Trong lá»ch sá» phong kiến nÆ°á»c nhà , từng có vá» thám hoa trong lần Äi sứ Äã dám ra vế câu Äá»i, và vua quan nhà Thanh nhÆ° “ếch ngá»i Äáy giếng”.
Ông chính là Nguyễn Đăng Cảo (1619-?), người làng Hoài Bão, huyện Tiên Du, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc (nay thuộc huyện Tiên Du, Bắc Ninh). Ông được xem là vị thám hoa trí nhớ siêu việt và là người duy nhất được phong làm Lưỡng quốc khôi nguyên.
Từ nhỏ, Nguyễn Đăng Cảo nổi tiếng thông minh, đọc sách một lần có thể thuộc lòng, được mọi người gọi là thần đồng. Tại khoa thi năm 1646, Nguyễn Đăng Cảo đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ tam danh (thám hoa). Do khoa thi này không lấy trạng nguyên và bảng nhãn, nên ông là người đứng đầu trong số những người thi đỗ. Đến năm 1659, ông lại đỗ đầu khoa Đông các, được phong Đông các đại học sĩ.
Vốn là người nổi tiếng cương trực, thẳng thắn, Nguyễn Đăng Cảo không được triều đình trọng dụng. Ông làm quan chưa đầy 3 năm thì bị bãi chức. Tuy nhiên mỗi khi có sứ nhà Thanh sang hạch sách, gây khó dễ, vua Lê lại phải mời ông ra ứng đối. Tài năng đối đáp, văn chương sắc bén của ông làm sứ nhà Thanh nhiều phen bẽ mặt.
![Với sự thông minh và tài đối đáp ngoại giao, Nguyễn Đăng Cảo được nhà Thanh khen ngợi và phê tặng danh hiệu Khôi nguyên. (Ảnh minh hoạ)](https://cdn.vietnam.vn/wp-content/uploads/2025/02/Vi-nao-dam-vi-vua-quan-nha-Thanh-nhu-ech.jpg)
Với sự thông minh và tài đối đáp ngoại giao, Nguyễn Đăng Cảo được nhà Thanh khen ngợi và phê tặng danh hiệu Khôi nguyên. (Ảnh minh hoạ)
Theo sách Sứ thần Việt Nam, trong một lần ông được cử làm chánh sứ sang Trung Quốc, khi gặp mặt, thấy ông già cả, vua Thanh liền ra câu đối: “Lão khuyển lạc mao, do hướng đình tiền phệ nguyệt” (dịch nghĩa: Chó già rụng lông thấy trăng còn đứng ra sân mà sủa).
Biết đó là ý miệt thị của vua nhà Thanh, Nguyễn Đăng Cảo liền đối lại: “Tiểu oa đoản cảnh, mạn cư tỉnh để khuy thiên”. (dịch nghĩa: Ếch con ngắn cổ, cũng dám ngồi đáy giếng coi trời bằng vung).
Vế đối có nội dung ngang tàng, ý mỉa mai, xem thường cả triều đình nhà Thanh không hiểu biết, bụng dạ hẹp hòi đã thể hiện được trí tuệ và bản lĩnh của người Việt. Từ đó, vua quan nhà Thanh không dám coi thường sứ nước Nam nữa. Khi đoàn sứ bộ Nguyễn Đăng Cảo ra về, vua Thanh sai quan tiễn sứ đoàn rất trịnh trọng.
Một lần khác, khi sứ nhà Thanh mang chiếu chỉ sang cùng 10 vuông gấm, gói các loại mũ xiêm cùng quần áo, triều đình không hiểu ý nhà Thanh muốn gì, lại phải mời Nguyễn Đăng Cảo về kinh thành.
Ông xem đồ vật xong liền tâu rằng, ý của nhà Thanh muốn ta phải theo thiên triều, phải ăn mặc theo phong tục nhà Thanh, cắt tóc để đuôi sam. Ông cũng hiến kế nên trả lại bộ quần áo này và đưa lại cho họ y phục dân tộc Việt để họ thấy ta không chịu chấp nhận.
Được vua cử đến biên giới đối phó sứ thần nhà Thanh, Nguyễn Đăng Cảo chọn gói váy, áo, yếm… trang phục người Việt mang đến. Sứ nhà Thanh xem xong thì hiểu ý phía Đại Việt muốn giữ lại truyền thống ăn mặc của nước mình.
Nguyễn Đăng Cảo còn làm bài “Giải chư hầu” nhằm phản bác những lập luận của nhà Thanh, sau đó gửi cho sứ thần nước này mang về dâng vua. Vua Thanh xem xong thì nói rằng: “Địa linh, nhân kiệt đời nào cũng có, nhưng vượt trội hơn cả từ nay về sau chỉ có một Đăng Hạo” (Đăng Hạo là tên gọi khác của Nguyễn Đăng Cảo).
Bằng tài năng và trí tuệ, Nguyễn Đăng Cảo khiến triều đình nhà Thanh nể phục, phê tặng danh hiệu Khôi nguyên Bắc triều.
Thiên Bình
Nguồn: https://vtcnews.vn/vi-nao-dam-vi-vua-quan-nha-thanh-nhu-ech-ngoi-day-gieng-ar924562.html