Do nhu cầu của thị trường chính Trung Quốc giảm nên xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam sang Trung Quốc cũng giảm theo.
Nhu cầu từ Trung Quốc chậm, xuất khẩu sắn giảm
Theo bản tin của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam giảm trong tháng đầu năm 2025 do nhu cầu của Trung Quốc vẫn chậm. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tháng 1/2025, Việt Nam xuất khẩu được 295.900 tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 99,33 triệu USD, giảm 1,3% về lượng và giảm 9,3% về trị giá so với tháng 12/2024; so với tháng 1/2024 giảm 29,6% về lượng và giảm 48,9% về trị giá.
Tính riêng mặt hàng sắn, trong tháng 1/2025, xuất khẩu sắn đạt 52.070 tấn, trị giá 10,39 triệu USD, tăng 34,2% về lượng và tăng 25% về trị giá so với tháng 12/2024. Giá sắn xuất khẩu bình quân ở mức 199,6 USD/tấn, giảm 6,9% so với tháng 12/2024 và giảm 22,5% so với tháng 1/2024.
Tháng 1/2025, giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn đạt mức 335,7 USD/tấn, giảm 8,1%so với tháng 12/2024 và giảm 27,4% so với tháng 1/2024.

Dây chuyền chế biến sắn của doanh nghiệp tỉnh Sơn La. Ảnh: Báo Sơn La.
Trong tháng 1/2025, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam, chiếm 95,17% về lượng và chiếm 93,31% về trị giá trong tổng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của cả nước, đạt 281.600 tấn, trị giá 92,69 triệu USD, giảm 0,9% về lượng và giảm 9,2% về trị giá tháng 12/2024.
Giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn sang thị trường này ở mức 329,2 USD/tấn, giảm 8,3% so với tháng 12/2024 và giảm 28% so với tháng 1/2024.
Đáng chú ý, trong tháng 1/2025, lượng sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu sang một số thị trường vẫn tăng trưởng tốt so với tháng 1/2024, trong đó đáng chú ý như: Nhật Bản tăng 231,8%; Philippines tăng 175%.
Cục Xuất nhập khẩu nhận định, nhu cầu sắn lát của của thị trường Trung Quốc vẫn tiếp tục xu hướng giảm và đã kéo dài từ năm 2023 đến nay phần lớn là do nhu cầu từ các nhà máy chế biến sắn của Trung Quốc giảm. Ngoài ra, giá ngô thấp đã khiến nhiều nhà máy thay thế sắn lát bằng ngô.
Do nhu cầu từ Trung Quốc giảm, lượng tồn kho nhiều nên đầu tháng 2/2025, các nhà máy chưa vội vàng chạy máy; trong khi nhu cầu tiêu thụ tinh bột sắn từ Trung Quốc vẫn ở mức thấp. Sau Rằm tháng Giêng, nhiều khu vực đã báo giá bán sắt lát tăng tại các đại lý/sân phơi, mức chào giá kỳ vọng tăng từ 100.000 – 200.000 đồng/tấn. Tuy nhiên, do đầu năm mới nên các đơn vị nhà máy thức ăn chăn nuôi trong nước, cũng như khách hàng Trung Quốc chưa đồng ý mức giá giao dịch tăng lên so với tuần trước Tết Nguyên đán.
Tại Tây Ninh, các nhà máy tinh bột sắn đã hoạt động trở lại sau kỳ nghỉ Tết. Tuy nhiên giao dịch mua bán tinh bột sắn vẫn chậm, chủ yếu tập trung vào việc hoàn tất giao hàng các hoạt động đã ký trước Tết Nguyên đán.
Theo Hiệp hội Sắn Việt Nam, giá sắn tươi tại các tỉnh miền Bắc tăng nhẹ so với cuối tháng trước, hiện giá thu mua dao động ở mức 1.550-1.900 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg so với cuối tháng trước. Trong khi đó, tại các tỉnh miền Trung, giá sắn tươi được thu mua ở mức 1.550-2.150 đồng/kg. Giá sắn tươi thu mua tại Kon Tum dao động ở mức 1.600-1.900 đồng/kg, ổn định so với cuối tháng trước.
Giá xuất khẩu sắt lát được giữ ổn định so với cuối tháng trước. Hiện giá xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc khoảng 210 USD/tấn FOB Quy Nhơn; trong khi giá xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc khoảng 275 USD/tấn FOB Quy Nhơn.
Trong khi đó, giá tinh bột sắn xuất khẩu cũng ổn định so với cuối tháng trước. Hiện các nhà máy Việt Nam đang chào bán tinh bột sắn với mức giá trong khoảng 400-410 USD/tấn FOB cảng TP.Hồ Chí Minh. Giá tinh bột sắn giao tại Móng Cái và Lạng Sơn dao động ở mức 2.950-3.070 CNY/tấn, ổn định so với cuối tháng trước.
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu sắn nhiều nhất thế giới
Hiện nay, Trung Quốc vẫn là một trong những thị trường nhập khẩu sắn và sản phẩm từ sắn lớn nhất thế giới. Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, năm 2024, Trung Quốc nhập khẩu trên 2,47 triệu tấn sắn lát, với trị giá 618,88 triệu USD, giảm 55,9% về lượng và giảm 60,1% về trị giá so với năm 2023. Thái Lan, Việt Nam, Lào, Campuchia là những thị trường cung cấp sắn lát chính cho Trung Quốc.
Mặc dù Trung Quốc giảm nhập khẩu sắn lát của Thái Lan, nhưng sắn lát Thái Lan vẫn chiếm thị phần lớn trong tổng nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc trong năm 2024. Năm 2024, Việt Nam là thị trường cung cấp sắn lát lớn thứ hai cho Trung Quốc với 411.590 tấn, trị giá 104,14 triệu USD, giảm 43,1% về lượng và giảm 47,5% về trị giá so với năm 2023, thị phần sắn lát của Việt Nam chiếm 16,65% về lượng và chiếm 16,83% về trị giá trong tổng nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc, cao hơn so với năm 2023.
Trong khi đó, Trung Quốc có xu hướng tăng nhập khẩu tinh bột sắn. Năm 2024, Trung Quốc nhập khẩu 3,83 triệu tấn tinh bột sắn, trị giá 1,92 tỷ USD, tăng 15,5% về lượng và tăng 12,7% về trị giá so với năm 2023, chủ yếu nhập khẩu từ Thái Lan, Việt Nam, Lào, Indonesia, Campuchia.
Trong đó, Thái Lan vẫn là thị trường lớn nhất cung cấp tinh bột sắn cho Trung Quốc với 1,81 triệu tấn, trị giá 943 triệu USD, giảm 5,4% về lượng và giảm 7,3% về trị giá so với năm 2023. Năm 2024, Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 cung cấp tinh bột sắn cho Trung Quốc, nhập khẩu tinh bột sắn từ Việt Nam lại tăng mạnh so với năm 2023, với 1,56 triệu tấn, trị giá 757,72 triệu USD, tăng 50,2% về lượng và tăng 46,2% về trị giá so với năm 2023.
Thị phần tinh bột sắn của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Trung Quốc chiếm 40,84% về lượng và chiếm 39,41% về trị giá.
Cục Xuất nhập khẩu nhận định, trong năm 2024 Trung Quốc có xu hướng tăng nhập khẩu tinh bột sắn từ Việt Nam, Lào và Campuchia. Tại thị trường Trung Quốc, sắn và tinh bột sắn của Việt Nam đang bị cạnh tranh mạnh với sắn và tinh bột sắn của Thái Lan, Indonensia, Lào và Campuchia.
Nguồn: https://danviet.vn/trung-quoc-dung-thu-hat-khac-de-thay-the-xuat-khau-mot-loai-tinh-bot-cua-viet-nam-sang-thi-truong-ty-dan-giam-2025022317473992.htm