(TN&MT) – Qua thảo luận, đa số đại biểu Quốc hội nhất trí với phạm vi sửa đổi và đóng góp hoàn thiện các quy định liên quan đến việc phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa chính quyền địa phương các cấp; nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương.
Sáng 15/2, tiếp tục Kỳ họp bất thường lần thứ 9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức Chính quyền địa phương (sửa đổi). Qua thảo luận, đa số đại biểu nhất trí với phạm vi sửa đổi và đóng góp hoàn thiện các quy định liên quan đến việc phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa chính quyền địa phương các cấp; nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương.
![202502150818335964_z6318952268527_0430a626d3800ef8d2eb99e7423dbd00.jpg](https://cdn.vietnam.vn/wp-content/uploads/2025/02/Trao-quyen-thuc-chat-gan-voi-tang-cuong-kiem-soat.jpg)
Trước khi thảo luận tại hội trường, sáng 13/2, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ về dự án Luật Tổ chức Chính quyền địa phương (sửa đổi), với 129 đại biểu cho ý kiến. Các ý kiến cơ bản nhất trí cao với sự cần thiết, phạm vi sửa đổi cũng như nhiều nội dung trọng tâm của dự thảo luật; đồng thời đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến đảm bảo tính đồng bộ của luật với hệ thống pháp luật.
Trao quyền thực chất cho địa phương
Góp ý hoàn thiện quy định về phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa chính quyền địa phương các cấp, các ý kiến cho rằng, việc tiếp tục hoàn thiện các quy định về phân cấp, ủy quyền cho chính quyền địa phương, nhằm cụ thể hóa chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp theo tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm” là cần thiết. Tuy nhiên, tiếp tục rà soát để bảo đảm sự thống nhất giữa quy định của dự thảo Luật với quy định có liên quan trong dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).
![202502150821411446_z6318965171305_4031cd885e7e9b4496b792ebd8bab4b8.jpg](https://cdn.vietnam.vn/wp-content/uploads/2025/02/1739622795_335_Trao-quyen-thuc-chat-gan-voi-tang-cuong-kiem-soat.jpg)
Đại biểu Nguyễn Duy Minh – Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng đề nghị bổ sung quyền hạn, trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp theo hướng: Tăng trách nhiệm, quyền hạn để Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp được quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp mình, các vấn đề Ủy ban nhân dân thảo luận tập thể và quyết định theo đa số, trừ các vấn đề phải thông qua cơ quan quyền lực nhà nước cùng cấp và đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ. Đồng thời, quy định cụ thể hơn nữa cơ chế giám sát giải trình trách nhiệm thông qua chế độ báo cáo tại phiên họp gần nhất của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và báo cáo cơ quan hành chính cấp trên có thẩm quyền quản lý khi được yêu cầu.
“Khi được trao quyền thực chất như vậy, hoạt động quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân các cấp được xử lý nhanh chóng, kịp thời, theo kịp thực tiễn và yêu cầu của người dân, doanh nghiệp và xã hội”, đại biểu Nguyễn Duy Minh nêu quan điểm.
![202502150913406775_z6319106816707_ce6502953d055f7a52c0336251a3f5e7.jpg](https://cdn.vietnam.vn/wp-content/uploads/2025/02/1739622796_990_Trao-quyen-thuc-chat-gan-voi-tang-cuong-kiem-soat.jpg)
Do dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương được thiết kế theo tư duy “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm” và “phân cấp phân quyền mạnh mẽ để khơi thông các nguồn lực phát triển đất nước”. Vì vậy, đại biểu cho rằng, nếu nội dung Luật này thiếu những thiết chế, cơ chế kiểm soát quyền lực có hiệu lực, hiệu quả khi chính quyền địa phương được phân cấp phân quyền mạnh mẽ thì có thể xảy ra các trường hợp tiêu cực,.. Đại biểu đề nghị cần bổ sung vào Điều 4 của dự thảo Luật về nguyên tắc “tăng cường kiểm soát quyền lực khi được phân cấp, phân quyền, uỷ quyền”.
Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị quy định cụ thể về nguyên tắc, cách thức phân cấp, hình thức thực hiện và các điều kiện bảo đảm phù hợp với yêu cầu cải cách, đổi mới mạnh mẽ, bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm.
Đổi mới mạnh mẽ mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở đô thị
Về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương (Chương V), một số đại biểu nêu thực tế, sau khi sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019, các địa phương như Thành phố Đà nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và mới đây là Thành phố Hải phòng đã được Quốc hội cho phép thực hiện Chính quyền đô thị. Qua đánh giá, các nơi này đã triển khai thực hiện và mang lại kết quả tốt.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh, trong điều kiện hiện nay, chúng ta đang thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy, tổ chức chính quyền địa phương cũng cần phải được thiết kế lại phù hợp với đặc điểm của đô thị và đặc điểm của nông thôn. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần đổi mới mạnh mẽ tổ chức chính quyền địa phương ở đô thị để thúc đẩy sự phát triển kinh tế.
![202502150831529168_z6318990343598_61a69ab22829bec2bafc0a313251ff95.jpg](https://cdn.vietnam.vn/wp-content/uploads/2025/02/1739622797_647_Trao-quyen-thuc-chat-gan-voi-tang-cuong-kiem-soat.jpg)
Cùng quan điểm trên, đại biểu Trần Quốc Tuấn – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho rằng cần xem xét thận trọng để có thể thiết kế lại cho phù hợp với đặc điểm của khu vực đô thị và đặc điểm của khu vực nông thôn. Điều này cũng hoàn toàn không trái với Hiến pháp.
Để Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi, sau khi được ban hành có tuổi thọ cao, đại biểu Trần Quốc Tuấn đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, trong khi chưa thể đổi mới được Tổ chức chính quyền địa phương ở nông thôn, cần mạnh mẽ đổi mới tổ chức chính quyền địa phương ở đô thị giống như các địa phương đã và đang thí điểm hiệu quả, đây sẽ là cơ sở thực hiện tốt cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy hiện nay, tạo động lực thúc đẩy phát triển đất nước.
Một số ý kiến cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục tổng kết, đánh giá một cách toàn diện việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại các địa phương đã tổ chức thí điểm, trên cơ sở đó đề xuất mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp để thực hiện một cách tổng thể, đồng bộ, thống nhất trên phạm vi cả nước.
Quy định rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân
Về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tại Điều 16 của dự thảo luật đã bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn mới của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh liên quan đến thu hồi, bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung một phần hoặc toàn bộ văn bản do mình ban hành khi xét thấy không còn phù hợp hoặc trái luật. Một số ý kiến đề nghị quy định rõ hơn trường hợp khi xét thấy không còn phù hợp để làm căn cứ tổ chức thực hiện, tránh tùy nghi trong quá trình triển khai và ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác; đồng thời có cơ sở xem xét trách nhiệm với các trường hợp ban hành văn bản trái pháp luật.
![202502150913406306_z6319083354026_01ff53970d91e971548b14548eb99e5e.jpg](https://cdn.vietnam.vn/wp-content/uploads/2025/02/1739622798_172_Trao-quyen-thuc-chat-gan-voi-tang-cuong-kiem-soat.jpg)
Đại biểu Cầm Thị Mẫn – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa nêu rõ, Hiến pháp đã quy định rõ Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, Ủy ban nhân dân là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương – là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân. Đại biểu băn khoăn về quy định cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương được phân cấp cho cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương; tập thể Ủy ban nhân dân phân cấp cho cá nhân Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp dưới như quy định tại khoản 1, Điều 14; đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định rõ hơn về vị trí, chức năng của từng chủ thể.
Về thôi làm nhiệm vụ đại biểu, tạm đình chỉ, bãi nhiệm và mất quyền đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu Phạm Thị Kiều – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho biết, điểm b khoản 1 Điều 35 dự thảo Luật quy định Hội đồng xem xét, quyết định thôi làm nhiệm vụ đối với đại biểu Hội đồng nhân dân trong trường hợp: “Theo đề nghị của đại biểu Hội đồng nhân dân vì lý do sức khỏe hoặc vì lý do khác”. Đại biểu đề nghị bổ sung cụm từ “chính đáng” vào nội dung trên như sau: “Theo đề nghị của đại biểu Hội đồng nhân dân vì lý do sức khỏe hoặc vì lý do chính đáng khác”. Quy định như vậy để tránh sự tùy nghi cá nhân, chủ nghĩa cá nhân ảnh hưởng đến hoạt động chung của tổ chức, đề phòng trường hợp vì lợi ích nhóm mà một nhóm đại biểu xin thôi làm nhiệm vụ.
![202502150831529012_z6318988570385_9043f5965f5747dc14604a71a57e37e4.jpg](https://cdn.vietnam.vn/wp-content/uploads/2025/02/1739622799_573_Trao-quyen-thuc-chat-gan-voi-tang-cuong-kiem-soat.jpg)
Cũng quan tâm đến các quy định liên quan đến nhiệm vụ quyền hạn của các thành viên Thường trực Hội đồng nhân dân (Điều 29) của dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, dự thảo luật quy định rất rõ, chi tiết một số trường hợp khuyết Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Tuy nhiên, còn một số trường hợp chưa đươc quy định.
Đại biểu đề nghị bổ sung: Trường hợp Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện bị xử lý kỷ luật và thuộc trường hợp phải đề nghị miễn nhiệm, bãi nhiệm thì Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp giao cho Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng nhân dân cho đến khi bầu được Chủ tịch Hội đồng nhân dân mới.
Trong trường hợp khuyết Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội (đối với hội đồng nhân dân cấp tỉnh) và Thường trực Hội đồng dân cấp tỉnh (đối với hội đồng nhân dân cấp huyện) chỉ định người điều hành Hội đồng nhân dân trong số đại biểu Hội đồng nhân dân thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng nhân dân cho đến khi bầu được Chủ tịch Hội đồng nhân dân mới. Trường hợp Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, huyện, xã chuyển công tác và phải thực hiện quy trình miễn nhiệm, đồng thời bầu Chủ tịch Hội đồng nhân dân mới thì thực hiện quy trình như việc miễn nhiệm, bãi nhiệm khi Chủ tịch Hội đồng nhân dân bị xử lý kỷ luật.
Ngoài ra, một số đại biểu quan tâm đến quan hệ công tác giữa chính quyền địa phương với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội ở địa phương trong dự thảo luật chưa hoàn chỉnh, chưa rõ ràng về nội dung và ngữ nghĩa.
![202502150941422724_z6319208173950_d57e4e2ecf01eb7914cde4c3bc475da3.jpg](https://cdn.vietnam.vn/wp-content/uploads/2025/02/1739622800_565_Trao-quyen-thuc-chat-gan-voi-tang-cuong-kiem-soat.jpg)
Tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã phát biểu giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm liên quan đến quan điểm sửa đổi luật; nguyên tắc phân cấp, phân quyền, ủy quyền; cơ chế khuyến khích cho chính quyền địa phương đề nghị phân cấp; mô hình tổ chức chính quyền đô thị; nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân…
![150220251029-z6319257748909_e6d7b8caf2906953763e8f57edb4de30.jpg](https://cdn.vietnam.vn/wp-content/uploads/2025/02/1739622801_867_Trao-quyen-thuc-chat-gan-voi-tang-cuong-kiem-soat.jpg)
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, qua thảo luận dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) có 19 lượt đại biểu phát biểu, không khí thảo luận sôi nổi, tâm huyết, trách nhiệm, thẳng thắn, trên tinh thần đổi mới. Các đại biểu đề cập nhiều nội dung liên quan đến quy định về phân cấp, phân quyền, ủy quyền; làm rõ trách nhiệm cá nhân để nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế – xã hội. Một trong những yêu cầu rất quan trọng là thúc đẩy phát triển đất nước, nhưng phân cấp, phân quyền phải gắn với cải cách thủ tục hành chính phù hợp với nội dung được phân cấp, phân quyền và khác với thủ tục hành chính trước khi được phân cấp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng cho biết, qua thảo luận, hầu hết các ý kiến thảo luận đều thể hiện tư duy đổi mới mạnh mẽ, ủng hộ đổi mới, ủng hộ quyết tâm đưa đất nước phát triển trong giai đoạn mới, với những nội dung và giải pháp mạnh mẽ. Sau phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ, các cơ quan có liên quan tiếp thu nghiêm túc, giải trình đầy đủ ý kiến của đại biểu, hoàn thiện dự thảo luật đảm bảo chất lượng cao nhất trước khi trình Quốc hội thông qua.
Nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/sua-doi-luat-to-chuc-chinh-quyen-dia-phuong-trao-quyen-thuc-chat-gan-voi-tang-cuong-kiem-soat-quyen-luc-386653.html