Sáng 9/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đây là kỳ họp thứ 2 Quốc hội cho ý kiến về dự thảo luật này.
Trước phiên thảo luận, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng TN&MT Đặng Quốc Khánh trình bày tờ trình dự thảo luật.
Đã có hơn 12 triệu lượt ý kiến góp ý các nội dung góp ý tập trung vào bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với 1,22 triệu lượt; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất với 1,06 triệu lượt.
Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, nội dung về chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất nhận được nhiều ý kiến góp ý nhất.
Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người có đất bị thu hồi, tạo sự đồng thuận, giảm khiếu nại, khiếu kiện, dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng: “Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch, kịp thời và đúng quy định của pháp luật”.
Người bị thu hồi được bồi thường thiệt hại về đất, tài sản gắn liền với đất, chi phí đầu tư vào đất, thiệt hại do ngừng sản xuất, kinh doanh; được hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm, hỗ trợ ổn định đời sống, sản xuất, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất ở.
Đồng thời, được ưu tiên lựa chọn hình thức bồi thường bằng tiền nếu có nhu cầu được bồi thường bằng tiền. Giá đất bồi thường là giá cụ thể của loại đất thu hồi tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Dự thảo luật quy định khu tái định cư phải hoàn thiện các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ theo quy hoạch chi tiết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, dự thảo luật lần này đã mở rộng, liệt kê 31 trường hợp thu hồi đất theo 3 nhóm: Thu hồi đất để xây dựng công trình công cộng; thu hồi đất để xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, công trình sự nghiệp; thu hồi đất để phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng khác.
Tuy nhiên, quy định tại điều 79 lại dẫn chiếu sang các trường hợp đấu giá tạo quỹ đất và đấu thầu là chưa rõ nội hàm, mâu thuẫn về cách tiếp cận so với các trường hợp khác. Đấu giá quyền sử dụng đất hay đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất chỉ là cách thức giao đất, cho thuê đất, không phải là tiêu chí để xác định trường hợp thu hồi đất.
Điều 79 dẫn chiếu đến điều 112, trong đó, liệt kê các dự án sử dụng đất mà Nhà nước thu hồi đất để đấu giá quyền sử dụng đất bao gồm cả dự án nhà ở thương mại.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng việc thiết kế quy định này chung chung, chưa đủ rõ ràng các trường hợp thực hiện dự án nhà ở thương mại mà Nhà nước thu hồi đất, khó xác định có thuộc phạm vi phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng hay không.
Theo Ủy ban Kinh tế, đây là quy định quan trọng của luật Đất đai, có tác động lớn đến quyền và lợi ích của người sử dụng đất, chỉ được thực hiện khi được quy định tại Hiến pháp, luật và đáp ứng tiêu chí để phát triển KT-XH.
Vì vậy, cần hết sức thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ Nghị quyết, Hiến pháp để quy định rõ ràng, tránh cách hiểu khác nhau, gây vướng mắc trên thực tiễn.
Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí việc xây dựng bảng giá đất hằng năm bảo đảm sự cập nhật kịp thời với biến động giá đất trên thị trường.
Tuy nhiên, việc xây dựng bảng giá đất lần đầu theo quy định của Luật này cần cân nhắc khả năng thực tế của địa phương đáp ứng được yêu cầu của Luật và chờ các văn bản dưới luật sau khi Luật được ban hành, việc thuê tư vấn, thu thập thông tin, quy trình, thủ tục thẩm định, trình phê duyệt… cần thời gian thực hiện, có thể gây lúng túng trong việc áp dụng giá đất theo bảng giá của địa phương do không xây dựng kịp bảng giá đất.