Nhưng khi tìm hiểu ra, mới biết, nhạc sĩ là người quê Tây Sơn, Bình Định. Trong kháng chiến chống Pháp, có thời gian ông là bộ đội Cụ Hồ về đóng quân tại Quảng Ngãi. Nếu chỉ đến thế thì chưa chắc nhạc sĩ ấy, sau mấy chục năm tập kết ra Bắc, khi về lại Quảng Ngãi ông viết được bài hát thấm đẫm tình yêu thương đến vậy. Điều này nói rằng, một tác phẩm hay, sống được qua thời gian đều có những duyên nợ rất riêng khi được sáng tác.
Đúng là có duyên và có nợ. Duyên ấy có được vì nhạc sĩ trong thời gian đóng quân tại Quảng Ngãi, ông đã có mối tình sâu nặng với một “cô gái sông Trà”. Nhưng chiến tranh không cho họ được ở gần nhau mãi. Anh bộ đội phải hành quân xa Quảng Ngãi, sau đó đi tập kết. Hơn 30 năm sau anh mới có điều kiện trở về Quảng Ngãi, thì “tìm em, em đã mịt mờ tăm tích”. Sau chiến tranh, những đôi lứa phải xa nhau, không thể tìm thấy nhau là khá phổ biến. Người nhạc sĩ này cũng vậy. Nhưng dù biệt tăm nhau, tình yêu không thể dứt. Và ca khúc Về lại sông Trà đã ra đời, như một day dứt, một u buồn; và âm nhạc khi ấy là một giải thoát cho chính người nhạc sĩ. Khi sáng tác trong hoàn cảnh ấy, từng đoạn nhạc, từng ca từ thấm đẫm yêu thương, người nhạc sĩ như muốn chia sẻ với dòng sông Trà nơi anh và cô gái đã từng hẹn thề. Sông vẫn chảy như xưa, nhưng người xưa không còn nữa.

Chân dung Nhạc sĩ Vĩnh An cùng bút tích bài hát Về lại Sông Trà
Về lại sông Trà
(Nhạc và lời : Vĩnh An)
“Về lại sông Trà về với quê hương,
Ôi con sông thương, con sông nhớ của quê mình.
Về lại sông Trà về với quê ta,
Mà bao tháng năm tôi đi xa,
Dồn bao thương nhớ, tôi lại về,
Chứa chan ân tình sông Trà mến yêu.
Gió, gió lên đi, cho tôi nghe tiếng,
Lá mía reo, lá mía reo, lá mía reo,
Tiếng reo êm đềm càng nghe càng xao xuyến,
Mưa thôi đừng mưa cho tôi nhìn núi Ấn,
Hòa màu xanh quê hương, trọn màu xanh thân thương.
Ôi một tên sông mà người đi thương nhớ, người ở mãi đợi chờ
Dòng sông ân tình, dòng sông thủy chung
Ơi con sông Trà, sông Trà yêu ơi
Về lại Sông Trà, về với quê hương,
Ôi con sông thương, con sông nhớ của quê mình.
Về lại Sông Trà, về với quê ta,
Mà bao tháng năm tôi đi xa,
Dồn bao thương nhớ ta lại về,
Chứa chan ân tình sông Trà mến yêu.
Gió, gió lên đi, cho tôi nghe tiếng,
Tiếng hát ai, tiếng hát ai, tiếng hát ai,
Hát vang đôi bờ ngợi ca mùa hạnh phúc.
Mưa thôi đừng mưa, cho tôi nhìn ánh mắt,
Của người tôi yêu thương, dậy màu xanh quê hương.
Ôi một tên sông mà người đi thương nhớ, người ở mãi đợi chờ,
Dòng sông ân tình, dòng sông thủy chung,
Ơi con sông Trà, sông Trà yêu ơi.
Quảng Ngãi quê mình,
Mà người đi bao nhớ nhung,
Mà người đi bao nhớ nhung”.
Tôi đã nghe bài hát Về lại sông Trà này qua giọng hát của 3 ca sĩ; và tôi nhận thấy, ca sĩ Thanh Trà hát bài này xúc động nhất. Có một đoạn cao trào, âm nhạc vút lên gợi nhớ đến một đoạn trong một giao hưởng nổi tiếng của Beethoven, ca sĩ Thanh Trà đã thể hiện rất đạt: “Gió gió lên đi cho tôi nghe tiếng lá mía reo lá mía reo lá mía reo tiếng reo êm đềm càng nghe càng xao xuyến“. Không chỉ xao xuyến, mà còn day dứt, khi lên cao nhất, có chút gì như nghẹn lại. Người ca sĩ muốn thể hiện ca khúc thành công phải cảm thấu được xúc cảm và tâm hồn người nhạc sĩ là như vậy. “Ôi một tên sông mà người đi thương nhớ người ở mãi đợi chờ dòng sông ân tình dòng sông thủy chung. Ơi con sông Trà sông Trà yêu ơi”. Nhạc sĩ đã dồn hết tình yêu thương vào dòng sông, nơi nước sông giữ chặt cảnh “người đi thương nhớ người ở mãi đợi chờ”. Chỉ đọc ca từ thôi, chúng ta đã hình dung ra hành tiến của ca khúc này.
Cách đây đã nhiều năm, khi Quảng Ngãi tổ chức xét “Giải thưởng Phạm Văn Đồng” lần thứ nhất, tôi đã đề xuất nên trao một giải thưởng xứng đáng cho ca khúc Về lại sông Trà của nhạc sĩ Vĩnh An. Vì theo tôi, đây là một trong những ca khúc hay nhất viết về Quảng Ngãi.
Tôi không tham gia thành viên của ban xét giải, nên đề xuất này chỉ là ý kiến cá nhân thôi. Nhưng theo tôi, ca khúc Về lại sông Trà của nhạc sĩ Vĩnh An (sáng tác năm 1986) sẽ vượt qua cột mốc thời gian 40 năm, và sẽ còn là ca khúc yêu thích không chỉ với người Quảng Ngãi.
Nguồn: https://thanhnien.vn/ve-lai-song-tra-mot-trong-nhung-bai-hat-hay-nhat-ve-quang-ngai-185250221140149739.htm