Báo Công Thương cung cấp tới độc giả thông tin tổng quan về Thương vụ Việt Nam tại Iran (kiêm nhiệm Syria và Iraq).
Thương vụ Việt Nam tại Iran (kiêm nhiệm Syria và Iraq) là cơ quan trực thuộc Bộ Công Thương, đại diện cho các lợi ích kinh tế, thương mại và đầu tư của Việt Nam tại Cộng hòa Hồi giáo Iran và kiêm nhiệm hai quốc gia khác là Syria và Iraq. Với vai trò cầu nối giữa chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, thương vụ thực hiện nhiệm vụ thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội đầu tư và kinh doanh tại các thị trường này.
Trong cơ cấu của Thương vụ Việt Nam tại Iran (kiêm nhiệm Syria và Iraq), có các cán bộ chuyên trách từ Bộ Công Thương cử sang và một số nhân viên hợp đồng tại chỗ. Các cán bộ được đào tạo chuyên sâu về kinh tế, thương mại, và có kinh nghiệm làm việc tại các thị trường quốc tế. Cơ cấu này đảm bảo Thương vụ hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu trong việc thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và khu vực Trung Đông.
Việt Nam và Iran có mối quan hệ hữu nghị từ lâu đời. Giao lưu giữa nhân dân hai nước bắt đầu từ hơn 1.000 năm trước khi các thương nhân Ba Tư tới kinh doanh, buôn bán tại Việt Nam, mở ra cánh cửa giao lưu văn hóa giữa nhân dân hai nước.
Mối quan hệ giữa Việt Nam và Iran càng thêm gắn kết khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 4/8/1973. Chỉ hai ngày sau khi Cách mạng Hồi giáo thắng lợi, ngày 13/2/1979, Việt Nam đã gửi điện mừng và công nhận nước Cộng hòa Hồi giáo Iran. Năm 1991, Iran mở Đại sứ quán tại Thủ đô Hà Nội. Năm 1997, Việt Nam mở Đại sứ quán tại Thủ đô Teheran.
Quan hệ chính trị-ngoại giao giữa hai nước đã có những bước phát triển tích cực trên tất cả các kênh ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Quốc hội và ngoại giao nhân dân. Hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước không ngừng được đẩy mạnh, đạt được những bước tăng trưởng tích cực.
Sự gắn kết giữa Việt Nam và Iran còn được thể hiện qua việc hai bên đã ký kết nhiều hiệp định, thỏa thuận hợp tác, như: Thỏa thuận chung về hợp tác kinh tế, văn hóa và khoa học – kỹ thuật (năm 1993); Hiệp định về thương mại (năm 1994), Hiệp định hợp tác văn hóa (năm 1995); Thỏa thuận tham khảo và hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao (năm 2000); Hiệp định vận tải hàng không (năm 2001); Hiệp định vận tải biển thương mại (năm 2002); Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư; Biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực thủy sản giữa Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Iran; Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực văn hóa; Hiệp định tránh đánh thuế hai lần; Thỏa thuận hợp tác và tương trợ hành chính trong lĩnh vực hải quan; Bản ghi nhớ về hợp tác công nghệ, nghiên cứu và giáo dục (tháng 10-2014); Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu công vụ (năm 2016)(11)… Các hiệp định, văn bản, thỏa thuận trên là cơ sở pháp lý quan trọng, tạo điều kiện để hai nước thúc đẩy quan hệ hợp tác đi vào thực chất, nhất là trong một số lĩnh vực quan trọng, như kinh tế – thương mại, văn hóa…
Thương vụ Việt Nam tại Iran (kiêm nhiệm tại Syria và Iraq) có vai trò lớn trong việc hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội đầu tư và kinh doanh tại các thị trường này. Ảnh: Istock |
Các cơ chế hợp tác, như tham khảo chính trị cấp thứ trưởng ngoại giao, Ủy ban liên Chính phủ, được hai nước duy trì hiệu quả. Hai bên còn phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế. Trong cuộc gặp bên lề Hội nghị lần thứ 76 của Đại hội đồng Liên hợp quốc (tháng 9/2021), Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Iran Hossein Amirabdollahian đã “cảm ơn lập trường có nguyên tắc của Việt Nam dành cho Iran tại Liên hợp quốc”. Iran coi trọng quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống đối với Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam hội nhập khu vực và thế giới; ủng hộ Việt Nam ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021…
Về hợp tác kinh tế, mặc dù Việt Nam và Iran chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao kể từ năm 1973, song hợp tác kinh tế giữa hai nước chỉ thực sự bắt đầu vào đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, khi Việt Nam đẩy mạnh tiến hành đổi mới đất nước, mở rộng hợp tác kinh tế với nhiều quốc gia trên thế giới.
Sau nhiều thập niên, thương mại được xem là một trong những điểm sáng trong quan hệ giữa hai nước. Kim ngạch thương mại hai chiều có xu hướng tăng lên.
Nếu như vào năm 2001, tổng kim ngạch thương mại hai chiều mới đạt mức 6,5 triệu USD, đến năm 2018, con số này đã đạt trên 100 triệu USD. Tuy nhiên, từ năm 2018, do Mỹ tái áp đặt các lệnh cấm vận đối với Iran nên hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Iran chủ yếu được thực hiện thông qua bên thứ ba.
Năm 2021, kim ngạch thương mại song phương đạt 124,5 triệu USD. Trong năm 2022, kim ngạch hai chiều đạt hơn 100 triệu USD, 3 tháng đầu năm 2023 đạt 21 triệu USD. Hai nước đang phấn đấu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên khoảng 2 tỷ USD trong thời gian tới.
Trong cơ cấu hàng hóa, Việt Nam xuất khẩu sang Iran chủ yếu các loại nông – thủy sản như: Hạt tiêu, hạt điều, chè, cà phê, hải sản, ngoài ra là một số mặt hàng cao su tự nhiên, rau, củ, quả, thủy hải sản, giày dép, hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm gỗ… và nhập khẩu từ Iran các mặt hàng như sản phẩm chất dẻo, sản phẩm dầu mỏ, cao su, kim loại thường, tân dược…
Các mặt hàng nông sản của Iran và Việt Nam có tính bổ sung lẫn nhau. Những mặt hàng Iran có thế mạnh xuất khẩu như saffron, chà là, cherry, dâu tây, lựu, hạt dẻ cười thì Việt Nam không có hoặc có ít. Ngược lại, hàng Việt Nam như chè, cà phê, hạt điều, hạt tiêu xuất sang Iran được tiêu thụ tốt. Có thể nói, hàng hóa của Việt Nam có chất lượng tốt, được người dân Iran ưa chuộng, điển hình như chè, cà phê.
Hiện nay, việc xuất khẩu hàng hóa sang Iran còn gặp khó khăn do bị cấm vận, Iran luôn tăng cường bảo hộ sản phẩm nội địa. Vì vậy, sẽ có những thời điểm trong năm, Iran cấm nhập khẩu hoặc tăng thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng nhất định mà các doanh nghiệp nội địa có thể tự sản xuất được. Bên cạnh đó, việc thanh toán giữa Iran và các đối tác nước ngoài cũng khó khăn do các ngân hàng của Iran bị cấm giao dịch quốc tế. Thông thường, các bên sẽ phải thanh toán qua các trung gian (nước thứ ba) như Dubai, Thổ Nhĩ Kỳ, Oman… dẫn đến gia tăng chi phí trong xuất khẩu.
Đối với Syria và Iraq, dù chịu ảnh hưởng của xung đột, Syria và Iraq vẫn là những thị trường tiềm năng với nhu cầu tái thiết cơ sở hạ tầng, xây dựng, năng lượng, và các sản phẩm nông nghiệp, tiêu dùng. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để cung cấp hàng hóa và dịch vụ, góp phần xây dựng mối quan hệ song phương bền vững.
Có thể thấy, khu vực Trung Đông nói chung và Iran, Syria, Iraq nói riêng có những đặc thù về văn hóa, luật pháp và môi trường kinh doanh. Thương vụ đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam hiểu rõ các thách thức này, đồng thời khai thác tiềm năng của thị trường với chiến lược phù hợp.
Thương vụ Việt Nam tại Iran là đơn vị tiên phong trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế với các quốc gia Trung Đông. Với sự hỗ trợ của Thương vụ, các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội mở rộng thị trường, đa dạng hóa hoạt động kinh doanh và xây dựng mối quan hệ đối tác bền vững tại khu vực này.
Thương vụ Việt Nam tại Iran (Kiêm nhiệm Syria, Iraq) Bí thư thứ Ba, Phụ trách Thương vụ Nguyễn Thành Long Điện thoại: +98 930 246 7042 Email: [email protected]; [email protected] |
Nguồn: https://congthuong.vn/tong-quan-ve-thuong-vu-viet-nam-tai-iran-kiem-nhiem-syria-va-iraq-366359.html