Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, phụ trách Trung tâm Oxy cao áp Việt – Nga, Bộ Quốc phòng, với thực tế phổ biến của tình trạng người dân uống rượu tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra khái niệm đơn vị cồn.
Một đơn vị cồn tương đương với 10g cồn ethanol nguyên chất, bằng 200ml bia; 75ml rượu vang (1 ly); 25ml rượu mạnh (1 chén). Tuỳ vào lượng uống sẽ quy ra khoảng bao nhiêu đơn vị cồn.
Với một người trưởng thành có sức khỏe bình thường thì cứ sau 1 tiếng, gan sẽ đào thải được 1 đơn vị cồn. Đây là con số ở mức trung bình. Tùy theo từng người, như người gan yếu, người cân nặng hơn mức trung bình thì quãng thời gian này có thể tăng lên hay giảm đi.
Về cơ chế đào thải cồn của cơ thể, khoảng 10 – 15% sẽ đào thải qua đường hô hấp, da, mồ hôi. Khoảng 85 – 90% sẽ được xử lý qua gan.
Uống 2 chén rượu mạnh (khoảng 40 độ) tương đương với 2 đơn vị cồn, gan sẽ mất khoảng 2 tiếng đào thải. Ngoài ra, sau khi đã thải trừ rồi, gan cần 3 tiếng nữa để nồng độ cồn trong máu về 0. Do đó, nếu uống 2 chén rượu mất khoảng 5 tiếng thổi nồng độ cồn mới không lên.
“Các nghiên cứu chỉ ra rằng, khi nồng độ cồn trong cơ thể ở mức cao, nghĩa là khi chúng ta uống nhiều rượu thì tốc độ thải trừ cồn của gan lại nhanh hơn. Ngược lại, khi nồng độ cồn trong cơ thể ít thì tốc độ này lại chậm đi. Chúng ta cần lưu ý, cho dù sau khi gan thải trừ hết nồng độ cồn thì cơ bản cơ thể vẫn cần 2 – 3 tiếng để thải trừ hết hoàn toàn”, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng nhấn mạnh.
Theo bác sĩ Hoàng, không có câu trả lời hoàn toàn chính xác cho câu hỏi “tôi uống một lượng cồn nhất định, sau bao lâu thì thổi nồng độ cồn bằng 0”. Nguyên nhân, tùy vào từng người thời gian chính xác để loại bỏ hoàn toàn cồn trong cơ thể sẽ khác nhau.
Chúng ta có thể ước lượng được quãng thời gian. Tuy nhiên đây là những con số mang tính trung bình, ước tính. Mỗi cá nhân sẽ có thời gian khác nhau và nhiều yếu tố ảnh hưởng tới tốc độ thải trừ cồn của cơ thể.
Ví dụ những người ăn rất nhiều rồi mới uống rượu. Rượu được hấp thu 20% ở dạ dày và 80% ở ruột non. Khi dạ dày chứa nhiều thức ăn thì tốc độ hấp thu rượu của dạ dày sẽ chậm và tốc độ thải trừ cồn cũng sẽ chậm theo.