Với nhịp sống ngày càng hối hả, bận rộn hiện nay, những ngày Tết cổ truyền vẫn là dịp để mọi người có thể thảnh thơi cùng nhau quây quần, gìn giữ những nét đẹp văn hóa trong ngày Tết.
Nhiều người cho rằng, công nghệ số
có thể thay thế được những giây phút đoàn viên, nhưng thực tế, hương vị Tết đầm
ấm là thứ mà không có công nghệ nào, sự phát triển nào có thể làm phai mờ trong
mỗi con người Việt.
Tết Nguyên đán là
Tết cổ truyền lớn nhất, lâu đời nhất, là tiết lễ đầu tiên trong năm, mở đầu cho
một năm mới với bao niềm tin và hy vọng. Bao đời nay, với mỗi người dân Việt
Nam, Tết trở thành một lễ hội nằm trong niềm mong đợi và không thể thiếu của
dân tộc. Chả thế mà, những người con đất Việt dù đi đâu, ở đâu thì họ vẫn nhớ về
cội nguồn, nhớ về ngày Tết yêu thương tại quê nhà.
Từ hơn một tháng
nay, anh Lê Việt Phương cùng 4 anh em trai của mình đã lập nhóm Zalo để bàn việc
về quê lo Tết và mừng thọ mẹ. Bố mẹ anh sinh được 5 người con trai, nhưng không
có ai ở lại quê nhà mà đều lập nghiệp ở xa. Mỗi năm, nhiều thì hai, ba lần, ít
thì một lần, mọi người lần lượt về thăm bố mẹ. Nhưng để về cùng một lượt thì họa
hoằn lắm mới có dịp. Năm nay mẹ anh tròn 70 tuổi, là dịp quan trọng để tri ân,
cũng là để những người con xa quê trở về đoàn tụ. Bàn bạc xong, mấy anh em thống
nhất về cùng ngày, cùng giờ để dành cho mẹ sự bất ngờ.
Anh Phương chia sẻ:
“Nhờ có công nghệ số mà chúng tôi lập nhóm bàn bạc đâu ra đấy, còn bàn xong cả
việc mua quà mừng thọ cho mẹ. Bây giờ sự lựa chọn cũng rất đa dạng, ai có ý tưởng
gì hay đều có thể gửi lên nhóm cả hình ảnh, giá cả nên mấy anh em thống nhất rất
nhanh. Các chị em dâu, các cháu cũng “bỏ phiếu” đồng tình nhất trí cao”.
Vì thế, khi về đến
quê, ai về trước thì tìm quán cà phê, quán nước ngồi đợi những người về sau.
Cho đến 5 giờ chiều 29 Tết, tất cả đã tụ tập đông đủ và “rồng rắn” vào nhà. Anh
Phương cũng thú nhận rằng, trong số những gia đình, con cái của các anh em, nhiều
người còn cho rằng, bây giờ là thời đại của công nghệ, thông tin nên không nhất
thiết phải tụ tập ăn Tết cổ truyền. Thế nhưng khi về đến cửa, nhìn thấy bố mẹ
đang gói bánh chưng, mùi gạo nếp, đỗ xanh, mùi hương Tết phảng phất trong không
khí khiến tất cả đều cảm động.
“Có những cháu sống
ở thành thị và đi du học nước ngoài trở về khi nhìn thấy hình ảnh ấm cúng này
đã ngỡ ngàng, sửng sốt, lại thấy yêu cái Tết ở quê hơn, nhất là được cùng ông
bà gói bánh chưng, chờ luộc bánh”, anh Phương nói.
Bản thân anh cũng
xúc động trước hình ảnh mẹ già ngồi gói bánh chưng chờ các con về. Anh Phương
nhớ lại, từ trước đến nay, dù dư dả hay túng thiếu, cứ đến Tết là bếp nhà anh lại
sáng rực cả một góc vườn. Có năm sợ mẹ anh vất vả, gia đình đề nghị không gói nữa
mà mua bánh bán sẵn. Quả thật, năm đó mọi người nhàn hơn hẳn nhưng ai cũng thấy
buồn tênh. Tết đến rồi đi, quá lặng lẽ và nhạt nhẽo. Bởi thế, từ năm sau, không
cần bàn cãi, năm nào cũng gói bánh chưng, dẫu các con có kịp về cùng chung tay
gói bánh hay đứa trước, đứa sau.
Tết đổi thay, giá
trị không dời. Không thể phủ nhận, theo từng năm phong cách đón Tết của người
Việt dần đổi thay, đó là quy luật tất yếu khách quan. Có thể thấy, đời sống hiện
đại đã làm cho Tết có một màu sắc rất khác Tết của xưa kia, giờ đây khái niệm
“ăn Tết” đã được thay thế dần bởi cụm từ “nghỉ Tết, chơi Tết”.
Trong đó, công nghệ
số đã góp phần làm thay đổi cuộc sống của con người trên nhiều phương diện, trở
thành công cụ hữu ích giúp người dân chuẩn bị chu đáo cho ngày Tết cũng như giải
quyết được vấn đề khoảng cách về không gian, địa lý, tăng cường sự giao lưu,
giao tiếp xã hội.
Có thể thấy, trong
khi những nét đẹp truyền thống vẫn được gìn giữ, không bị mai một, ngày Tết giờ
đây trở nên thuận tiện hơn khi công nghệ trở thành một phần không nhỏ trong
sinh hoạt hàng ngày. Tết hiện đại – Tết thời công nghệ số và Tết truyền thống đang ngày càng giao thoa, hoà trộn đem đến những hương vị mới giữa dòng chảy hối
hả của cuộc sống hiện đại.
Mặc dù có nhiều
thay đổi nhưng Tết Nguyên đán vẫn là ngày lễ cổ truyền lớn nhất, tưng bừng và
nhộn nhịp nhất của người Việt. Tết vẫn là dịp để mọi người cùng nhau hướng đến
những giá trị tốt đẹp, đủ đầy, như ăn ngon, mặc đẹp, nói điều hay lẽ phải, chúc
nhau “vạn sự như ý”, “phát lộc phát tài”… Đặc biệt, Tết là dịp quan trọng để hướng
về cội nguồn, gia đình đoàn viên, cùng đón một năm mới an lành, hạnh phúc.
Không thể phủ nhận
công nghệ số khiến cho các thành viên trong gia đình “gần” nhau hơn, dễ liên lạc,
hỏi thăm và lập kế hoạch, nhưng khi Tết đến, ai cũng hiểu rằng công nghệ thông
thể thay thế được không khí đoàn viên của gia đình. Dẫu hương vị Tết xưa và nay
có ít nhiều đổi mới, nhưng giá trị văn hóa truyền thống vẫn không thay đổi
trong mỗi người. Tết là dịp đoàn viên, sum họp tình cảm gia đình, ai đi xa về gần
cũng phải nhớ về! Và lúc trở về họ cảm nhận được hương vị Tết cổ truyền qua
“mùi hương của Tết”.
Nguồn: https://giadinhonline.vn/van-con-do-mui-huong-cua-tet-d204284.html