Các ngân hàng liên tục tung gói ưu đãi lãi suất vay mua nhà ngay từ đầu năm nhưng giá nhà quá cao đang là rào cản
Ngày 20-2, trao đổi với phóng viên, chị Ngọc Diệp (ngụ quận 4, TP HCM) cho biết sau khi nghe tin Ngân hàng (NH) Á Châu (ACB) tung gói vay “ngôi nhà đầu tiên” dành cho người dưới 35 tuổi, chị đã liên hệ và được thông báo gói này chỉ ưu đãi lãi suất 5,5%/năm trong 3 tháng đầu tiên. Chị nhận xét: “Lãi suất 5,5% – 8,7%/năm cố định từ 3 tháng đến 5 năm thì ổn, song tôi phải tìm được dự án chung cư phù hợp mới quyết định vay”.
Chủ yếu ưu đãi trong thời gian đầu
Theo tìm hiểu của phóng viên, ACB thiết kế gói vay này với phương thức trả nợ gốc linh hoạt để người vay lựa chọn phù hợp kế hoạch tài chính, như: trả góp đều đặn hằng tháng, trả góp bậc thang (chia nhỏ số tiền góp những kỳ đầu tiên và tăng dần theo xu hướng tăng thu nhập hằng năm). NH còn có chính sách ân hạn vốn gốc lên đến 12 tháng, khách hàng không cần trả gốc trong thời gian ân hạn.

Nhiều gói cho vay mua nhà chỉ ưu đãi lãi suất thời gian đầu, kèm theo các điều kiện về thủ tục Ảnh: TẤN THẠNH
Trước đó, ngay khi Thủ tướng chỉ đạo NH Nhà nước và các NH thương mại nghiên cứu xây dựng các gói cho vay dành cho người dưới 35 tuổi để có thể tiếp cận nhà ở, ACB đã đi đầu khi tung ra gói vay “ngôi nhà đầu tiên” như trên. Ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc ACB, cho biết NH đã thiết kế chương trình cho người trẻ tuổi vay với lãi suất ưu đãi từ 5,5%/năm, thời gian vay đến 30 năm. ACB còn hỗ trợ miễn phí định giá tài sản bảo đảm, ưu đãi phí trả nợ trước hạn và các thủ tục pháp lý, giúp người trẻ dễ dàng tiếp cận nhà ở, ổn định cuộc sống và phát triển sự nghiệp.
“Đối tượng vay là những khách hàng trẻ, thuộc độ tuổi từ 18 – 35, có thu nhập trả nợ ổn định (ví dụ lương) từ 15 triệu đồng/tháng trở lên. Sau 3 tháng ưu đãi lãi suất 5,5%/năm, các kỳ tiếp theo sẽ có mức lãi suất cho vay cao hơn, phù hợp với chi phí vốn đầu vào của NH” – ông Phát giải thích.
Nhân viên ACB thông tin sau 3 tháng đầu, lãi suất được tính bằng lãi suất cơ sở cộng biên độ 3,5%. Khách vay cũng có thể lựa chọn các gói lãi suất cố định trong 12 tháng đến 60 tháng, tương đương mức từ 6,5%/năm đến 8,7%/năm.
Ghi nhận của phóng viên cho thấy nhiều NH khác cũng tung ra hàng loạt chương trình ưu đãi gói tín dụng cho vay bất động sản với lãi suất cực thấp trong thời gian đầu. Chẳng hạn, Agribank đang dành khoảng 30.000 tỉ đồng triển khai chương trình cho vay ưu đãi đối với khách hàng cá nhân phục vụ nhu cầu đời sống, trong đó có vay mua nhà. Lãi suất cố định tối thiểu 6%/năm trong 12 đến 24 tháng đầu tiên đối với các khoản vay có thời hạn tối thiểu 36 tháng.
Các ngân hàng SHB, PvcomBank, ABBANK và LPBank cũng triển khai các gói vay mua bất động sản với lãi suất ưu đãi từ 3,99%/năm, hạn mức cao, thời gian vay dài và nhiều chính sách hỗ trợ.
Quan trọng là nguồn cung nhà ở phù hợp
Theo các chuyên gia, lãi suất thấp là một trong những lợi thế giúp khách hàng, nhất là người trẻ, sẵn sàng vay để mua nhà. Tuy nhiên, lãi suất chỉ là một trong những điều kiện quyết định việc “xuống tiền” mua nhà.
Chuyên gia kinh tế – TS Đinh Thế Hiển phân tích cùng với lãi suất, quan trọng là nguồn cung trên thị trường bất động sản với những căn hộ, nhà đất ở phân khúc phù hợp với thu nhập của phần lớn người dân. Nếu lãi suất thấp mà thị trường chủ yếu là căn hộ cao cấp cũng khó tìm khách vay.
Nhiều người cho biết nghe quảng cáo lãi suất thấp “thấy ham” nhưng khi đọc kỹ quy định và lãi suất sau ưu đãi… thì đã cân nhắc lại. Các NH phần lớn ưu đãi lãi suất trong 3-6 tháng đầu, sau đó thả nổi theo thị trường (được tính bằng lãi suất gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng cộng biên độ khoảng 3%-4,5%/năm). Mặt bằng lãi suất cho vay mua nhà hiện trung bình khoảng 7%-9%/năm đối với các khoản vay mới, trong khi lãi suất khoản vay cũ khoảng 9%-11%/năm.
TS Nguyễn Anh Vũ, Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, nhận định các gói tín dụng ưu đãi vay mua nhà của nhiều NH với những điều kiện ưu đãi về lãi suất, thời hạn, thời gian vay hay, linh hoạt trả nợ… sẽ có tác động tích cực đối với tín dụng bất động sản và thị trường này. “Tuy nhiên, cần thiết lập các điều kiện cho vay và cơ chế kiểm soát chặt chẽ, để khoản vay đến đúng đối tượng. Cần hạn chế nguy cơ “tiền rẻ” có thể làm gia tăng bong bóng bất động sản trong tương lai” – TS Vũ nhìn nhận.
Ở góc nhìn thị trường, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho rằng dù nguồn cung nhà ở năm 2024 tăng tích cực, số căn hộ mở bán tăng 53% nhưng thị trường bất động sản đối mặt thách thức khi giao dịch phục hồi là doanh thu tăng còn lợi nhuận doanh nghiệp bất động sản giảm.
“Giá bán bất động sản còn quá cao và có xu hướng tăng trong năm 2025 làm giảm khả năng tiếp cận nhà ở của đa số người dân. Giá nhà cao còn khiến nhiều người cân nhắc vay vốn tín dụng để mua nhà. Tỉ lệ cho vay mua nhà của các NH trong năm 2024 chỉ tăng 6%, trong khi tăng trưởng tín dụng chung cùng kỳ 15%” – ông Lực nhận định.
Tăng nguồn cung nhà ở bình dân
Theo các chuyên gia, cùng với chính sách về lãi suất ưu đãi, cơ quan quản lý cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn về pháp lý cho các dự án nhà đất nhằm tăng nguồn cung, giúp thị trường phục hồi nhanh và bền vững hơn.
“Để giải quyết vấn đề này, ACB và các NH có thể tài trợ vốn cho dự án có giá hợp lý nhằm tăng nguồn cung nhà ở giá bình dân; cung cấp các gói tín dụng kép hỗ trợ cả chủ đầu tư lẫn người mua nhà. Việc hợp tác toàn diện giữa NH và các tập đoàn bất động sản lớn có thể giúp bảo đảm tiến độ xây dựng, kiểm soát giá cả nhà ở, mang đến nhiều lựa chọn phù hợp hơn cho người mua. Thông qua các giải pháp này, NH không chỉ hỗ trợ khách hàng tiếp cận nhà ở dễ dàng mà còn góp phần phát triển thị trường bất động sản bền vững, ổn định và minh bạch hơn” – ông Từ Tiến Phát nhấn mạnh.
Nguồn: https://nld.com.vn/uu-dai-lai-suat-vay-mua-nha-chua-du-196250220204950377.htm