Hoạt động kinh doanh chuyển biến tích cực, Bamboo Airways kỳ vọng 2025 vượt điểm hòa vốn
Báo cáo trình ĐHĐCĐ của CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways – OTC: BAV) cho biết, năm 2022, hãng bay này đã thực hiện 51.236 chuyến bay, vận chuyển hơn 7 triệu lượt hành khách, tăng 176% so với năm 2021.
Trong năm 2022, Bamboo Airways đạt doanh thu thuần 11.732 tỉ đồng, gấp 3,3 lần doanh thu năm 2021. Tuy nhiên, do kinh doanh dưới giá vốn nên Bamboo Airways lỗ gộp 3.209 tỉ đồng. Báo cáo ĐHĐCĐ, hãng bay cho biết nguyên nhân do ảnh hưởng bởi những khó khăn đến từ thị trường Đông Bắc Á và cuộc xung đột Nga – Ukraine đã làm cho giá nhiên liệu tăng vọt.
Đáng chú ý, chi phí quản lí doanh nghiệp tăng đột biến từ 158 tỉ đồng lên 12.750 tỉ đồng và chi phí tài chính tăng lên 1.406 tỉ đồng, gấp 4,7 lần cùng kỳ do trong năm 2022 đã trích lập dự phòng cho các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi gần 9.700 tỉ đồng và trích lập dự phòng cho các khoản phải thu dài hạn khó đòi 2.800 tỉ đồng.
Kết quả Bamboo Airways lỗ sau thuế 17.619 tỉ đồng trong năm tài chính 2022, trong khi năm trước lỗ 2.280 tỉ đồng. Nếu loại trừ các khoản dự phòng phải thu nói trên thì hoạt động kinh doanh chính của Bamboo Airways trong năm 2022 lỗ hơn 5.000 tỉ đồng.
Một điểm sáng đáng lưu ý trong hoạt động kinh doanh cốt lõi của Bamboo Airways, Báo cáo của ban điều hành hãng cho biết, tình hình kinh doanh 5 tháng đầu năm 2023 đã có tín hiệu tích cực.
Theo đó, tổng doanh thu thuần 5 tháng đầu năm đạt bằng 51% tổng doanh thu năm 2022. Trong đó, tháng 1.2023, Bamboo Airways đã đạt điểm hòa vốn nhờ hoạt động kinh doanh cốt lõi là hàng không.
Theo kế hoạch 5 năm 2024-2028, trong năm 2024, Bamboo Airways sẽ lỗ gần 1.000 tỉ đồng, giảm mạnh so với những năm trước.
Năm 2025, hãng sẽ vượt qua điểm kinh doanh hòa vốn và lợi nhuận tăng dần trong các năm sau. Dự kiến đến năm 2028, Bamboo Airways có thể đạt lợi nhuận trước thuế gần 3.700 tỉ đồng.
Đóng loạt đường bay hiệu quả thấp, tự phục vụ mặt đất để giảm chi phí
Theo kế hoạch của Bamboo Airways, hãng bay này sẽ tiếp tục tái cấu trúc hoạt động, lao động, công nghệ nhằm cải thiện các chỉ số kinh doanh, tăng doanh thu, tiết kiệm chi phí, hướng tới phát triển thêm mạng bay nội địa và bay quốc tế trở lại từ năm 2025.
Trên thực tế, dù giá vé máy bay trên thị trường hiện ở mức cao nhưng trong bối cảnh giá nhiên liệu và các chi phí tăng cao thì việc giảm chi phí giá vốn và các chi phí khác để cải thiện doanh thu và lợi nhuận, giúp Bamboo Airways đạt điểm hòa vốn như kỳ vọng là thách thức không nhỏ đối với hãng bay này.
Ngày 1.4 vừa qua, Bamboo Airways đã chính thức dừng bay các chặng từ Hà Nội, TPHCM tới Côn Đảo sau khi trả 3 tàu bay phản lực khu vực Embraer E190.
Theo thông tin do Bamboo Airways phát đi, hãng bay này cho biết đã đạt được thỏa thuận chấm dứt sớm hợp đồng thuê 3 máy bay Embraer E190 sau khi lịch bay mùa Đông kết thúc vào cuối tháng 3. Động thái này phù hợp với đề án tái cấu trúc mà hãng báo cáo Chính phủ cuối năm ngoái.
Đây không phải lần đầu Bamboo Airways đóng đường bay nội địa. Từ cuối năm ngoái, hãng này giảm tần suất hoặc dừng khai thác một số đường bay hiệu quả thấp, như Hà Nội, TPHCM – Phú Quốc hay Hà Nội – Cà Mau.
Trong một thông báo vào tháng 10.2023, Bamboo Airways thông tin, hãng đã điều chỉnh kế hoạch khai thác các chuyến bay nội địa và quốc tế từ thời điểm đó đến 30.3.2024. Trong đó, hãng đã dừng khai thác hàng loạt đường bay quốc tế.
Ngoài ra, để tiết kiệm chi phí, Bamboo Airways đã chủ động các hoạt động, tự phục vụ dịch vụ mặt đất tại sân bay Tân Sơn Nhất từ tháng 3 và Nội Bài từ tháng 4 thay vì thuê các đối tác bên ngoài như trước đó.