VHO – Chùa Mậu Xương hay còn được gọi với cái tên cổ là Tuyết Sơn Phong tự, nằm trên khu đất “Đầu rồng” có diện tích tự nhiên là 12.500m2. Đây là ngôi chùa thờ Phật và liệt Thánh nội đạo. Năm 2017, chùa Mậu Xương được UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận là di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh.
Dù đã trải qua bao biến cố do thiên nhiên và những thăng trầm của lịch sử, ngôi chùa vẫn giữ được những nét kiến trúc đẹp, giá trị, là điểm đến tâm linh thu hút ngày càng nhiều du khách thập phương.
Chùa tọa lạc tại xã Quảng Lưu (huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hoá), chùa hình thành từ thời Trần, thuở sơ khai chùa có tên là Tuyết Phong; đến thời Lê, chùa có tên là Tuyết Sơn Phong tự. Khi Phật tổ giáng hạ và làng đổi tên thì chùa có tên gọi là Yên Đông.
Đến năm 1830, làng Yên Đông lại đổi tên là làng Mậu Xương và từ đây chùa lại mang tên là chùa Mậu Xương cho đến ngày nay.
Sự hình thành và ra đời của ngôi chùa Mậu Xương rất đặc biệt. Truyền thuyết kể về sự giáng sinh của Phật tổ và liệt Thánh nội đạo chùa Mậu Xương như sau: Năm Mậu Dần 1578, ông Trần Ngọc Thích, con cái chưa có mà tuổi đã cao, ông đến chùa Tuyết Phong – làng Nguốn cầu nguyện mong có người nối dõi tông đường.
Đến năm 1583, bà Hiệu Từ Ái (vợ ông) sinh hạ một nam nhi, dáng mạo khác thường, mặt như trăng rằm, thông sáng hơn người, đặt tên là Trần Ngọc Lành, lớn lên tinh thông võ lược văn thao, sau đổi tên là Trần Ngọc Trân.
Vì cha bị bệnh nên ông không làm quan mà vào chùa Tuyết Phong cầu nguyện cho cha, ở đây ông gặp một vị Tôn Sư. Tôn Sư cùng ông vào chùa cầu nguyện và bảo ông đem nước lạnh, tàn nhang về nhà cho cha uống sẽ khỏi bệnh. Quả nhiên đúng như lời Tôn Sư nói…
Năm Mậu Thìn 1628, Trần Ngọc Trân tham gia đào đắp đường huyệt, bắt gặp một bản đồng, trong đó có 40 ấn đồng, ngài mang về chùa, hương đăng cầu nguyện, hai tay vỗ vào nhau thành ấn, mở ra thành quyết, dậm chân luyện pháp cả vùng, phong vũ âm vang. Từ đó ngài đắc đại “Lục trí thần thông” hô phong hoán vũ, ngài là Đức Phật tổ – Thượng Sư Phật Bảo – Tự Pháp Lượng.
Từ đây Tuyết Sơn Phong tự còn có tên là chùa Yên Đông vì tên làng Nguốn đã đổi tên thành làng Yên Đông, nay là Mậu Xương, xã Quảng Lưu. Ngài ra tay cứu nhân, giúp đời, dẹp yêu trừ quái. Ngài quy tiên giờ Dậu ngày 28 tháng Giêng năm 1643 (Quý Mùi), thọ 60 tuổi.
Hàng năm Nhân dân trong vùng hàng năm làm cỗ đến chùa để lễ kỷ niệm ngày mất của ông nhằm là ngày 28 tháng Giêng. Ở thời Lê, chùa xếp theo hình chữ tam và có ba cung thờ phụng…
Theo Ban quản lý chùa Mậu Xương, những năm qua, ngôi chùa đã được tỉnh, các ngành chức năng và nhân dân trùng tu, tôn tạo từ cảnh quan, cho tới các hạng mục, bảo đảm giữ nguyên được những nét đẹp, giá trị truyền thống cổ xưa của di tích lịch sử – văn hóa này, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của Nhân dân.
Ông Nguyễn Huy Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương cho biết, hiện nay huyện có 38 di tích, trong đó có 3 di tích cấp quốc gia, 1 di tích kiến trúc nghệ thuật, 3 di tích cách mạng, 31 di tích lịch sử – văn hóa.
Việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa được huyện chú trọng quan tâm thực hiện, đạt được nhiều kết quả, trong đó việc tu bổ di tích chùa Mậu Xương là điển hình trong công tác này, đã tạo sức hút hấp dẫn du khách đến tham quan, nghiên cứu, vãn cảnh tại di tích.
Qua đó, góp phần phát triển kinh tế – xã hội địa phương, nâng cao nhận thức, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, truyền thống của quê hương, đất nước, tạo dựng hình ảnh tốt đẹp về vùng đất giàu truyền thống cách mạng Quảng Xương nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung đối với du khách trong nước và quốc tế.
Nguồn: https://baovanhoa.vn/van-hoa/tuyet-son-phong-tu-ngoi-chua-co-600-nam-tuoi-cua-xu-thanh-118218.html