Ngày 14/12, Câu lạc bộ Mạng lưới bảo đảm chất lượng giáo dục Việt Nam phối hợp cùng Trường Đại học Hùng Vương Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia 2024 với chủ đề “Đổi mới quản trị đại học trên cơ sở tự chủ đại học gắn liền với đảm bảo chất lượng.
Quang cảnh hội thảo
Hội thảo có sự tham gia của đại diện hơn 150 cơ sở giáo dục đại học với mục tiêu tạo ra một diễn đàn nhằm tạo cơ hội trao đổi giữa các nhà quản lý giáo dục, chuyên gia và nhà nghiên cứu về các chiến lược quản trị đại học hiệu quả, tận dụng công nghệ số để nâng cao hiệu suất quản lý và đảm bảo chất lượng đào tạo.
Hội thảo cũng hướng đến việc chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn từ các mô hình quản trị tiên tiến, thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu.
Tại hội thảo, Chủ tịch Câu lạc bộ Mạng lưới bảo đảm chất lượng giáo dục Việt Nam Nguyễn Đình Đức chia sẻ, điều thay đổi quan trọng nhất trong tự chủ đại học từ khi Luật giáo dục đại học sửa đổi năm 2018 là định hướng các cơ sở giáo dục đại học hoạt động theo mô hình doanh nghiệp.
Qua các báo cáo tham luận của các đại biểu tại Hội thảo, có thể thấy được bức tranh khá tổng thể về việc thực hiện tự chủ trong các trường đại học ở Việt Nam 5 năm qua, từ 2019 đến nay; thấy được những mặt tích cực, tự chủ nhưng phải luôn gắn với bảo đảm chất lượng đào tạo, chất lượng đội ngũ, chất lượng nghiên cứu và không ngừng đổi mới sáng tạo, hội nhập với các chuẩn mực quốc tế đồng thời nhận định: “Thực sự, tự chủ đại học đã như luồng gió mới, tạo động lực, thúc đẩy giáo dục đại học Việt Nam đổi mới rất mạnh mẽ, nhất là đổi mới cơ chế hoạt động và quản trị đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập”.
Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng Việt Nam Lê Viết Khuyến
Theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, bên cạnh những thành tựu rất quan trọng đã đạt được, cũng còn những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện tự chủ đại học ở Việt Nam như vị trí của Hội đồng trường, Ban giám hiệu nhà trường, mô hình phát triển các cơ sở giáo dục đại học, đào tạo ngành nghề…
Trong đó, về tự chủ đại học GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cho rằng tác động mạnh mẽ đến mô hình và quản trị của 2 đại học quốc gia, các đại học vùng và các đại học. Theo như tư duy biện chứng, thì các trường đại học tự chủ muốn phát triển bền vững sẽ phải tiến tới đại học đa ngành, đa lĩnh vực. Tự chủ càng cao thì mô hình quản trị khi có cấp quản lý trung gian ngày càng không phù hợp. Do đó, vấn đề đặt ra là tới đây, khi sửa Luật giáo dục đại học, cần cân nhắc việc các cơ sở giáo dục đại học sẽ vẫn có khái niệm là các đại học, trường đại học hay chỉ là các trường đại học?
Ngoài ra, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức lưu ý về việc cần tiến tới sự bình đẳng giữa các cơ sở giáo dục đại học công lập và ngoài công lập. Nhà nước hoàn toàn có thể đầu tư cho các trường ngoài công lập nếu trường đó có nhóm nghiên cứu mạnh, tham gia đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực theo yêu cầu sứ mệnh quốc gia. “Gió đã bắt đầu đổi chiều. Các trường công lập đào tạo uy tín, chất lượng được tự chủ sẽ ngày càng có thế mạnh vượt trội so với các trường ngoài công lập và các trường chưa tự chủ trong việc thu hút nhân tài và thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển”, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức nói.
TS. Nguyễn Thị Thu Hà – Trường ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải trình bày báo cáo “Quá trình tự chủ đại học ở Việt Nam – Thực trạng và giải pháp”
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hà, Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải cho hay, trong quá trình thực hiện tự chủ, hướng đi chiến lược để tăng cường hiệu quả quản trị là rất cần thiết. Trong đó, việc xây dựng hệ thống quản trị đại học trực tuyến được xem là một bước quan trọng trong hành trình chuyển đổi số toàn diện của giáo dục đại học Việt Nam. Tuy nhiên theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hà, quá trình chuyển đổi số trong quản trị tại các trường Đại học Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu, với nhiều cơ sở còn thiếu đồng bộ và chưa có sự nhất quán giữa các trường.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Huyền Trang, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, lại tập trung vào những thách thức mà toàn cầu hóa mang lại trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục, bao gồm các yếu tố liên quan đến văn hóa, chính trị, kinh tế và sự chênh lệch về chất lượng giữa các vùng miền và quốc gia, cũng như tác động của công nghệ số đối với phương pháp giảng dạy. Bên cạnh đó, Tiến sĩ Nguyễn Minh Huyền Trang cũng đề xuất các cơ hội nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng giáo dục thông qua việc tận dụng những lợi thế mà xu thế toàn cầu hóa mang lại.
Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng Việt Nam Lê Viết Khuyến đánh giá hội thảo có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự thúc đẩy nhận thức và tư duy, hành động, đến quá trình phát triển biện chứng trong quá trình tự chủ đại học ở Việt Nam.
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng thống nhất đề xuất 4 nội dung, chủ đề hoạt động của câu lạc bộ trong năm 2025 là: Đào tạo nguồn nhân lực các lĩnh vực công nghệ cao ở Việt Nam; triển khai đào tạo STEM; ứng dụng AI trong giáo dục đại học; Xây dựng các tiêu chí độc lập của Câu lạc bộ, của Hiệp hội cho hoạt động kiểm định và đánh giá chất lượng các cơ sở giáo dục đại học cũng như các chương trình đào tạo bậc đại học, sau đại học ở Việt Nam trong bối cảnh AI và CMCN 4.0 phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ như hiện nay.
Nguồn: https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=10153