PV: Xin ông cho biết BĐKH và mặt trái của phát triển kinh tế – xã hội… đã ảnh tác động như thế nào đối với tài nguyên nước trên địa bàn thành phố?
Ông Phạm Nam Huân:
Nguồn tài nguyên nước mặt, nước dưới đất trên địa bàn TP. Cần Thơ đã và đang chịu nhiều tác động từ BĐKH và các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội. TP. Cần Thơ với cấu trúc địa tầng yếu, cao trình thấp, khi lũ lụt từ thượng nguồn đổ về hoặc nước biển dâng cao dẫn đến tình trạng dễ bị tổn thương gây ngập lụt, sụt lún đất và ô nhiễm nguồn nước. Đáng lưu ý, trước đây, TP. Cần Thơ hầu như không bị tác động bởi xâm nhập mặn do cách biển Đông hơn 70km.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nước mặn từ biển Đông đã xâm nhập vào địa bàn nơi giáp ranh với tỉnh Hậu Giang, gây ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước một số tuyến sông, kênh rạch. Không chỉ thế, quá trình đô thị hóa, phát triển nông nghiệp, công nghiệp cũng đang làm cho chất lượng nguồn nước tại một số thời điểm, khu vực trên địa bàn thành phố bị suy giảm, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt, sản xuất của người dân địa phương.
Đứng trước những thách thức trên, để bảo vệ nguồn tài nguyên nước, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững của địa phương, TP. Cần Thơ luôn chú trọng, đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nước, đặc biệt là nguồn nước dưới đất, tránh làm suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, vốn được xem là tài nguyên quý giá để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và đời sống sinh hoạt của người dân.
PV: Ông có thể chia sẻ cụ thể một số giải pháp mà thành phố đang triển khai để nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác nguồn tài nguyên nước?
Ông Phạm Nam Huân:
Công tác cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn thành phố luôn được thực hiện đúng theo quy định của Luật Tài nguyên nước và các văn bản hướng dẫn thi hành. TP. Cần Thơ còn áp dụng biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất bằng việc “nơi nào có hệ thống cấp nước máy đảm bảo cung cấp về số lượng và chất lượng thì không cấp mới giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất”. Đồng thời, thực hiện quan trắc động thái nước dưới đất hàng năm để theo dõi mực nước. Qua đó, góp phần làm giảm đáng kể tình trạng hạ thấp mực nước dưới đất quá mức, xâm nhập mặn, ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt tài nguyên nước dưới đất.
TP. Cần Thơ cũng đã tăng cường công tác phổ biến pháp luật tài nguyên nước cùng với pháp luật về bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên thiên nhiên và ứng phó BĐKH, góp phần tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp, người dân; đồng thời, triển khai đến các sở, ban ngành, địa phương những nội dung quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong đó, TP. Cần Thơ luôn chú trọng tổ chức lập phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; đề xuất, bổ sung danh mục công trình điều tiết, khai thác, sử dụng nước, phát triển tài nguyên nước; quản lý không gian tiêu thoát nước, bảo đảm lưu thông dòng chảy trên các sông, kênh rạch, nhằm bảo đảm an toàn trong phòng, chống ngập úng và bảo vệ nguồn nước, góp phần quan trọng trong việc tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn trong việc cấp, thoát nước.
TP. Cần Thơ cũng đã quản lý chặt chẽ hoạt động xả nước thải tại các khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất thông qua việc phải có biện pháp, lộ trình thu gom, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định, bảo đảm phù hợp với chức năng nguồn nước; siết chặt quản lý các hoạt động khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước trên lưu vực sông theo thẩm quyền, phù hợp chức năng nguồn nước, bảo đảm chất lượng nguồn nước theo quy định.
TP. Cần Thơ còn phê duyệt danh mục ao, hồ, kênh rạch không được san lấp với mục đích bảo đảm an toàn trong phòng, chống ngập úng và bảo vệ nguồn nước, tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn trong việc cấp nước. Hiện nay, TP. Cần Thơ tiếp tục yêu cầu các địa phương rà soát, thống kê, đề xuất điều chỉnh, bổ sung danh mục ao, hồ, kênh rạch không được san lấp phù hợp với phát triển kinh tế – xã hội và tình hình thực tiễn của địa phương.
PV: Để đảm bảo nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, TP. Cần Thơ sẽ triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nào, thưa ông?
Ông Phạm Nam Huân:
TP. Cần Thơ hiện đang tập trung thực hiện Đề án “Xây dựng danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn TP. Cần Thơ”, đến nay, Đề án đã được UBND thành phố phê duyệt Đề cương để triển khai thực hiện với các nội dung chính là phân tích, đánh giá chức năng nguồn nước, xác định phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước theo chức năng bảo vệ và biên tập các bản đồ.
Cùng với đó, lập phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước cũng như phòng, chống khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra theo những nội dung cụ thể như: phân vùng chức năng của nguồn nước; xác định tỷ lệ, thứ tự ưu tiên phân bổ trong trường hợp bình thường và hạn hán, thiếu nước; đồng thời, xác định nguồn tài nguyên nước dự phòng để cấp nước sinh hoạt; xác định hệ thống giám sát tài nguyên nước và khai thác, sử dụng nước; xác định công trình điều tiết, khai thác, sử dụng, phát triển tài nguyên nước.
Bên cạnh đó, TP. Cần Thơ cũng xác định các giải pháp để bảo vệ nguồn nước, phục hồi nguồn nước bị ô nhiễm hoặc bị suy thoái, cạn kiệt để bảo đảm chức năng của nguồn nước; xây dựng hệ thống giám sát chất lượng nước, giám sát xả nước thải vào nguồn nước; đánh giá tổng quát hiệu quả và tác động của biện pháp phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động phòng, chống, khắc phục, cảnh báo, dự báo và giảm thiểu tác hại do nước gây ra trên địa bàn thành phố.
TP. Cần Thơ tiếp tục đẩy mạnh triển khai phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước đến các sở, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp, người dân; tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tích cực trữ nước trong ao, kênh rạch; sử dụng tiết kiệm, an toàn, hiệu quả nguồn nước; đồng thời, không lấn chiếm, xả chất thải phát sinh trong sinh hoạt, sản xuất xuống các ao, hồ, sông, kênh rạch làm tắc nghẽn dòng chảy, ô nhiễm nguồn nước.
TP. Cần Thơ cũng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đến cấp xã, phường, thị trấn các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, đặc biệt là nguồn nước dưới đất để kịp thời phát hiện, xử lý tổ chức, cá nhân khai thác không phép, trái phép gây suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước; tiếp tục rà soát, đôn đốc các chủ giếng thực hiện xử lý, trám lấp các loại giếng khoan không sử dụng để bảo vệ chất lượng nguồn nước dưới đất trên địa bàn thành phố.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!