Cây cà na là loại mọc hoang dại hoặc được trồng ven sông rạch ở ĐBSCL, ít hiệu quả kinh tế, chế biến thành món ăn vặt.Tuy nhiên, loại cây dại này đã giúp anh anh Ngô Tuấn Thanh ở phường 7, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng có thu nhập 100 triệu đồng/tháng, tạo việc làm thu nhập tốt hơn cho nông dân
Loại trái cây mọc dại trở thành một đặc sản cà na muối chua ngọt
Cây cà na trước đây mọc hoang dại, nhưng sau này được người dân nhiều địa phương ở ĐBSCL trồng ven sông rạch.
Khi trái cà na già, được thu hoạch để chế biến thành món ăn vặt chua ngọt rất đặc trưng như cà na ngào đường (một số nơi gọi là mức cà na), cà na ngâm muối ớt.

Cà na tách hạt của anh Ngô Tuấn Thanh ở phường 7, TP.Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: H.X
Món ăn vặt bình dân gắn liền với tuổi thơ nhiều người nói trên hòa quyện giữa vị chua, ngọt, mặn, cay rất hấp dẫn, không còn vị chát khi chưa biến, nếu có cũng là chát nhẹ.
Tuy nhiên, do trồng không tập trung, số lượng ít nên người dân thường chỉ chế biến các món ăn để dùng trong gia đình, nếu có bán cũng số lượng ít và thời gian bảo quản không lâu.
Đối với trường hợp của anh Ngô Tuấn Thanh ở phường 7, TP.Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng thì khác, nhờ loại cây này mà sau khi trừ chi phí, anh lãi khoảng 100 triệu đồng chỉ trong 1 tháng.

Món quà vặt được cho là rẻ tiền của ĐBSCL trở thành một đặc sản được đông đảo người tiêu dùng biết đến. Ảnh: H.X
Chia sẻ với phóng viên về cách làm của mình, anh Thanh cho hay, bản thân không học chuyên ngành về nông nghiệp, nhưng có niềm đam mê về cây ăn trái, muốn biến một món quà vặt được cho là rẻ tiền của ĐBSCL trở thành một đặc sản được đông đảo người tiêu dùng biết đến, với chất lượng cao nhất.
Từ năm 2020, anh đã bắt đầu làm cà na muối chua ngọt để bán khi vườn cà na của gia đình cho trái rộ. Được biết, lúc này do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên đa phần việc tiêu thụ cà na gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Ngoài vườn (hơn 120 cây cà na được trồng trên diện tích khoảng 7.000 m2), trái rụng rất nhiều.

Vườn cà na 7.000 m2 của anh Ngô Tuấn Thanh. Ảnh: H.X
Để làm được cà na muối chua ngọt, anh đã mạnh dạn bỏ ra hàng trăm triệu đồng để đầu tư máy móc để có sản phẩm ngon, bảo quản được lâu mà không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm cũng như bỏ ra nhiều công sức nghiên cứu thị trường.
“Nhận thấy nhu cầu khách hàng đối với sản phẩm của mình là rất cao. Tôi đã bỏ ra hàng trăm triệu để mua thiết bị, máy móc để tạo ra sản phẩm cà na bảo quản được lâu mà chất lượng không bị ảnh hưởng” – ông Thanh nói.
Tuy nhiên, thời gian đầu, khi đưa ra thị trường trong tỉnh, số lượng sản phẩm tiêu thụ không như mong muốn do giá bán cao (chi phí chế biến cao hơn cách làm truyền thống).
Để khắc phục khó khăn trước mắt, nhận thấy không thể cạnh tranh về giá, anh Thanh dùng mạng xã hội đã quảng bá sản phẩm và mạnh dạn mở cửa hàng giới thiệu sản phẩm ở TP.Cần Thơ. Nhờ kiên trì, từ vài hộp cà na chua muối ngọt được bán mỗi tháng, anh Thanh nâng lên được từ 50-100 hộp. Từ đó, tạo động lực để anh tiếp tục nâng cao chất lượng và số lượng sản phẩm.
Áp dụng khoa học kỹ thuật để tạo ra sản phẩm độc quyền là cà na tách hạt
Vui mừng về thành quả ban đầu, anh Thanh tiếp tục cải tiến sản phẩm để khách hàng có trải nghiệm ưng ý nhất có thể bằng cách nghiên cứu ra cách tách hạt. Để làm được cà na tách hạt, anh mất hơn 2 năm để thực hiện.

Cây cà na đã giúp anh anh Ngô Tuấn Thanh ở phường 7, TP.Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng có thu nhập 100 triệu đồng/tháng. Ảnh: H.X
Anh Thanh nói: “Cà na tách hạt phải làm bằng máy. Để làm được máy này, tôi phải cải tiến qua nhiều phiên bản, thất bại nhiều lần, phải nhờ kỹ sư làm mới được”.
Theo anh Thanh, ban đầu, anh làm dụng cụ tách hạt khá thô sơ, khiến nhân công mất nhiều thời gian sơ chế. Đối với máy tách hạt hiện nay, đã khắc phục được nhược điểm trên, trái cà na làm ra có mẫu mã đẹp hơn. Đây là máy tách hạt cà na đầu tiên trên thị trường, giúp anh làm ra sản phẩm độc quyền.
Giới thiệu về quy trình kỹ thuật, anh cho hay, trái cà na tươi (vừa thu hoạch, ướp đá không quá 6 tiếng) khi đến xưởng của gia đình được đưa vào máy tách hạt, sau đó rửa, ướp đường, muối và trữ đông. Bằng cách làm này, cà na muối tách hạt có màu xanh đẹp mắt, vẫn được vị chua, ngọt quen thuộc và không chát.

Cà na tách hạt bảo quản được lâu. Ảnh: HX

Anh Ngô Tuấn Thanh đang nghiên cứu để làm đồ mỹ nghệ từ hạt cà na – Phế phần khi làm cà na tách hạt. Ảnh: H.X
Khi có người đặt hàng, anh Thanh mới tiến hành đóng gói sản phẩm và gửi đi nhanh trong ngày. Được biết, sản phẩm để trong ngăn mát bảo quản được hơn một tháng, còn trữ đông có thể lên đến 12 tháng.
Trong quá trình chế biến, cà na phải qua quá trình loại bỏ thuốc trừ sâu dù đây là loại cây trồng hoàn toàn ngoài tự nhiên với sức sống mạnh, không can thiệp thuốc bảo vệ thực vật, nhằm đảm bảo sản phẩm đến tay người tiêu dùng phải là loại tốt nhất.
Hiện cà na tách hạt được bán đi khắp nơi trên cả nước, với hơn 2 tấn/tháng. Với giá bán từ 80.000-90.000 đồng/ hộp 500gram, mỗi tháng anh lời khoảng 100 triệu đồng.
Anh Thanh đang tìm cách đẩy mạnh thị trường khu vực miền Bắc và Trung. Ngoài sản phẩm trên, anh còn làm cà na sấy, chùm ruột tách hạt. Đồng thời, đang nghiên cứu để làm đồ mỹ nghệ từ hạt cà na.
Theo y học cổ truyền, cà na có tác dụng thanh nhiệt giải độc, hỗ trợ điều trị chứng mất ngủ, ho, cân bằng cholesterol…Với cách làm trên của anh Thanh đã giúp loại trái rẻ tiền trở thành một đặc sản có thương hiệu, góp phần quảng bá ẩm thực của vùng sông nước đến với đông đảo thực khách trong và ngoài nước.
Nguồn: https://danviet.vn/trong-cay-ca-na-ra-qua-dai-bien-thanh-dac-san-soc-trang-lang-tren-xom-duoi-co-viec-thu-nhap-tot-20250219084045433.htm