành IVF. Kết quả này sẽ mở ra cơ hội cải tiến phác đồ điều trị thụ tinh trong ống nghiệm trên thế giới: đơn giản hơn, an toàn, thân thiện, tiết kiệm và hiệu quả“, bác sĩ Mạnh Tường nhấn mạnh.
Kết quả của nghiên cứu này trong thực tế còn tốt hơn kết quả công bố
“Một công trình khoa học muốn công bố trên tạp chí khoa học uy tín, thì kể từ khi bắt tay thực hiện đến khi được chấp nhận công bố thường mất 3-4 năm. Nghiên cứu được công bố này đã theo dõi kết quả của 60 trường hợp, nhưng trong thực tế thì phác đồ này đã áp dụng cho hàng ngàn trường hợp khác“, bác sĩ Mạnh Tường thông tin.
Các trường hợp đã bắt đầu được theo dõi từ 3 năm trước, từ lúc bắt đầu điều trị đến khi sinh em bé.
Bệnh viện Mỹ Đức đã gửi công trình nghiên cứu này từ giữa năm 2024. Phải mất hơn 6 tháng để các chuyên gia trên thế giới của tạp chí đọc, chất vấn, các tác giả trả lời, cung cấp thông tin đầy đủ. Sau đó mới được chấp thuận cho công bố trên tạp chí.
Hiện nay kết quả của phác đồ này thực tế còn tốt hơn kết quả công bố trên tạp chí (là kết quả của 2-3 năm trước), bác sĩ Mạnh Tường cho biết thêm.
Nguồn: https://tuoitre.vn/viet-nam-cong-bo-nghien-cuu-dau-tien-tren-the-gioi-ve-thu-tinh-ong-nghiem-20250203114152817.htm