Ngày 18-5, Ban Quản lý Khu công nghệ cao TPHCM tổ chức vòng thi chung kết và trao giải “Cuộc thi Thiết kế vi mạch cho đô thị thông minh lần 1”, qua đó nhằm ươm mầm các ý tưởng sáng tạo, góp phần thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn của thành phố. Đây cũng là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày Khoa học Công nghệ Việt Nam.
Cuộc thi được phát động vào tháng 11-2023, với mục tiêu tìm kiếm các sản phẩm, giải pháp, các ý tưởng thiết kế vi mạch để giải quyết các bài toán trong bối cảnh thành phố đang tập trung đầu tư phát triển, xây dựng đô thị thông minh. Theo đó, công nghiệp vi mạch đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với cuộc cách mạng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tri thức, góp phần đưa nền kinh tế TPHCM và Việt Nam phát triển, tăng trưởng theo chiều sâu, bền vững.
Sau 6 tháng, ban tổ chức nhận được tổng cộng 39 dự án tham gia cuộc thi, trải qua vòng thi sơ loại, có 5 dự án xuất sắc lọt vào vòng chung kết, đáp ứng đủ 3 tiêu chí như: Có tính đổi mới sáng tạo, tính hiệu quả và khả năng ươm tạo phát triển. Một số dự án có những ý tưởng thiết kế vi mạch khá mới mẻ, được các chuyên gia, doanh nghiệp vi mạch đánh giá cao về tiềm năng ứng dụng vào thực tiễn, thương mại hóa ra thị trường và đăng ký văn bằng sở hữu trí tuệ.
Ban tổ chức đã trao giải nhất cho dự án: Thiết kế chip Analog Front-end nhiễu thấp tái cấu hình ứng dụng thu nhận tín hiệu từ cảm biến trên công nghệ CMOS 180nm (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên).
Giải nhì thuộc về dự án: Thiết kế phần cứng khử sương mù trong hình ảnh của camera thông minh (Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM).
Giải ba thuộc về dự án: Thiết kế mạch SAR ADC hiệu suất cao ứng dụng chuyển đổi số tín hiệu từ cảm biến cho hệ thống IoT (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên).
Ngoài ra, ban giám khảo trao thêm 4 giải khuyến khích và 6 giải triển vọng cho một số nhóm dự án được đánh giá cao về khả năng ứng dụng, phát triển trong tương lai. Các dự án lọt vào vòng chung kết sẽ nhận được tổng giải thưởng hơn 100 triệu đồng, được đào tạo chuyên sâu, ươm tạo bởi các chuyên gia tại Khu Công nghệ cao TPHCM.
Tiếp nối sự thành công của cuộc thi lần thứ nhất, Ban Quản lý Khu công nghệ cao TPHCM đã phát động “Cuộc thi Thiết kế vi mạch lần 2” với chủ đề liên quan đến tiến trình phát triển khoa học – công nghệ quốc gia theo định hướng tăng trưởng xanh, hướng tới nền kinh tế xanh, bền vững.
Đại diện Khu Công nghệ cao TPHCM cho biết, đơn vị xác định hoạt động đào tạo ngành vi mạch bán dẫn là một trong những hoạt động trọng tâm, hướng đến hiện thực hóa mục tiêu phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn của thành phố. Do đó, việc tổ chức các chương trình để tìm kiếm, khai phá năng lực về vi mạch bán dẫn của thế hệ trí thức trẻ là hoạt động quan trọng và sẽ được tổ chức thường niên hàng năm.
Theo ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao TPHCM, ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn tại TPHCM được định hướng trở nền tảng cho sự phát triển chung và thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của thành phố. Ông tin rằng, thành phố sẽ phát triển trung tâm vi mạch bán dẫn trở thành trung tâm công nghệ đổi mới sáng tạo, không chỉ trong quốc gia mà còn phát triển ở khu vực và quốc tế.
Chủ đề dành cho cuộc thi là “Thành phố xanh” với mục tiêu tìm kiếm các giải pháp để giải quyết các bài toán cho đô thị thông minh, đồng thời mở rộng ngành công nghệ bán dẫn theo hướng bền vững, không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường.
Cùng ngày, Thành Đoàn TPHCM khai mạc chương trình “Liên hoan Tuổi trẻ Sáng tạo TPHCM” lần thứ 15 năm 2024. Liên hoan năm nay thu hút 30 gian hàng với hơn 300 mô hình, những sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo của cộng đồng tri thức trẻ ở nhiều lĩnh vực cùng tham gia triển lãm. Trong ngày 18 và 19-5, tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, liên hoan tổ chức các giải thưởng, cuộc thi, hội thảo khoa học và 30 hoạt động khoa học sáng tạo hấp dẫn dành cho học sinh, sinh viên trên toàn thành phố tham gia.
BÙI TUẤN
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/trao-giai-cuoc-thi-thiet-ke-vi-mach-cho-do-thi-thong-minh-lan-1-post740483.html