Tổng thống Donald Trump thúc ép Iran đàm phán hạt nhân, Bắc Kinh nêu nền tảng chính trị cho quan hệ Trung-Nhật, Ba Lan đặt toàn quân trong trạng thái sẵn sàng, Philippines và Canada chuẩn bị ký thỏa thuận quân sự… là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.
![]() |
Các nhà lãnh đạo châu Âu ngày 6/3 đã nhất trí kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng và tiếp tục ủng hộ Ukraine. (Nguồn: DPA) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Châu Á – Thái Bình Dương
*Ấn Độ – Trung Quốc sắp nối lại đường bay thẳng: Các quan chức Chính phủ Ấn Độ cho biết nước này và Trung Quốc đang thảo luận về việc nối lại các chuyến bay thẳng giữa hai nước từ tháng 5, trước thềm lễ hành hương Kailash Mansarovar Yatra tới Khu tự trị Tây Tạng.
Vào tháng 1, hai bên đã nhất trí nối lại các chuyến bay thẳng và cuộc hành hương sau 5 năm, nhằm thúc đẩy mối quan hệ song phương sau khi hai bên rút quân khỏi Đông Ladakh sau 4 năm căng thẳng ở khu vực biên giới. (THX)
*Australia tăng cường năng lực giám sát trên không: Ngày 7/3, Australia ký hợp đồng trị giá 569 triệu AUD (358,2 triệu USD) với công ty Boeing Defence Australia để nâng cấp và bảo dưỡng cho máy bay giám sát E-7A Wedgetail của Không quân Hoàng gia Australia (RAAF).
Hợp đồng với Boeing Defence Australia sẽ mang đến những cải tiến cho máy bay và hệ thống mặt đất, đồng thời đảm bảo các phương tiện quân sự quan trọng này được nâng cấp và duy trì trong thập kỷ tới. Khoản tài trợ bổ sung này đảm bảo việc làm cho 170 người ở Brisbane, Adelaide và Khu vực Hunter NSW và khoảng 360 nhân viên quốc phòng tại Căn cứ Williamtown của RAAF. (Reuters)
*Trung Quốc xem BRICS là trụ cột trong hợp tác ở Nam Bán cầu: Ngày 7/3, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) đang trở thành trụ cột đáng tin cậy trong hợp tác ở Nam Bán cầu và là động lực tăng trưởng.
Phát biểu họp báo bên lề kỳ họp thứ ba Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc khóa XIV, ông Vương Nghị nêu rõ: “Các nước Nam Bán cầu phải trở nên mạnh mẽ hơn. Indonesia đã trở thành thành viên chính thức của BRICS vào đầu năm nay và chúng tôi xin chúc mừng điều này. Đồng thời, 9 quốc gia đối tác đã gia nhập đại gia đình BRICS”.
BRICS được thành lập năm 2006, bao gồm các thành viên sáng lập ban đầu là Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil, sau đó Nam Phi gia nhập khối vào năm 2011. Kể từ đầu năm 2024, một số quốc gia khác đã tham gia BRICS. (RIA Novosti)
*Philippines và Canada chuẩn bị ký thỏa thuận quân sự: Ngày 7/3, Bộ Quốc phòng Philippines thông báo nước này và Canada chuẩn bị ký Thỏa thuận về Quy chế các lực lượng thăm viếng (SOVFA), sau cuộc đàm phán nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh giữa hai nước.
Thông báo nhấn mạnh: “Philippines mong đợi tác động tích cực của SOVFA, hiệp ước được kỳ vọng là sẽ đóng góp vào hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”. Đây là một cột mốc trong quan hệ quốc phòng song phương.
Năm ngoái, Philippines đã phê chuẩn Thỏa thuận tiếp cận đối ứng (RAA) với Nhật Bản, qua đó cho phép quân đội của hai nước triển khai trên lãnh thổ của nhau. Đây là RAA đầu tiên mà Nhật Bản ký kết ở khu vực châu Á. (Reuters)
*Bắc Kinh nêu nền tảng chính trị cho quan hệ Trung-Nhật: Ngày 7/3, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố nguyên tắc Một Trung Quốc là nền tảng chính trị cho quan hệ Trung Quốc – Nhật Bản.
Phát biểu họp báo bên lề kỳ họp thứ 3 Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc khóa XIV, ông Vương Nghị nêu rõ: “Đã 80 năm kể từ khi Đài Loan trở về với Trung Quốc, nhưng một số người không hối cải ở Nhật Bản vẫn đang âm thầm hợp tác với các thế lực gọi là ‘Đài Loan độc lập'”. Ông kêu gọi họ chấm dứt tuyên truyền rằng “tình trạng khẩn cấp ở Đài Loan là tình trạng khẩn cấp của Nhật Bản”. Ông lưu ý: “Việc gây rắc rối viện cớ Đài Loan chính là tự chuốc rắc rối cho chính Nhật Bản”. (THX)
*Hàn Quốc: Tổng thống Yoon Suk Yeol được tự do: Ngày 7/3, Tổng thống bị luận tội của Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã được trả tự do sau khi tòa án chấp nhận yêu cầu hủy lệnh bắt giữ liên quan đến việc ông từng áp đặt lệnh thiết quân luật trong thời gian ngắn.
Ông Yoon Suk Yeol đã nộp đơn yêu cầu lên Tòa án quận trung tâm Seoul vào tháng trước, cho rằng việc truy tố ông trong vụ ban bố lệnh thiết quân luật ngày 3/12/2023 là bất hợp pháp. (Yonhap)
Châu Âu
*Ukraine tích cực củng cố sự ủng hộ quốc tế: Phát ngôn viên của Tổng thống Nam Phi Vincent Magwenya ngày 7/3 cho biết Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ thăm Nam Phi vào ngày 10/4 tới. Ông Vincent nhấn mạnh chuyến thăm “là sự tiếp nối các hoạt động đang diễn ra” về “tiến trình hòa bình toàn diện” giữa Nga và Ukraine.
Tuần trước, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã mời Tổng thống Zelensky thăm cấp nhà nước với khẳng định “Nam Phi vẫn cam kết ủng hộ tiến trình đối thoại giữa Nga và Ukraine”. Tổng thống Nam Phi cho rằng hai nhà lãnh đạo có “cam kết mang tính xây dựng” và nhất trí về “nhu cầu cấp thiết về một tiến trình hòa bình toàn diện có sự tham gia của tất cả các bên”. (AFP)
*Nga cảnh báo đáp trả kế hoạch “quân sự hóa” của EU: Điện Kremlin ngày 7/3 tuyên bố Nga có thể cần đáp trả cái mà họ gọi là kế hoạch “quân sự hóa” của Liên minh châu Âu (EU) vốn coi Nga là kẻ thù chính.
Các nhà lãnh đạo châu Âu ngày 6/3 đã nhất trí kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng và tiếp tục ủng hộ Ukraine trong bối cảnh thế giới đảo lộn bởi sự thay đổi chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên: “Chúng tôi thấy EU hiện đang tích cực thảo luận việc quân sự hóa EU và tăng cường quốc phòng. Đây là một quá trình mà chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ, bởi vì EU đang coi Nga là kẻ thù chính… Điều này, tất nhiên, có thể tiềm ẩn mối lo ngại sâu sắc đối với chúng tôi và có thể cần phải có các biện pháp đáp trả thích hợp để đảm bảo an ninh cho chúng ta”. (Reuters)
*Ba Lan đặt toàn quân trong trạng thái sẵn sàng trước diễn biến tại Ukraine: Ngày 7/3, Bộ Tư lệnh tác chiến của Lực lượng vũ trang Ba Lan thông báo, nước này đã triển khai nhiều máy bay tiêm kích sau khi hay tin về các hoạt động đáng ngờ của Nga tại Ukraine.
Theo thông báo trên, căn cứ theo các quy trình, quân đội Ba Lan đã quyết định đặt toàn bộ lực lượng và phương tiện sẵn có trong tình trạng sẵn sàng. Các cặp máy bay tiêm kích đã được điều động cất cánh, đồng thời các hệ thống phòng không mặt đất và radar trinh sát đã được đặt trong tình trạng báo động cao.
Quân đội Ba Lan cho biết các biện pháp này được thực hiện nhằm đảm bảo an ninh cho các khu vực gần “vùng dễ bị tổn thương”. Bộ Tư lệnh Tác chiến cũng cho hay đang theo dõi tình hình hiện tại và lực lượng vũ trang vẫn được đặt trong trạng thái hoàn toàn sẵn sàng.
Trước đó, hôm 25/2, quân đội Ba Lan cũng đã điều động máy bay tiêm kích vì lý do tương tự. (RIA Novosti)
*Nga tiến hành cuộc tấn công quy mô lớn vào hệ thống năng lượng Ukraine: Bộ trưởng Năng lượng Ukraine German Galushchenko cho biết rạng sáng 7/3, Nga đã tiến hành cuộc tấn công quy mô lớn khác vào hệ thống năng lượng của quốc gia Đông Âu này.
Trên Facebook, ông Galushchenko nêu rõ: “Cơ sở hạ tầng năng lượng và khí đốt ở nhiều vùng của Ukraine lại một lần phải hứng chịu cuộc tấn công bằng tên lửa và thiết bị bay không người lái (UAV) quy mô lớn”. Trước đó cùng ngày, Không quân Ukraine thông báo lực lượng Nga đã điều khiển một vài nhóm UAV tác chiến cũng như phóng nhiều tên lửa hành trình và đạn đạo hướng tới Ukraine. (TXH)
*Ukraine đề xuất kế hoạch ngừng bắn với Nga: Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 6/3 đã kêu gọi các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) ủng hộ ý tưởng ngừng bắn trên không và trên biển giữa Ukraine và Nga đồng thời cho rằng đây sẽ là cơ hội để thử thách ý chí kết thúc xung đột kéo dài hơn 3 năm qua.
Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels (Bỉ), ông Zelensky nhấn mạnh cần đảm bảo rằng Nga, với tư cách bên bắt đầu cuộc chiến, phải chấp nhận sự cần thiết của việc kết thúc xung đột.
Hội nghị thượng đỉnh EU lần này được tổ chức với chương trình nghị sự tập trung vào vấn đề chi tiêu quốc phòng cũng như hỗ trợ Ukraine sau khi Mỹ tạm dừng viện trợ quân sự cho quốc gia Đông Âu. (Reuters)
Trung Đông-châu Phi
*Tổng thống Mỹ thúc ép Iran đàm phán hạt nhân: Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông đã gửi thư tới Iran để hối thúc nước này mở các cuộc đàm phán về việc ngăn chặn phát triển vũ khí hạt nhân, nếu không có thể phải đối mặt với hành động quân sự.
Sau khi tái đắc cử Tổng thống Mỹ, ông Trump đã gửi đi những tín hiệu trái chiều liên quan đến Iran. Ông từng khôi phục chính sách “gây sức ép tối đa” lên Tehran, bao gồm các lệnh trừng phạt và nhắm vào lực lượng an ninh của Iran. Tuy nhiên sau đó, ông Trump lại kêu gọi đàm phán với Iran về một thỏa thuận hạt nhân có thể kiểm chứng, bởi Washington tin rằng Tehran đang tiến “quá gần” tới việc sở hữu vũ khí hạt nhân. (AFP)
*Mỹ nêu điều kiện hòa bình cho Dải Gaza: Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 6/3 nhấn mạnh rằng sẽ không thể có con đường hòa bình nào tại Dải Gaza nếu Hamas còn tồn tại ở vùng lãnh thổ này.
Tờ The National News dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Tammy Bruce khẳng định đề xuất của các quốc gia Arab về việc tái thiết Gaza hậu xung đột là một động thái đáng hoan nghênh, song lưu ý rằng “kế hoạch này không đáp ứng được các yêu cầu, bản chất và những gì Tổng thống Donald Trump đang yêu cầu”.
Bà Bruce nêu rõ Hamas phải giải giáp và ngay lập tức thả tự do cho tất cả các con tin. Quan chức này cũng tái khẳng định lập trường của Ngoại trưởng Marco Rubio rằng chừng nào Hamas còn tồn tại ở Gaza thì sẽ không có con đường hòa bình nào cho vùng lãnh thổ này.
Tuyên bố trên được đưa ra ngay sau khi Đặc phái viên Mỹ về Trung Đông Steve Witkoff bày tỏ quan điểm tích cực hơn về kế hoạch tái thiết Gaza do Ai Cập soạn thảo. (AFP)
*Hamas cảnh báo khả năng con tin bị sát hại nếu giao tranh tiếp diễn: Người phát ngôn của Hamas Abu Obeida ngày 6/3 cảnh báo bất kỳ hành động leo thang quân sự nào của Israel tại Gaza rất có thể sẽ dẫn đến việc giết chết một số con tin.
Ông Obeida cũng nói thêm rằng việc Israel đe dọa chiến tranh và phong tỏa Gaza không đảm bảo cho việc thả con tin. Đồng thời, Hamas vẫn cam kết tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn với Israel cho dù giai đoạn đầu tiên của thỏa thuận đã kết thúc gần đây.
Hiện tại, Hamas vẫn đang giữ 59 con tin tại Gaza sau khi kết thúc giai đoạn đầu thỏa thuận ngừng bắn. Quân đội Israel xác nhận 35/59 con tin đã chết. (Al Jazeera)
*Israel có thể hạn chế chia sẻ thông tin tình báo với Mỹ: Hãng NBC dẫn nguồn tin ngày 6/3 cho biết Israel đang cân nhắc việc cắt giảm chia sẻ thông tin tình báo với Mỹ do lo ngại về mối quan hệ nồng ấm gần đây giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Cũng theo hãng tin này, một số đồng minh lâu năm khác của Mỹ là Anh, Australia, Canada, New Zealand và Saudi Arabia được cho là đang cân nhắc thay đổi các giao thức chia sẻ thông tin tình báo của họ. Hầu hết các đồng minh của Mỹ đều có chung lo ngại rằng danh tính các điệp viên của họ ở nước ngoài có thể bị lộ trong bối cảnh Mỹ đang hòa giải với Nga.
Một quan chức Israel phủ nhận nội dung bài viết trên, cho rằng “sự hợp tác giữa Israel và Mỹ ở mọi cấp độ, bao gồm cả việc chia sẻ dữ liệu tình báo quan trọng, vẫn mạnh mẽ và vững chắc như trước đây”. (AFP)
Châu Mỹ – Mỹ Latinh
*FBI bắt quân nhân Mỹ bị nghi bán thông tin tình báo cho Trung Quốc: Bộ Tư pháp Mỹ cho biết Cục Điều tra Liên bang nước này (FBI) ngày 6/3 đã bắt giữ một quân nhân Mỹ bị nghi ngờ bán thông tin mật cho các cá nhân ở Trung Quốc.
Zhao Jian, Trung sĩ hậu cần đóng quân tại một căn cứ quân sự ở Washington, bị cáo buộc thu thập các ổ cứng và máy tính chứa thông tin mật lấy từ chính quyền Mỹ để bán cho các cá nhân chưa xác định tại Trung Quốc. Hoạt động đánh cắp này bắt đầu diễn ra từ tháng 7/2024 và Zhao đã nhận được ít nhất 15.000 USD tiền công.
Đại bồi thẩm đoàn đã buộc tội Zhao cùng các đồng phạm về các tội danh âm mưu thu thập và chuyển giao thông tin quốc phòng cho những người không được phép, nhận hối lộ và trộm cắp tài sản của chính quyền. (AFP)
*Mỹ có kế hoạch đóng cửa nhiều lãnh sự quán ở Tây Âu: Báo New York Times ngày 6/3 dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết Bộ Ngoại giao nước này đã lên kế hoạch đóng cửa hàng chục lãnh sự quán vào mùa Hè này và đang cân nhắc đóng cửa thêm nhiều cơ quan đại diện khác, sa thải các nhân viên ở nước ngoài.
Theo 3 quan chức được thông báo về một bản ghi nhớ lưu hành nội bộ, danh sách hàng chục lãnh sự quán được nêu tên cho thấy các vụ đóng cửa chủ yếu diễn ra ở Tây Âu. Sự thu hẹp này nằm trong chính sách cắt giảm mạnh hơn của Tổng thống Donald Trump đối với chính phủ liên bang và chính sách đối ngoại “Nước Mỹ trước tiên” của ông.
Các động thái này diễn ra vào thời điểm Trung Quốc, đối thủ chính của Mỹ, đã vượt qua Mỹ về số lượng các cơ sở ngoại giao trên toàn cầu. Trung Quốc đã xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa các quốc gia, đặc biệt là ở châu Á, châu Phi và có quyền lực lớn hơn trong các tổ chức quốc tế. (Reuters)
Nguồn: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-73-tong-thong-han-quoc-yoon-suk-yeol-duoc-tu-do-ukraine-de-xuat-ke-hoach-ngung-ban-voi-nga-my-neu-dieu-kien-hoa-binh-cho-dai-gaza-306756.html