TS. Trịnh Lê Anh, Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, thời đại số đã thay đổi cách giới trẻ tiếp cận văn hóa…
![]() |
Lễ hội Hoa Mê Linh, Hà Nội 2024. (Ảnh: NVCC) |
Góc nhìn của anh về xu hướng văn hóa nổi bật nhất hiện nay? Sự tác động của mạng xã hội đến việc hình thành và lan tỏa các xu hướng văn hóa thế nào?
Về xu hướng văn hóa hiện nay, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số, tôi thấy rõ mọi thứ đang “mix” với nhau cực kỳ thú vị. Không còn là chuyện “cũ” với “mới” tách bạch nữa, mà là sự giao thoa, tương tác qua lại giữa truyền thống và hiện đại, giữa những nét đặc trưng của văn hóa Việt và xu hướng toàn cầu. Văn hóa đại chúng, văn hóa số lên ngôi mạnh mẽ.
Ví dụ, các bạn trẻ không chỉ hát dân ca theo phong cách truyền thống, mà còn làm mới, remix theo phong cách hiện đại. Áo dài không chỉ còn là trang phục lễ hội mà đã trở thành trang phục thường ngày, được giới trẻ chia sẻ trên mạng xã hội. Các sản phẩm văn hóa như phim “Mắt biếc” hay bài hát “See Tình” của Hoàng Thùy Linh vừa được yêu thích trong nước vừa nổi tiếng trên toàn thế giới, đặc biệt là trên mạng xã hội.
Theo báo cáo “Digital 2024: Vietnam” của We Are Social và DataReportal, tính đến tháng 1/2024, Việt Nam có 78,44 triệu người dùng Internet, chiếm 79,1% dân số. Trong đó, 72,70 triệu người đang sử dụng mạng xã hội. Mạng xã hội trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa. Với gần 80% dân số Việt Nam sử dụng Internet và hơn 70% sử dụng mạng xã hội, có thể thấy rõ tầm ảnh hưởng của nền tảng này. Mạng xã hội tạo ra một “sân khấu” lớn, nơi mọi người có thể tự do thể hiện, chia sẻ văn hóa và tạo ra các xu hướng mới.
Mạng xã hội giúp mọi người dễ dàng tiếp cận với các sản phẩm văn hóa, lan tỏa những giá trị truyền thống, tạo cơ hội cho các bạn trẻ có tài năng được thể hiện mình, không còn phải phụ thuộc vào các kênh truyền thống nữa. Vlog, podcast… phát triển mạnh mẽ, tạo nên đời sống văn hóa số vô cùng phong phú.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, mạng xã hội mang đến nhiều thách thức. Nội dung phản văn hóa, tình trạng vi phạm bản quyền, tin giả đang tràn lan, gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức của giới trẻ. Sự thương mại hóa văn hóa cũng là vấn đề đáng lo ngại. Nếu không có sự định hướng đúng đắn, chúng ta có thể đánh mất những giá trị văn hóa truyền thống.
Do đó, trong giai đoạn này, cần có những chính sách và giải pháp phù hợp để tận dụng tối đa những lợi ích của mạng xã hội, đồng thời hạn chế những tác động tiêu cực. Quan trọng là phải làm sao để văn hóa Việt Nam phát triển bền vững, hiện đại vừa giữ gìn được những nét đẹp truyền thống. Văn hóa như một cái cây, cần phải chăm sóc cả gốc rễ lẫn cành lá để phát triển xanh tốt.
Trong thời đại số, các nền tảng mạng xã hội và ứng dụng giải trí trực tuyến đã thay đổi hoàn toàn cách thức tiếp cận văn hóa của giới trẻ. Theo anh, đâu là những tác động tích cực và tiêu cực nổi bật của xu hướng này?
Thời đại số đã thay đổi mạnh mẽ cách giới trẻ tiếp cận văn hóa. Bản thân tôi cũng phải liên tục cập nhật để không bị tụt hậu. Về mặt tích cực, Internet mở ra một kho tàng văn hóa phong phú cho giới trẻ. Giờ đây chỉ với vài cú nhấp chuột, các bạn trẻ có thể tiếp cận các loại hình văn hóa đa dạng trên toàn thế giới, từ opera ở Nhà hát La Scala, nhạc jazz ở New Orleans đến tranh ở Bảo tàng Louvre. Tất cả đều có trên YouTube, Spotify hay các nền tảng khác, tạo ra sự đa dạng trong trải nghiệm văn hóa trước đây chúng ta không bao giờ nghĩ đến.
Theo báo cáo “Digital 2024”, người Việt trung bình dành khoảng 6 tiếng 38 phút mỗi ngày cho các hoạt động trên Internet, bao gồm cả việc sử dụng mạng xã hội, xem phim, nghe nhạc và nhiều hoạt động khác. Điều này mở ra nhiều cơ hội để giới trẻ tiếp cận những nền văn hóa đa dạng trên thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, chúng ta cũng thấy rõ những mặt trái của việc này. Tình trạng tin giả trên mạng xã hội đang là vấn đề nhức nhối, gây ảnh hưởng đến rất nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, việc tiếp xúc quá nhiều với tin giả có thể làm sai lệch nhận thức, gây ra những hậu quả tiêu cực cho xã hội.
![]() |
TS. Trịnh Lê Anh dẫn chương trình tại Lễ hội áo dài du lịch Hà Nội 2023. (Ảnh: NVCC) |
Việt Nam đang tận dụng rất tốt các giá trị văn hóa truyền thống để quảng bá hình ảnh đất nước. Anh đánh giá như thế nào về các hoạt động này và đề xuất những ý tưởng mới để phát huy hơn nữa tiềm năng của văn hóa truyền thống?
Tôi nhận thấy, Việt Nam đã đạt được những thành công đáng kể trong việc quảng bá văn hóa truyền thống. Nhiều sự kiện văn hóa như Lễ hội Áo dài ở TP. Hồ Chí Minh, Huế, Hà Nội thu hút hàng vạn người tham dự, trong đó có đông đảo du khách quốc tế, góp phần giới thiệu vẻ đẹp của áo dài – biểu tượng văn hóa Việt Nam. Các sản phẩm văn hóa truyền thống như tranh Đông Hồ, nhạc cụ dân tộc được giới thiệu tại nhiều sự kiện quốc tế lớn như Expo 2020 Dubai, cho thấy sự đánh giá cao của bạn bè quốc tế đối với văn hóa Việt Nam.
Tôi ủng hộ việc tận dụng văn hóa truyền thống để quảng bá hình ảnh đất nước, bởi văn hóa là “chất” riêng, là “hồn” của mỗi quốc gia. Bản thân tôi đã tham gia sản xuất các chương trình như “Giai điệu tự hào” của VTV và thấy rõ sức lan tỏa mạnh mẽ của văn hóa truyền thống, chạm đến trái tim và khơi dậy niềm tự hào dân tộc.
Để phát huy hơn nữa tiềm năng này, “kim chỉ nam” là phải làm sao để văn hóa truyền thống không chỉ “đẹp” ở trong quá khứ, mà còn phải “sống” và thú vị ở hiện tại, để thu hút được cả người trẻ và bạn bè quốc tế. Tôi cho là phải “bắt tay” với công nghệ mạnh mẽ hơn nữa. Cần kết hợp công nghệ VR, AR để tạo ra những trải nghiệm văn hóa ấn tượng, như việc tái hiện các lễ hội truyền thống hoặc các di sản lịch sử.
Góc nhìn của anh về các chính sách hiện hành và đề xuất những điều chỉnh để tạo môi trường phát triển tốt hơn cho các hoạt động sáng tạo?
Chính sách văn hóa cần tạo ra môi trường cởi mở, khuyến khích sự sáng tạo và tôn trọng sự đa dạng. Bên cạnh đó, việc đầu tư vào giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành văn hóa là vô cùng quan trọng, nhằm bảo đảm ngành có đội ngũ nhân lực đủ năng lực và trình độ để đáp ứng yêu cầu phát triển.
Các chính sách văn hóa hiện hành đã có những bước tiến quan trọng, thể hiện sự quan tâm của nhà nước đối với lĩnh vực này. Luật Điện ảnh sửa đổi 2022 đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho phim Việt xuất hiện tại các nền tảng quốc tế như Netflix, mở ra cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn hơn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điểm cần điều chỉnh để phù hợp hơn với thực tế, đặc biệt là việc đơn giản hóa quy trình kiểm duyệt, tránh tình trạng gây khó khăn, cản trở sự sáng tạo của các nhà làm phim.
Ngoài ra, tôi đề xuất nên nghiên cứu xây dựng các “khu công nghiệp văn hóa” theo mô hình của Hàn Quốc hoặc một số quốc gia khác, nơi các ngành sáng tạo từ âm nhạc, phim ảnh, thời trang, thiết kế… có thể cùng phát triển trong một hệ sinh thái hỗ trợ lẫn nhau.
Những khu công nghiệp văn hóa này sẽ tạo ra môi trường thuận lợi để các hoạt động sáng tạo được thực hiện chuyên nghiệp, hiệu quả, thu hút được đầu tư và tạo ra những giá trị kinh tế và văn hóa lớn. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế, thúc đẩy các hoạt động giao lưu, hợp tác văn hóa với các quốc gia khác, tạo điều kiện cho các sản phẩm văn hóa Việt Nam được quảng bá rộng rãi trên thị trường quốc tế.
Tất nhiên, để thực hiện hiệu quả các chính sách này, cần nâng cao năng lực quản lý nhà nước, đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý văn hóa có đủ năng lực và trình độ, có tầm nhìn chiến lược, có khả năng hoạch định và thực thi chính sách hiệu quả. Cuối cùng, cần khuyến khích các tổ chức xã hội, các chuyên gia, các nhà hoạt động văn hóa tham gia vào quá trình xây dựng và thực thi chính sách văn hóa, bảo đảm tính dân chủ, công khai và minh bạch.
Tôi tin rằng, với những chính sách văn hóa phù hợp và những nỗ lực không ngừng, ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam có thể bứt phá, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Nguồn: https://baoquocte.vn/van-hoa-chuyen-minh-cung-thoi-dai-301895.html