Mò mẫm, tìm hiểu kỹ thuật, cách nuôi cá sông trong ao rồi chế biến, nông dân Nguyễn Văn Hiếu-Giám đốc HTX Thủy sản sông trong ao Hải Đăng (xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) cùng nhiều nông dân khác đã làm giàu trên chính quê hương mình từ 10ha mặt nước.
Cú “ngã” nhớ đời của anh nông dân
HTX thủy sản sông trong ao Hải Đăng có địa chỉ tại thôn Bút Sơn, xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam đang có 10ha diện tích ao nuôi với sự góp sức chung tay của nhiều hộ nông dân trên địa bàn.
Xuất thân từ gia đình nông dân, nơi anh Hiếu sinh sống là vùng đồng chiêm trũng thuộc xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng. Từ nhỏ, anh rất thích chăn nuôi và trồng trọt.
Sau khi lập gia đình, anh Hiếu loanh quanh ở nhà với ao nhỏ, nuôi ít cá… Chi phí thu được vừa đủ trang trải kinh tế gia đình.
“Tôi thích nuôi cá, nhưng trước đó chưa có gì để đột phá”. Cuối năm 2018, Sở NNPTNT tỉnh Hà Nam triển khai mô hình nuôi cá ứng dụng công nghệ “sông trong ao”, biết tin, anh mạnh dạn nộp hồ sơ, đồng thời học hỏi nhiều trang trại “sông trong ao” tại tỉnh Hải Dương để đánh giá xem có nên đầu tư hay không.
Với khoản hỗ trợ 200 triệu đồng từ Sở, cùng vay mượn bạn bè, đầu năm 2019, anh Hiếu thành lập HTX và thuê được hơn 4,4ha mặt nước tại xã Thanh Sơn để đầu tư sản xuất. Toàn bộ hệ thống ao hồ cũ, anh cho cải tạo lại, kiên cố hóa bờ đập.
Sau đó cho xây dựng, lắp đặt hệ thống luồng lạch, điều tiết nước. Tới tháng 7/2019, anh bắt đầu nhập các loại giống cá trắm, rô phi đơn tính về nuôi thử nghiệm, số lượng 1,1 vạn cá rô, 8.000 cá trắm.
Một phần mô hình nuôi cá sông trong ao của HTX thủy sản thủy sản sông trong ao Hải Đăng, thôn Bút Sơn, xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam của tỷ phú nông dân. Ảnh: Hải Đăng.
Anh Hiếu bảo, việc nuôi thủy sản theo công nghệ “sông trong ao” giúp HTX quản lý tốt hơn nguồn con giống, dịch bệnh, thức ăn.
Nguồn nước luôn được làm sạch, không bị ô nhiễm, nhờ đó nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản (đạt tiêu chuẩn an toàn).
“Nuôi trong ao, nhưng nguồn nước luôn chảy tuần hoàn, cá vận động không ngừng nghỉ nên khỏe mạnh, chóng lớn. Tôi gọi quy trình này là cho cá tập gym”.
Thế nhưng dù cẩn thận đến đâu, anh Hiếu cũng không lường được nhưng sự việc khiến anh mất trắng hơn nửa tỷ đồng.
Một sáng tháng 6/2020, anh Hiếu hớt hải chạy từ nhà sang HTX (cách chừng 100m) sau khi nghe điện thoại cầu cứu từ công nhân.
Qua cổng, anh lao vội ra ao, chục tấn cá đã nổi trắng mặt nước, số ít thoi thóp được công nhân vớt lên bờ. “Mất điện, tôi nghĩ chỉ một vài tiếng nên vẫn đủ oxy cho cá, thế mà sau một đêm, mất trắng”.
Sản phẩm cá được chế biến từ nguồn cá nuôi với công nghệ “sông trong ao” của HTX thủy sản sông trong ao do anh Hiếu làm Giám đốc. Trong ảnh, anh Hiếu (bìa trái) là tỷ phú Hà Nam giới tthiệu sản phẩm với phóng viên Báo Dân Việt.
“Nông dân Nguyễn Văn Hiếu là đại diện tiêu biểu cho nông dân tại địa phương. Anh là người cần cù, chịu khó học hỏi và tư duy đổi mới. Mô hình “Hiếu cá” được đánh giá rất cao trong việc phát triển kinh tế của địa phương. Qua nhiều nỗ lực, anh Nguyễn Văn Hiếu cùng HTX của mình đạt được nhiều thành tích cũng như nhận bằng khen của tỉnh Hà Nam, và là Nông dân Việt Nam xuất sắc…”
Ông Lê Văn Tấn – Trưởng ban Kinh tế Hội Nông dân tỉnh Hà Nam
Thiệt hại lứa cá hơn 600 triệu đồng là bài học đau đớn của anh Hiếu sau khi mạnh dạn đầu tư và chuyển đổi mô hình nuôi cá. Sau lần đó anh cẩn trọng hơn. Để tăng liên kết, anh Hiếu cùng nhiều nông dân khác chung tay mở rộng diện tích nuôi từ 4,4ha lên 10ha.
Anh Hiếu nhận xét, mô hình “sông trong ao” vượt trội rất nhiều so với cách nuôi truyền thống trước đây. Do chủ động được nguồn nước, cá luôn vận động nên khỏe mạnh, ít bệnh tật.
Tại đây, anh Hiếu cho lắp đặt toàn bộ hệ thống máng cám cho ăn tự động. Chỉ cần bấm nút, cám sẽ được phóng thẳng từng đợt xuống mặt hồ cho cá ăn.
Do cá luôn nổi và vận động, người nuôi có thể xác định được trọng lượng để điều tiết lượng thức ăn sao cho phù hợp.
Đồng thời, tránh lượng cám dư thừa, gây ô nhiễm nguồn nước. Khu vực sau bể nuôi, anh Hiếu cho lắp đặt hệ thống xử lý bằng men vi sinh, rất sạch và an toàn.
“Chúng tôi còn đầu tư và chế biến được thức ăn, nên chất lượng cá, HTX hoàn toàn đảm bảo được”-nông dân này khẳng định.
Thành công nhờ chế biến sâu tạo nên nhiều sản phẩm OCOP
Anh Hiếu cho biết, mong cá lớn, cá khỏe nhưng sản lượng tăng phải đối mặt với vấn đề thị trường tiêu thụ. “Anh em trong HTX suy nghĩ nhiều và bàn giải pháp trực tiếp chế biến nguồn nguyên liệu cá tự nuôi.
Chúng tôi đầu tư khu chế biến riêng, tìm hiểu, nghiên cứu sản xuất sản phẩm từ cá gồm: ruốc cá, chả cá, và cá kho mang nhãn hiệu của HTX. Nhưng để làm, tất cả phải có vốn. Nên anh em lại hì hục đi vay, thuyết phục người thân và thậm chí là cả vay ngân hàng”- anh Hiếu kể.
HTX do anh lãnh đạo hình thành chuỗi sản xuất, chế biến khép kín, hướng đến nâng cao giá trị sản xuất, đồng thời cung cấp cho người tiêu dùng sản phẩm thủy sản bảo đảm chất lượng. Hiện HTX đang nâng cao chất lượng của từng loại sản phẩm.
Các sản phẩm thành phẩm được phân phối và đưa ra các cửa hàng thực phẩm trong và ngoài tỉnh như Hà Nội, chuỗi siêu thị Vinmart, phân phối tại các đại lý, kênh bán online. Hiện HTX có 3 sản phẩm OCOP.
Từ cách làm này, giá trị sản phẩm thủy sản của HTX Thủy sản sông trong ao Hải Đăng tăng trên 20% so với xuất bán thô, nhỏ lẻ ngoài thị trường tự do. Không những vậy, giá bán luôn bảo đảm sự ổn định rất ít bị tác động lên, xuống của thị trường tự do.
Theo anh Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc HTX Thủy sản sông trong ao Hải Đăng, việc mở rộng sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật gắn với chuỗi giá trị tạo sự ổn định trong sản xuất. Vấn đề chính của HTX là bảo đảm đủ nguồn hàng và chất lượng theo hợp đồng đã ký với doanh nghiệp và các đầu mối tiêu thụ.
Giờ đây sau hơn 6 năm khởi nghiệp, từ quy mô nhỏ lẻ, manh mún nay HTX đã thành công với mô hình rộng hơn 10ha, sản lượng hơn 100 tấn/năm, với doanh thu hơn 3 tỷ đồng/năm. Tổng vốn đầu tư lên tới gần 20 tỷ đồng.
“Thời gian tới, chúng tôi hướng đến mở rộng diện tích chăn nuôi để đáp ứng sản lượng cung cấp ra ngoài thị trường. Phát triển các sản phẩm chế biến đa dạng để thị trường ngày càng mở rộng. Qua đó, giúp phần tăng trưởng sự phát triển của HTX, mục tiêu tăng khoảng 5-10% so với những năm trước”, anh Hiếu chia sẻ.
Trao đổi với PV NTNN, ông Vũ Quang Hiển – Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn cho biết, HTX từ khi thành lập đã tạo công ăn việc làm, phát triển kinh tế ổn định cho 10 người dân địa phương, thu nhập mỗi lao động làm việc tại HTX là hơn 7 triệu đồng/tháng. Đây là mức thu nhập khá so với bình quân thu nhập của người dân địa phương.
“Việc đảm bảo vệ sinh môi trường, HTX cũng làm rất tốt. Đây là mô hình tiêu biểu trên địa bàn. Chúng tôi mong muốn sẽ có thêm những mô hình như thế này để thúc đẩy kinh tế địa phương”- ông Hiển nói.
Nguồn: https://danviet.vn/ty-phu-ha-nam-la-mot-ong-giam-doc-nuoi-ca-song-trong-ao-ung-dung-cong-nghe-cao-20250121160634113.htm