Cây phát tài búp sen xuất hiện trên bàn thờ của nhiều nhà ngày Tết. Loại cây này được một nữ nông dân ở TP.HCM trồng hàng chục nghìn chậu, xuất bán sang Hàn Quốc, Thái Lan…
10 năm về trước, chị Nguyễn Thị Hồng Thanh (ngụ tại xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn, TP.HCM) biết đến cây phát tài búp sen qua người thân trong gia đình. Sau đó, chị có ý định trồng và kinh doanh dòng kiểng này.
Chị Thanh bắt đầu lên mạng tìm tòi, học thêm cách trồng, đồng thời nghiên cứu về cách kinh doanh cây phát tài. Sau khi có đủ kinh nghiêm, kiến thức về cây kiểng, chị đầu tư hơn 600 triệu đồng mua giống, thuê nhân công, đất với diện tích gần 10.000m2 tại tỉnh Long An để khởi nghiệp với phát tài búp sen. Nhờ có sự tìm hiểu, chịu học hỏi nên hầu như chị Thanh ít gặp khó khăn trong việc trồng phát tài.
Chị Nguyễn Thị Hồng Thanh thành công với mô hình trồng cây phát tài búp sen. Ảnh: Q.D
Theo chị Thanh, cây phát tài dễ trồng, phát triển nhanh, không đầu tư nhiều, ít sâu bệnh. Riêng cây phát tài búp sen càng dễ thích nghi hơn, cây khỏe, đề kháng bệnh tốt. Phát tài thích hợp sống dưới tán cây, ánh sáng tán xạ nên cần làm giàn cho cây; nếu trồng dưới bóng mát cây khác sẽ tiết kiệm diện tích che lưới.
Cũng theo chị Thanh, nên bón phân cho cây 1-2 lần/tháng bằng phân bón hữu cơ hoặc phân bón chuyên dụng cho cây cảnh. Thường xuyên tỉa bỏ lá vàng, lá già để kích thích cây ra lá mới và giữ cho cây luôn xanh tốt. Trung bình từ 3-6 tháng, chị Thanh lại thu hoạch phát tài búp sen.
Chị Thanh còn trồng thêm cây giống sầu riêng, cây hạnh phúc… để kiếm thêm thu nhập. Nhờ sự tận tâm và kỹ thuật chăm sóc chuyên nghiệp, cây của chị luôn xanh tốt và được thị trường ưa chuộng. Ban đầu, chị chỉ bán cây cho những người quen, nhưng dần dần, khách hàng tìm đến chị ngày càng nhiều.
Đến nay vườn của chị Thanh đạt 5ha, trồng trên 10.000 chậu kiểng lá, lợi nhuận thu được bình quân 500 triệu đồng/năm. Thị trường tiêu thụ trong nước ổn định, chị Thanh đầu tư xuất sang thị trường Hàn Quốc, Thái Lan… cho thu nhập cao.
Không chỉ dừng lại ở việc bán cây, chị Thanh còn hướng dẫn chăm sóc cây kiểng, chia sẻ kinh nghiệm và bí quyết của mình với những người có cùng đam mê. Điều này không chỉ giúp chị mở rộng mạng lưới khách hàng mà còn tạo ra một cộng đồng yêu cây cảnh gắn kết. Chị còn tích cực tham gia vào các hội chợ, sự kiện nông sản hoặc các diễn đàn liên quan để mở rộng mạng lưới kinh doanh và tìm kiếm cơ hội hợp tác.
Điều này không chỉ giúp tăng cường nhận diện thương hiệu mà còn tạo cơ hội để học hỏi kinh nghiệm từ các doanh nghiệp khác. Việc hợp tác với các cửa hàng bán lẻ, nhà hàng hoặc khách sạn cũng có thể giúp đưa sản phẩm đến với nhiều người tiêu dùng hơn. Hiện nay, ngoài các tiểu thương lấy về bán sỉ, lẻ thì có nhiều người đặt mua cây phát tài để trang trí nội thất và làm quà tặng…
Để đáp ứng nhu cầu thị trường, chị Thanh đã thuê gần 10 nhân công, trong đó có toàn thời gian và cộng tác viên. Nhờ thế, một số hộ dân nhàn rỗi tại địa phương có thêm thu nhập.
Điển hình chị Nguyễn Thị Thanh Xuân đã gần 9 năm làm nhân công toàn thời gian cho chị Thanh. Tại đây, chị Xuân chăm sóc, tỉa, rửa và đóng gói cho phát tài.
Theo chị Nguyễn Thị Thanh Thúy – Chủ tịch Hội nông dân xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn, TP.HCM, chị Thanh là một nông dân cần cù, chịu khó, luôn tìm hiểu kiến thức để phát triển ngành nông nghiệp. Nhờ vậy, trong 4 năm liền (2021-2024) chị Thanh được vinh danh Nông dân sản xuất giỏi cấp Thành phố.
Nguồn: https://danviet.vn/trong-cay-phat-tai-bup-sen-nu-nong-dan-ban-sang-ca-nuoc-ngoai-2025012609532362.htm