Trong các địa phương thực hiện thí điểm mô hình đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh ở ĐBSCL (đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao), tỉnh Trà Vinh được đánh giá thành công nhất về vấn đề giảm phát thải, đặc biệt là Hợp tác xã nông nghiệp Phát Tài (xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành).
Trồng lúa giảm phát thải CO2 với chỉ số cao nhất
Trong vụ hè thu năm 2024, 2 mô hình thí điểm ở tỉnh Trà Vinh giảm phát thải trung bình 8,18 tấn CO2 tương đương/ha so với canh tác truyền thống ngoài mô hình. Đến vụ thu đông 2024, 2 mô hình giảm phát thải trung bình 5,75 tấn CO2 tương đương/ha so với ngoài mô hình.
![Bí quyết nào giúp hợp tác xã ở Trà Vinh dẫn đầu về trồng lúa giảm phát thải? - Ảnh 1.](https://cdn.vietnam.vn/wp-content/uploads/2025/02/Trong-lua-giam-phat-thai-o-Tra-Vinh-nong-dan.jpg)
Lãnh đạo Bộ NNPTNT kiểm tra mô hình thí điểm đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp của Hợp tác xã nông nghiệp Phát Tài. Ảnh: H.X
Riêng Hợp tác xã nông nghiệp Phát Tài (xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành) – 1 trong 2 hợp tác xã tham gia thí điểm của đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, trong vụ thu đông 2024 giảm 10.93 tấn CO2 tương đương/ha so với ngoài mô hình.
Kết quả tính toán trên có được phải dựa vào baseline – số liệu nền tảng để so sánh hiệu quả giảm phát thải. Được biết, baseline của các mô hình ở Trà Vinh đo được lên tới 10,88-16,65 tấn CO2 tương đương/ha.
Theo tính toán, 2 mô hình đã giúp giảm từ 20-30% lượng phát thải khí nhà kính so ngoài mô hình. Đây được xem là kết quả vượt trội so với các tỉnh, thành cùng tham gia thí điểm đề án.
Tính toán của Sở NNPTNT tỉnh Trà Vinh cho thấy, về năng suất của 2 mô hình thí điểm ở Trà Vinh cũng tăng đáng kể. Trong vụ hè thu 2024, năng suất trung bình đạt 64,5 tạ/ha, cao hơn ngoài mô hình 3 tạ/ha, tổng chi phí giảm 14%, lợi nhuận tăng 20%.
Đến vụ thu đông 2024, năng suất đạt 70,5 tạ/ha, chi phí giảm 10,6-15,8%, lợi nhuận cao hơn 13,6-14,8%. Hiện vụ đông xuân 2024-2025, 2 mô hình đang trong giai đoạn sản xuất.
Ngoài ra, 2 mô hình còn có hiệu quả trong việc góp phần bảo vệ môi trường, tiến tới xây dựng thương hiệu gạo giảm phát thải của tỉnh Trà Vinh, góp phần tăng giá trị ngành hàng lúa gạo của tỉnh Trà Vinh.
Đối với TP.Cần Thơ, đã triển khai được 2 vụ lúa thuộc đề án, nhưng do thiếu phần đánh giá baseline nên chưa tính được lượng giảm phát thải.
Các địa phương còn lại chỉ mới thu hoạch được 1 vụ lúa. Cụ thể, mô hình thí điểm ở Sóc Trăng giảm phát thải khoảng 7,04 CO2 tương đương/ha trong vụ hè thu 2024.
Mô hình thí điểm ở tỉnh Kiên Giang giảm phát thải khoảng 7,8 tấn CO2 tương đương/ha trong vụ thu đông 2024, mô hình thí điểm ở tỉnh Đồng Tháp giảm được 4,81 tấn CO2 tương đương/ha trong vụ thu đông 2024.
Giám đốc Hợp tác xã là nông dân Việt Nam xuất sắc
Hợp tác xã nông nghiệp Phát Tài có giám đốc là Trần Văn Chung (SN 1964, nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022). Tham gia thí điểm đề án 1 triệu ha, hợp tác xã của ông Chung có 48 thành viên tham gia, với tổng diện tích 48,4 ha.
![Bí quyết nào giúp hợp tác xã ở Trà Vinh dẫn đầu về trồng lúa giảm phát thải? - Ảnh 3.](https://cdn.vietnam.vn/wp-content/uploads/2025/02/1739602572_356_Trong-lua-giam-phat-thai-o-Tra-Vinh-nong-dan.jpg)
Ông Trần Văn Chung (thứ hai, từ trái sang) trao đổi với doanh nghiệp về thuốc sinh học sử dụng trong mô hình thí điểm đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Ảnh: H.X
Ông Chung cho biết, tham gia mô hình thí điểm, các thành viên hợp tác xã đều sử dụng lúa cấp xác nhận trở lên, sử dụng lượng giống từ 70-80 kg/ha. Trong quá trình sản xuất, áp dụng tốt quy trình ngập khô xen kẽ (hiện đất canh tác của hợp tác xã đều nằm trong đê bao tập trung, có cống điều tiết nước nên quy trình ngập khô xen kẽ dễ thực hiện), sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo hướng an toàn (đa số sử dụng phân bón hữu cơ).
Đặc biệt, khi thu hoạch, 100% lượng rơm trên đồng đều được đưa ra khỏi ruộng dùng làm thức ăn cho gia súc. Đây là công đoạn bắt buộc phải làm, không được vùi lại trong đất vì lí do gì, kể cả trong mùa mưa (một số mô hình thí điểm đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao gặp khó về vấn đề này – PV). Do vậy, vấn đề giảm phát thải được đánh giá cao.
Ngoài ra, hợp tác xã ký hợp đồng các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và hỗ trợ đầu ra nên chi phí đầu đã giảm theo quy trình, nay càng giảm thêm và người dân rất yên tâm sản xuất. Lợi nhuận của mô hình đạt từ 31-50 triệu đồng/ha/vụ, tăng thêm từ 16-20% so với ngoài mô hình (tương đương tăng 5,1-7,6 triệu đồng/ha/vụ).
Do hiệu quả mang lại như trên, trong năm 2025 này, theo ông Chung, hợp tác xã sẽ mở rộng diện tích mô hình lên 100ha.
Ông Chung nhấn mạnh, với cách làm trên, người dân luôn có thu nhập bền vững bởi chi phí giảm đáng kể, qua đó yên tâm sản xuất, góp phần tăng giá trị cho hạt gạo Việt.
Ông Lê Văn Đông – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Trà Vinh cho biết, Trà Vinh có thế mạnh là có tổng đàn bò tương đối lớn (gần 220.000 con), do đó, khi thu hoạch lúa, lượng rơm rạ được thu gom ra khởi đồng ruộng khá hiệu quả, khác với các địa phương khác khó xử lý về rơm.
Trong thời gian tới, ngoài 2 hợp tác xã đang tham gia thí điểm, Trà Vinh sẽ tiếp tục mở rộng mô hình đạt khoảng 1.550ha trong năm 2025, rồi sẽ làm đại trà, không còn mô hình nữa. Trong quá trình sản xuất, tổ khuyến nông cộng đồng tại 42 xã sẽ tham gia hỗ trợ đề án.
“Đây sẽ là cánh tay đắc lực hỗ trợ các hợp tác xã triển khai đề án trong năm 2025 và những năm tiếp theo” – ông Đông nói.
Trồng lúa giảm phát thải chắc chắn là hướng giúp nông dân bảo đảm sức khỏe, giảm chi phí, tăng thu nhập và là một trong những hướng giảm nghèo bền vững ở Trà Vinh nó riêng và khu vực ĐBSCL nói riêng.
Hợp tác xã nông nghiệp Phát Tài có diện tích canh tác liền mãnh 150 ha với 94 thành viên, vốn điều lệ 500 triệu đồng, tổng doanh thu 1,3 tỉ đồng, lợi nhuận 73,42 triệu đồng. Hiện hợp tác xã có trụ sở làm việc, 1 lò sấy, 1 máy giê, 1 nhà kho với diện tích gần 1.000m2 và 1 máy cày.
Nguồn: https://danviet.vn/trong-lua-giam-phat-thai-o-tra-vinh-nong-dan-khoe-hon-thu-nhap-tot-hon-nha-nao-trong-la-trung-20250204154053985.htm