Lâu nay, tình trạng dạy thêm, học thêm diễn ra tràn lan và ngày càng tiêu cực, khó kiểm soát. Môi trường học đường bị tác động méo mó, làm ảnh hưởng bản chất nhân văn cao cả của giáo dục. Thông tư 29/2024 của Bộ Giáo dục Đào tạo (GDĐT) siết dạy thêm, học thêm như một luồng gió mới, với kỳ vọng lấy lại môi trường học tập lành mạnh.
Điểm mới, tích cực của Thông tư 29 là dạy thêm, học thêm sẽ không còn tràn lan. Đối tượng được phép học thêm được thu hẹp và chỉ còn 3 nhóm là: Phụ đạo cho học sinh không đạt chuẩn của chương trình chính khóa; bồi dưỡng học sinh giỏi; những học sinh tự nguyện tham gia ôn tập thi cuối cấp; dạy thêm, học thêm sẽ hạn chế tiêu cực: Tổ chức dạy thêm, học thêm nhưng không thu tiền người học là quy định quan trọng, khiến quan hệ thầy trò sẽ trở lại trong sáng hơn, thân thiện hơn. Đồng tiền là điều kiện dễ làm thay đổi nhà trường thành “thương trường”, khi ấy quan hệ giáo viên và học sinh trở thành “người mua kẻ bán”. Kéo theo, xã hội sẽ nhìn vào nhà trường với góc khác, góc của những tiêu cực, mặt trái trong dạy thêm, học thêm.
Những giáo viên dạy giỏi và tài năng được phụ huynh, học sinh mến mộ vẫn được phép dạy thêm ở các cơ sở dạy thêm, học thêm, nơi có nguyên tắc “thuận mua, vừa bán”. Dạy học chính khóa được tổ chức, cống hiến ngay tại trường, dạy thêm là dạy học ngoài chính khóa sẽ được người dạy hành nghề, nhằm tăng thu nhập cho bản thân, tại các cơ sở dạy thêm, học thêm. Rõ ràng Thông tư 29 không cấm dạy thêm, học thêm, chỉ cấm hoạt động dạy thêm không đúng quy định. Nghĩa là Thông tư 29 vẫn tạo điều kiện cho người dạy, người học và trong đó đã quy định rõ ràng hơn, công bằng hơn cho mỗi giáo viên, mỗi học sinh và cho tất cả các nhà trường khi triển khai dạy thêm, học thêm.
Dẫu thế, vẫn còn những băn khoăn khi thực hiện Thông tư 29. Đây là một quy định mang tính pháp quy “thay cũ đổi mới”, tất sẽ nhiều người chưa quen, nên người không đồng tình và có cả người phản đối, đó là việc bình thường. Chúng ta cần bình tĩnh, lắng nghe và điều chỉnh kịp thời để Thông tư sớm hòa nhập và thân thiện trong đời sống thường nhật học đường.
Có thể nói, những năm gần đây sức “nóng” của dạy thêm, học thêm gây bất bình trong dư luận. Dạy thêm, học thêm là nguyện vọng chính đáng của người dạy và người học, nhưng dạy thêm, học thêm là phải hỗ trợ cho dạy học chính khóa, tức là nâng chất lượng cho dạy học phát triển năng lực học sinh, mà không phải theo kiểu cũ là tăng cường kiến thức sách vở cho người học. Đạo đức nhà giáo không cho phép người thày ép học sinh đi học thêm, bằng nhiều cách tế nhị, nhằm tăng nguồn thu cho bản thân. Dẫn đến có giáo viên thu nhập dạy thêm hàng tháng cao hơn lương của nhà nước chi trả. Cá biệt có trường học dạy thêm, học thêm đồng loạt, Ban giám hiệu nhà trường đứng ra tổ chức quy củ, không khác dạy học theo chương trình chính khóa. Sự biến tướng và dựa vào sự thỏa thuận với cha mẹ học sinh để hợp lý hóa thu tiền người học, phí thu về hàng năm chắc chắn không nhỏ.
Yêu cầu đặt ra lúc này là thực hiện Thông tư 29 cần đồng bộ, tránh làm khó cho các cơ sở giáo dục. Trước hết cần giải thích kỹ lưỡng, rõ ràng trong cộng đồng trường học, trong học sinh và cha mẹ các em: Giáo viên và học sinh có quyền được đăng ký dạy và học tại cơ sở ngoài nhà trường. Nội dung dạy thêm, học thêm đã được cơ quan giáo dục có thẩm quyền phê duyệt.
Nhiều chuyên gia cùng có chung ý kiến rằng, cần thay đổi hệ thống thi cử, xác định lại mục đích thi học sinh giỏi và chuyển đổi hệ thống trường chuyên sẽ làm hạn chế dạy thêm, học thêm và dần dẫn đến dạy thêm, học thêm sẽ tự mất đi. Các nước có nền giáo dục phát triển xác định dạy thêm, học thêm không nhằm tăng cường kiến thức học thuật chuyên sâu, nếu có dạy thêm chỉ là phụ đạo không thu tiền cho học sinh chưa đạt yêu cần tối thiểu của chương trình chính khóa.
Nguồn: https://daidoanket.vn/tra-lai-moi-truong-giao-duc-lanh-manh-10299890.html