Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Trần Như Thủy (Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM – cơ sở 3) cho biết, có nhiều người tuy ăn kiêng, giảm mỡ, giảm tinh bột và sử dụng nhiều chế độ nhịn ăn theo hướng dẫn khoa học nhưng vẫn khó giảm cân, giảm cân chậm, thậm chí là vẫn thừa cân, béo phì. Câu hỏi đặt ra là tại sao có những người ăn rất ít hoặc thậm chí ăn kiêng mà vẫn không thể giảm cân? Dưới góc nhìn y học cổ truyền, việc thừa cân không chỉ do chế độ ăn uống, mà còn liên quan đến các yếu tố sâu xa bên trong cơ thể về tạng tỳ, tiêu hóa, khí huyết…
Tỳ yếu có thể gây thừa cân
Trong y học cổ truyền, tỳ là cơ quan chủ yếu chịu trách nhiệm về việc tiêu hóa, vận hóa, chuyển hóa thức ăn và thủy cốc trong cơ thể. Khi tỳ bị suy yếu khả năng tiêu hóa và chuyển hóa thức ăn của cơ thể giảm sút. Khi đó, dù ăn ít, nhưng cơ thể vẫn không thể vận hóa và hấp thụ tốt, dẫn đến tình trạng tích tụ “đàm thấp” và mỡ thừa.
Ví dụ một người có thể chỉ ăn một lượng thức ăn nhỏ nhưng do tỳ hư, năng lượng từ thức ăn không được chuyển hóa hết, dẫn đến sự tích tụ, gây thừa cân béo phì.
Hội chứng đàm thấp
Đàm thấp có thể xuất hiện khi cơ thể có sự rối loạn trong việc chuyển hóa khí huyết, khiến cho các chất dư thừa không được bài tiết ra ngoài mà bị ứ đọng lại trong cơ thể. Khi khí huyết ứ trệ kèm tỳ hư, cơ thể không thể chuyển hóa các chất cặn bã như mỡ, nước, hoặc đàm thừa ra ngoài. Thay vào đó, những chất này tích tụ lại trong cơ thể, đặc biệt là ở các bộ phận như bụng, đùi, hoặc cánh tay, tạo thành mỡ thừa dù không ăn nhiều.
“Ví dụ người bị đàm thấp thường cảm thấy cơ thể nặng nề, dễ bị tích mỡ thừa mà không cần ăn nhiều, do khí huyết bị tắc nghẽn làm giảm quá trình vận hóa và tiêu trừ chất thừa ra ngoài, nên dù ăn ít vẫn khó giảm cân hoặc giảm rất ít”, bác sĩ Thủy cho hay.
Khí huyết ứ trệ
Trong y học cổ truyền, khí và huyết có vai trò vận chuyển các tinh chất và năng lượng đi nuôi cơ thể, giúp cơ thể sống hoạt động. Khi khí huyết không thông suốt, các chức năng chuyển hóa và bài tiết của cơ thể bị suy giảm, dẫn đến sự tích tụ chất thừa, đặc biệt là mỡ. Các bộ phận của cơ thể có thể trở nên trì trệ, không thể đốt cháy calo hay mỡ thừa dù lượng thức ăn nạp vào ít.
Ví dụ người có khí huyết ứ trệ do ít vận động, căng thẳng, hoặc sinh hoạt không lành mạnh thường gặp tình trạng béo phì dù ăn ít. Mặc dù không ăn nhiều thực phẩm, nhưng cơ thể không thể chuyển hóa thức ăn thành năng lượng hiệu quả, gây tích tụ mỡ thừa.
Yếu tố tâm lý, cảm xúc
Bác sĩ Thủy cho biết, những yếu tố cảm xúc, tâm lý, sức khỏe tinh thần đóng vai trò rất quan trọng trong việc gây thừa cân và béo phì theo y học cổ truyền. Căng thẳng, lo âu, hoặc stress kéo dài có thể ảnh hưởng đến chức năng của các tạng phủ trong cơ thể, như lo lắng thái quá hại tỳ, suy nghĩ thái quá hại phế, cáu gắt hại can, lo sợ thái quá hại thận…
“Những rối loạn này đều ảnh hưởng đến quá trình vận hóa tinh chất trong cơ thể, làm giảm khả năng chuyển hóa thức ăn và làm ứ trệ khí huyết. Khi này, cơ thể có thể tích tụ mỡ thừa dù không ăn nhiều”, bác sĩ Thủy cho hay.
Điển hình một người bị stress, căng thẳng kéo dài có thể có xu hướng không muốn ăn, ăn ít nhưng vẫn bị thừa cân béo phì là do sự rối loạn trong hệ thống nội tiết và sự mất cân bằng trong cơ thể, dẫn đến sự tích tụ mỡ thừa và khó giảm cân. Như vậy, việc một người dù ăn ít vẫn bị thừa cân và béo phì có thể xuất phát từ nhiều yếu tố bên trong cơ thể, không chỉ đơn giản là do chế độ ăn uống.
Y học cổ truyền lý giải rằng cơ thể có thể tích mỡ thừa do sự mất cân bằng trong các tạng phủ, khí huyết không lưu thông, sự thiếu hụt nhiệt hoặc do ảnh hưởng của yếu tố tâm lý. Do đó, để giải quyết vấn đề thừa cân và béo phì, chúng ta cần hiểu rõ nguyên nhân sâu xa, từ đó điều chỉnh chế độ ăn uống, luyện tập và quản lý tinh thần sao cho hợp lý.
“Nếu bạn gặp khó khăn trong việc giảm cân mặc dù đang ăn ít, có thể bạn cần được thăm khám tư vấn thêm về sức khỏe tổng quát. Sự hỗ trợ từ các phương pháp trị liệu y học cổ truyền có thể giúp cải thiện tình trạng cơ thể một cách hiệu quả”, bác sĩ Thủy chia sẻ.
Nguồn: https://thanhnien.vn/vi-sao-nhieu-nguoi-an-it-van-thua-can-185250205151840216.htm