Bà V.T.N (57 tuổi, ngụ huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) bắt đầu có triệu chứng xuất huyết âm đạo kéo dài cách đây 3 tháng. Tuy nhiên bà âm thầm chịu đựng, không đi khám.
Khi tình trạng trở nên trầm trọng, với lượng máu chảy ngày càng nhiều, bà mới đến cơ sở y tế để khám bệnh và điều trị. Tại đây, bà được chẩn đoán ban đầu là theo dõi ung thư vùng kín và được chuyển đến bệnh viện chuyên khoa ung thư để điều trị. Thông tin này khiến bà N. vô cùng lo lắng.
Tại bệnh viện chuyên khoa ung thư, bà V.T.N được tiến hành sinh thiết và thực hiện các xét nghiệm. Tuy nhiên, do tình trạng xuất huyết liên tục, việc kiểm tra gặp nhiều khó khăn. Sau gần 1 tháng bà được chẩn đoán với kết quả sinh thiết loại trừ tổn thương do ung thư. Trong khi đó, tình trạng chảy máu vẫn kéo dài, khiến bà kiệt sức, thiếu máu nặng, suy nhược. Lúc này, bà được giới thiệu đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM).
Tại bệnh viện, các bác sĩ chỉ định cho bà chụp MRI. Kết quả, bà bị dị dạng mạch máu vùng chậu và âm hộ âm đạo. Lúc này, do mất máu trong một thời gian dài, bà N. nhợt nhạt, thiếu sức sống. Thực hiện xét nghiệm máu, Hb tụt thấp nên bà phải truyền gấp 2 đơn vị máu.
Ngày 24.1, tiến sĩ – bác sĩ Nguyễn Đình Luân, Trưởng đơn vị X-quang can thiệp, Phó trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, cho biết khi đặt mỏ vịt thì thấy một búi mạch máu ngoằn ngoèo ở thành trái âm đạo của bà N. có màu tím giống như chùm nho. Sau khi luồn kim dưới hướng dẫn của X-quang xóa nền, bác sĩ thấy thuốc tương phản lan ra đúng như đám tĩnh mạch dị dạng nên quyết định tiến hành tiêm xơ hóa.
Nhờ được chẩn đoán chính xác và phối hợp điều trị kịp thời, sau 1 ngày, sức khỏe của bà N. hồi phục và bà được xuất viện.
Dị dạng mạch máu là bệnh lý hiếm gặp
Tiến sĩ – bác sĩ Bùi Chí Thương, Trưởng khối Sản, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, cho biết hiện nay, trên thế giới mới ghi nhận 3-4 ca bị dị dạng mạch máu vùng chậu và âm hộ âm đạo ở các cô gái trẻ tuổi. Trường hợp hiếm gặp như bà N. (57 tuổi) chưa được tìm thấy trong y văn thế giới. Tuy nhiên, với quyết tâm cao, các bác sĩ đã phối hợp đa chuyên khoa để kịp thời điều trị thành công cho bệnh nhân.
Trước đó, bệnh viện cũng đã phẫu thuật thành công tình trạng hiếm gặp là xuất huyết tiêu hoá dưới nguy kịch do tắc mạn tính tĩnh mạch cửa kết hợp dị dạng động – tĩnh mạch ruột cho anh T. (ngụ tỉnh Cà Mau)
Nguồn: https://thanhnien.vn/tuong-mac-ung-thu-hoa-ra-la-di-dang-mach-mau-vung-kin-hiem-gap-185250124094025278.htm