Năm 2025 là năm có nhiều ngày kỷ niệm lớn của đất nước.
Ngày 2-9-1945 thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, ngay sau đó, nhà nước non trẻ đã phải bước vào cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp. Rồi sau hiệp định Genève tháng 7-1954, Việt Nam bị chia cắt ở vĩ tuyến 17, cả nước lại bước vào cuộc trường chinh chống đế quốc Mỹ kéo dài hơn 20 năm. Trong thời gian đó, dù năm 1973 Hiệp định Paris được ký kết mở ra cơ hội hòa bình nhưng phải đến ngày 30-4-1975 mới thực sự chấm dứt chiến tranh, mở ra kỷ nguyên Hòa bình – Thống nhất đất nước!
Năm mươi năm trôi qua, dài hơn gấp đôi thời gian những gia đình tập kết trải qua “ngày Bắc đêm Nam”, những gia đình di cư không nguôi “nỗi nhớ mùa đông”… Thế hệ tôi sinh ra, lớn lên trong chiến tranh và thời bao cấp, trưởng thành trong giai đoạn đất nước “mở cửa” bắt đầu phát triển, vì vậy ký ức sâu đậm nhất của chúng tôi là ngày “non sông liền một dải”. Đó là ngày bao nhiêu người được trở về quê hương, bao nhiêu gia đình sum họp, bao nhiêu nụ cười trong những ngày đầu hòa bình ấy. Nhưng cũng có bao nhiêu nước mắt đã rơi vì những người không bao giờ trở về, vì những người sẽ ra đi vì những lý do khác nhau…
Nhưng, chiến tranh dù kéo dài đến đâu cũng chỉ là hiện tượng bất thường cần phải và buộc phải chấm dứt! Đất nước hòa bình là điều kiện đầu tiên và quan trọng nhất để mọi người có cuộc sống bình an, bình thường. Những năm đầu sau ngày thống nhất dù khó khăn chồng chất, lòng người ngổn ngang nhưng đời sống “hòa bình, thống nhất” vẫn có ý nghĩa nhất đối với mỗi người, với cả đất nước.
Thực tiễn cuộc chiến tranh Việt Nam đã cho thấy, một đất nước có chiến tranh sẽ gây tác động bất ổn đến toàn thế giới, cuộc chiến “nhỏ” có thể để lại những hậu quả lâu dài không chỉ cho những “người trong cuộc”. Thậm chí có thể tạo ra sự thay đổi lớn trên phạm vi toàn cầu. Mỗi đất nước yên ổn phát triển, không gây hại, xâm lấn đến những đất nước khác, các quốc gia tôn trọng nhau và hợp tác với nhau sẽ tạo nên nền hòa bình trên thế giới.
Hòa bình là trạng thái xã hội hòa thuận, nhân ái và không có sự xung đột đối đầu. Hòa bình là sợi dây kết nối con người, các cộng đồng bởi vì loài người có điều kiện bình ổn để phát minh, sáng tạo, phát triển mọi mặt đời sống vật chất, tinh thần, tăng cường sự hiểu biết về các nền văn hóa và sự hợp tác với tất cả quốc gia. Hòa bình để thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội và nhân văn trên phạm vi khu vực và toàn cầu.
Thế hệ những người đã trải qua năm tháng chiến tranh ác liệt thực sự cảm nhận sâu sắc ý nghĩa của hai chữ “hòa bình” vang lên từ sau năm 1975. Hòa bình còn là tiền đề quan trọng nhất cho công cuộc thống nhất đất nước, cho hòa hợp, đoàn kết toàn dân tộc. Một đất nước từng trải qua hơn 200 năm lịch sử “đàng trong, đàng ngoài”, gần 100 năm bị chia cắt 3 kỳ Bắc – Trung – Nam, hơn 20 năm chia đôi Nam – Bắc… càng thấm thía nhu cầu thống nhất “Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn” như lời thơ “Xuân 1969” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Có thể nói, mục tiêu cao cả nhất của các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta là để thống nhất đất nước, hòa bình đi cùng với thống nhất mới thực sự trọn vẹn! Thống nhất không chỉ là sự toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải mà quan trọng nhất là sự đồng lòng của hơn trăm triệu người Việt Nam ở trong và ngoài nước, cùng chung mục tiêu xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, nhân dân ấm no, hạnh phúc, đất nước hùng cường “sánh vai cùng các cường quốc năm châu”.
Trưa 30-4-1975, cả thủ đô Hà Nội đổ ra đường hòa chung niềm vui “giải phóng miền Nam” trong tiếng loa vang vang bài hát “Như có Bác trong ngày đại thắng”. Sau tháng 5-1975, tôi từ Hà Nội vô Sài Gòn, theo chuyến xe cơ quan má tôi đưa cán bộ vào Nam tiếp quản. Gia đình tôi về ngôi nhà của ông bà tôi ở Phú Nhuận và ở đó cho đến nay.
Năm mươi năm hòa bình, dù thành phố đổi thay đến đâu thì vị thế địa – văn hóa, địa – kinh tế của TP HCM cũng không thay đổi. Từ Nhà Bè nơi gặp gỡ đôi dòng sông lớn Đồng Nai – Sài Gòn, là vị trí “trời cho” mà được “người chọn” để xây dựng thành Gia Định rồi đô thị Sài Gòn, tạo dựng những đặc trưng và bản sắc tiêu biểu cho vùng đất Nam Bộ.
Vị thế đó nay được duy trì như thế nào? TP HCM nay là “giao lộ trung tâm” của nhiều trục đường giao thông quan trọng: ra miền Trung, miền Bắc, lên miền Đông và Tây Nguyên, xuống miền Tây – đồng bằng sông Cửu Long. Từ đó có thể đi sâu vào lục địa đến nhiều quốc gia châu Á và xa hơn nữa… Không chỉ ở vị trí kết nối đường bộ, tính chất sông nước của một đô thị Nam Bộ còn được nâng tầm cao hơn ở TP HCM.
Đây là một thành phố hướng biển thể hiện qua hệ thống cảng thị hiện đại vào loại hàng đầu ở Đông Nam Á. Hiện nay, cùng với hệ thống cảng biển hiện hữu trong khu vực Đông Nam Bộ, trong tương lai cảng trung chuyển Cần Giờ sẽ là một trung tâm mới của Đông Nam Á. Sài Gòn – TP HCM tiếp tục phát triển tính chất cởi mở, linh hoạt, luôn đổi mới, tiếp thu và phát triển những thành tựu kinh tế – văn hóa – khoa học kỹ thuật mới của thế giới.
TP HCM hiện có những dự án phát triển đôi bờ sông Sài Gòn, hướng đến mục đích cao nhất là lợi ích bền vững cho cộng đồng. Có thể coi sông Sài Gòn là biểu trưng dòng chảy của lịch sử thành phố. Từng là nơi khởi lập, xây dựng thành phố với những biểu tượng như chợ Bến Thành, bến Bạch Đằng, những con đường Nguyễn Huệ, Hàm Nghi, Đồng Khởi, Lê Duẩn… Xa hơn về phía biển, sông Sài Gòn còn mang trong mình chứng tích “chiến khu Rừng Sác” ác liệt thời chiến tranh. Hay “Khu dự trữ sinh quyển thế giới” chính là dấu ấn một thời gian khổ trồng lại rừng ngập mặn, mở đường ra biển của huyện duyên hải ngày ấy.
“Không ai tắm hai lần trên một dòng sông”, bởi vì mọi dòng sông đều không cam chịu bị biến thành “ao tù nước đọng”. Khơi thông hơn sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và những kênh rạch trong thành phố, cũng là khơi thông tư duy, ý chí, hành động của “người Sài Gòn – TP HCM” – những con người không để quá khứ níu kéo trì trệ mà dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Thành phố này luôn là hợp lưu của những dòng chảy dân cư, kinh tế, văn hóa. Năm 2025 – 50 năm thống nhất, và chỉ còn 20 năm nữa – 2045 đất nước tròn một thế kỷ dân chủ cộng hòa, TP HCM phải trở thành một thành phố hiện đại – văn minh, biểu tượng của hòa bình – hòa hợp. Mong lắm thay!
TP HCM là nơi tập trung những thực tiễn đòi hỏi cả nước phải “đổi mới”. Đó còn là nơi “đất lành chim đậu”, cư dân mọi miền đến đây góp phần làm nên sự đổi thay của thành phố này.
Nguồn: https://nld.com.vn/uoc-mong-cua-mot-the-he-196250121135103387.htm