Tại hội thảo “Tác hại của rượu, bia đối với người tham gia giao thông đường bộ” do Bộ Công an phối hợp Bộ Y tế tổ chức ngày 29/1, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Trần Hữu Minh đề xuất xử lý hình sự tài xế vi phạm nồng độ cồn ở mức đặc biệt nghiêm trọng (vượt mức 3) dù chưa gây hậu quả.
Ông Minh cho biết, pháp luật hiện hành quy định tài xế có nồng độ cồn ở mức 3 (trên 0,4 mg/lít khí thở hoặc quá 80 mg/100 ml máu) dù cao đến mấy vẫn chung một hình phạt. Điều này chưa hoàn toàn phù hợp nguyên tắc cơ bản trong xử phạt hành chính, đó là phạt tương xứng mức độ vi phạm.
Do vậy, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đề nghị quy định mức độ nào là “đặc biệt nghiêm trọng” khiến tài xế mất kiểm soát hoàn toàn và bị xử lý theo khoản 4, điều 260 Bộ luật Hình sự.
Có ý kiến cho rằng cần xử lý hình sự tài xế có nồng độ cồn quá cao, dù chưa gây hậu quả, bên cạnh sự ủng hộ của một số người, đề xuất này đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Liên quan tới vấn đề xử lý hình sự tài xế có nồng độ cồn ngày 2/2 tại buổi họp báo quý I/2024 do Bộ Y tế tổ chức, ông Nguyễn Trọng Khoa- Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết: “Chúng tôi ủng hộ việc xử lý vi phạm hành chính có nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Nhờ có việc xử lý vi phạm nghiêm về nồng độ cồn số vụ tai nạn giao thông đã giảm khá nhiều. Hiện nay, Bộ Y tế đang phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đang thống kê và sắp tới sẽ có con số cụ thể về giảm số vụ tai nạn giao thông ra sao”.
Về vấn đề xử phạt vi phạm khi nồng độ cồn vượt khung, ông Khoa cho biết, Bộ Y tế đã có một cuộc hội thảo khoa học phối hợp với Bộ Công an về vấn đề trên.
“Với quan điểm cá nhân của tôi trong trường hợp vi phạm nồng độ cồn nếu gây tai nạn thì phải xử lý hình sự. Trường hợp nồng độ cồn cao không đủ điều kiện lái xe thì cần phải xử lý nghiêm. Tuy nhiên, chúng ta sẽ phải tham khảo thêm quy định các nước trên thế giới để đưa ra một quy định hài hoà”, ông Khoa nói.
Trước đó, dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã được đưa ra trình tại phiên họp Quốc hội ngày 10/11/2023. Điều 8 dự luật quy định các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có “điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Đây cũng là căn cứ để lực lượng chức năng dừng phương tiện để kiểm tra, kiểm soát.
Thẩm tra dự thảo luật, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết một số ý kiến trong Ủy ban đề nghị cân nhắc nội dung này vì “quá nghiêm khắc và chưa thực sự phù hợp với văn hóa, phong tục, tập quán của một bộ phận người dân Việt Nam, làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế – xã hội của nhiều địa phương”.
Các thành viên này đề nghị tham khảo kinh nghiệm quốc tế và quy định nồng độ cồn ở mức độ phù hợp đối với từng loại phương tiện; bảo đảm tính thống nhất với quy định của Bộ luật Hình sự.
Tuy nhiên, một số thành viên khác của Ủy ban lại nhất trí với đề xuất của Chính phủ vì nội dung này đã được quy định tại khoản 6 Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (nghiêm cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn) và thực tiễn thực hiện đã chứng minh tính hiệu quả.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội Nguyễn Minh Đức cho biết, trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có nêu ra quy định, cấm tuyệt đối hơi thở có nồng độ cồn. Trong Luật Phòng, chống tác hại rượu bia tại khoản 6, Điều 5 có quy định những hành vi cấm, trong đó có cấm tuyệt đối việc uống rượu bia trước, trong khi lái xe.
Ông Nguyễn Minh Đức cho hay, về nguyên tắc trong hệ thống pháp luật của Việt Nam cần thống nhất tất cả các luật với nhau. Xây dựng luật sau dựa trên cơ sở lấy nguồn của luật trước. Trên cơ sở nguồn của Luật Phòng, chống tác hại rượu bia, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã đề xuất nội dung trên vào Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Tất nhiên, các ý kiến ĐBQH thông qua thảo luận, việc đánh giá đầy đủ và thấu đáo nhất. Quan điểm của cơ quan thẩm tra là hoàn toàn đồng ý với cơ quan soạn thảo đó là tuân thủ các quy định của hệ thống pháp luật.
Đồng thời, trên cơ sở Ủy ban Quốc phòng, an ninh hằng năm đánh giá thẩm tra việc thực hiện đảm bảo an toàn giao thông, tổng kết cho thấy, các vụ tai nạn giao thông đường bộ có 43% vụ xuất phát từ rượu bia.
“Tôi cho rằng đây là mệnh lệnh và cần phải thực hiện. Chúng tôi mong, các cơ quan báo chí tuyên truyền để thay đổi nhận thức, người dân ủng hộ. Chúng tôi tin rằng, Quốc hội cơ bản sẽ đồng ý nội dung này”, ông Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh.