Sáng 6/7, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTƯMTTQVN ngày 15/6/2017 của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam. Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì.
Dự hội nghị tại điểm cầu Cao Bằng có các đồng chí: Triệu Đình Lê, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hà Ngọc Giáp, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; Hoàng Văn Thạch, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo các tổ chức thành viên của Ủy ban MTTQ tỉnh.

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403, công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức thành viên ngày càng đi vào chiều sâu, cụ thể, chặt chẽ hơn, phát huy hiệu quả thiết thực, được cấp ủy, chính quyền ghi nhận, đánh giá cao; vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội các cấp ngày càng được khẳng định, phát huy trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội.
Từ năm 2018 – 2022, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tiến hành giám sát 5 nội dung thông qua hình thức nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân và chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam. Ủy ban MTTQ các cấp tiến hành giám sát 60.463 cuộc, trong đó cấp tỉnh giám sát 2.689 cuộc; cấp huyện giám sát 11.638 cuộc, cấp xã giám sát 46.136 cuộc với các lĩnh vực như: giám sát cán bộ, đảng viên và công tác cán bộ; giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với chủ tịch UBND các cấp; giám sát việc thực hiện chương trình phối hợp vận động và bảo đảm an toàn thực phẩm…
Cùng với đó, MTTQ các cấp thường xuyên quan tâm củng cố, kiện toàn và phát huy vai trò giám sát thông qua Ban thanh tra nhân dân, tổ chức 144.462 cuộc tập trung vào các nội dung giám sát chính quyền thực hiện công tác chăm lo người nghèo, gia đình chính sách; giám sát việc thu, chi các loại quỹ vận động, các nguồn thu trong dân, giám sát công tác cải cách hành chính, trật tự xây dựng… Ban giám sát đầu tư của cộng đồng tổ chức 149.200 cuộc giám sát, qua đó kiến nghị, phản ánh đến nhà thầu, chủ đầu tư xử lý, giải quyết giúp cơ quan quản lý nhà nước các cấp, chủ đầu tư phát hiện những sai sót, bất cập trong quá trình thực hiện các dự án để có những điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.
Ủy ban MTTQ các tỉnh, Thành phố chủ trì tổ chức 23.869 hội nghị; gửi văn bản đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tham gia đóng góp ý kiến phản biện đối với 42.051 văn bản dự thảo về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội… của các cơ quan, tổ chức tại địa phương, cơ sở. Tổ chức đối thoại trực tiếp giữa Ủy ban MTTQ với cơ quan, tổ chức có văn bản 19.714 cuộc, trong đó cấp tỉnh 255 cuộc, cấp huyện 2.324 cuộc, cấp xã 17.135 cuộc.
Tại hội nghị, các đại biểu báo cáo tham luận các nội dung: Đổi mới, sáng tạo trong nội dung, hình thức và hiệu quả, bài học kinh nghiệm trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội; xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù; những hạn chế, bật cập trong các quy định về hình thức giám sát, phản biện xã hội; giải pháp đảm bảo nguồn lực để đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, phản biện xã hội…

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đề nghị hệ thống MTTQ từ Trung ương tới cơ sở tiếp tục nghiên cứu, quá triệt sâu sắc các văn bản chỉ đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước để thấm nhuần, nâng cao hơn nữa về nhận thức, tầm quan trọng của công tác giám sát, phản biện xã hội. Làm tốt hơn công tác tham mưu, tuyên truyền, phổ biến đến các tổ chức, cá nhân, toàn xã hội hiểu rõ và tạo điều kiện để các tổ chức trong hệ thống chính trị phối hợp với MTTQ Việt Nam thực hiện.
Tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, “dám nói, dám làm”, “nói đúng, làm đúng” vì lợi ích của Đảng, của Nhà nước, nhân dân. Việc hoàn thiện thể chế pháp luật là cơ sở quan trọng để MTTQ Việt Nam các tổ chức chính trị – xã hội làm tốt hơn nữa công tác giám sát, phản biện xã hội. Tiếp tục đổi mới tổ chức bộ máy, nội dung, phương thức hoạt động, tăng cường hơn nữa công tác phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, dưới sự lãnh đạo của Đảng đảm bảo “tròn vai, thuộc bài” như chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy, phát huy sức sáng tạo của nhân dân, thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Thời gian tới, việc triển khai công tác giám sát, phản biện xã hội có tính hệ thống, có chuyên đề toàn quốc như giám sát tối cao của Quốc hội. Trên cơ sở tổng hợp ở phạm vi toàn quốc, tiếng nói của Mặt trận giúp cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ có cái nhìn tổng quát và đạt được yêu cầu hoạt động giám sát, phản biện có trọng tâm, trọng điểm, coi trọng chất lượng, thực chất, không hình thức. Phát huy những bài học kinh nghiệm, khắc phục hạn chế, khó khăn công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội sẽ được nâng lên tầm cao mới, thực chất, hiệu quả hơn.
M.H