Hướng tới kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2025), chiều 29/12, tại Hà Tĩnh, Tổng Bí thư Tô Lâm và Đoàn công tác của Trung ương đã dâng hương, dâng hoa tại Khu Di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc; dâng hương tưởng niệm các đồng chí Tổng Bí thư: Trần Phú, Hà Huy Tập và Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.
Tham gia Đoàn công tác có các đồng chí: Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng: Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Lê Minh Hưng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Công an; đồng chí Nguyễn Duy Ngọc, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; các đồng chí lãnh đạo các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh.
Tại Khu Di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc (huyện Can Lộc), Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn công tác đã dâng hoa, dâng hương tại Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ thanh niên xung phong toàn quốc, nơi ghi danh hơn 4.000 liệt sĩ thanh niên xung phong đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và Khu mộ 10 nữ Anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong đã anh dũng hy sinh tại chiến trường Ngã ba Đồng Lộc.
Trước anh linh các Anh hùng liệt sĩ, Tổng Bí thư và các đại biểu thành kính bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với công lao to lớn, sự cống hiến, hy sinh cao cả của các thế hệ cha anh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước.
Ngã ba Đồng Lộc nằm trên các hành lang giao thông nối liền bắc-nam, đông-tây, là điểm trung chuyển cho các chiến trường hai miền nam-bắc và chiến trường Lào. Những năm 1964-1972, chiến trường Đồng Lộc ghi dấu sự hy sinh cao cả của quân và dân ta.
Hàng vạn chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và người dân đã anh dũng chiến đấu, vượt qua mọi gian khổ, hy sinh để nối liền “mạch máu” giao thông “Hậu phương lớn” với “Tiền tuyến lớn”, góp phần cho Tổ quốc toàn thắng.
Tổng Bí thư Tô Lâm thăm Nhà bia tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Thanh niên xung phong toàn quốc. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN) |
Nơi đây, 10 cô gái thanh niên xung phong Tiểu đội 4 (Tổng đội Thanh niên xung phong 55 tỉnh Hà Tĩnh) đã anh dũng hy sinh vào ngày 24/7/1968 trong lúc đang làm nhiệm vụ khi tuổi đời còn rất trẻ, chưa ai trong số họ lập gia đình. Sự hy sinh anh dũng của các nữ thanh niên xung phong đã trở thành biểu tượng của hàng triệu thanh niên vì nước quên thân, không tiếc tuổi xuân vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Tổng Bí thư Tô Lâm chụp ảnh kỷ niệm với cán bộ, nhân viên Khu di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc. |
Địa danh Ngã ba Đồng Lộc đã đi vào lịch sử, trở thành “địa chỉ đỏ” tự hào, gần gũi và thiêng liêng của cách mạng Việt Nam, biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, mãi mãi là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ hôm nay và mai sau.
* Tổng Bí thư Tô Lâm và Đoàn công tác đã đến dâng hương, dâng hoa tưởng niệm tại Khu mộ Tổng Bí thư Trần Phú (Huyện Đức Thọ). Trong không khí xúc động, các đại biểu thắp nén hương thơm, bày tỏ niềm thành kính, lòng biết ơn và sự tri ân sâu sắc đối với những công lao, cống hiến to lớn của đồng chí Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cộng sản kiên trung, đã hy sinh trọn đời cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và hạnh phúc của nhân dân.
Từ một thanh niên trí thức yêu nước nhiệt thành, sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng, đồng chí Trần Phú đã trở thành người cộng sản ưu tú, người lãnh đạo xuất sắc và là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta (10/1930-4/1931). Cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng tuy ngắn ngủi nhưng đồng chí đã có đóng góp lớn trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, đặc biệt là trong công tác củng cố, xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Tấm gương đạo đức cách mạng, khí phách người chiến sĩ cộng sản cao đẹp, kiên trung, bất khuất của đồng chí mãi tỏa sáng, để lớp lớp thế hệ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân ta học tập, noi theo.
* Tổng Bí thư Tô Lâm và Đoàn công tác đến dâng hương, dâng hoa tưởng niệm tại Khu mộ Tổng Bí thư Hà Huy Tập (huyện Cẩm Xuyên). Trong không khí trang nghiêm, các đại biểu thành kính tưởng nhớ Tổng Bí thư Hà Huy Tập và tri ân sâu sắc những công lao to lớn mà đồng chí đã dành trọn cuộc đời chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc.
Tổng Bí thư Tô Lâm và đoàn công tác Trung ương dâng hương tưởng niệm tại khu mộ Tổng Bí thư Hà Huy Tập xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN) |
Sinh ra và lớn lên trên vùng quê giàu truyền thống cách mạng, đồng chí Hà Huy Tập sớm được hun đúc khí chất của tầng lớp chí sĩ đương thời, sống có lý tưởng vì dân, vì nước.
Trong những năm cách mạng gặp muôn vàn khó khăn, đồng chí Hà Huy Tập đã cùng với tập thể Ban Chấp hành Trung ương chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua phong ba, bão táp, đưa sự nghiệp cách mạng của Đảng tiến lên.
Đồng chí cũng là một trong những nhà lý luận chính trị xuất sắc của Đảng ta, đã soạn thảo nhiều văn kiện Đảng, viết sách, báo, tuyên truyền, giáo dục giác ngộ cách mạng cho các tầng lớp nhân dân.
Tấm gương của đồng chí nhắc nhở các thế hệ tiếp theo phải luôn kiên định và thực hiện thắng lợi con đường mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn.
* Dâng hoa, dâng hương tại Khu mộ Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (Huyện Hương Sơn), Tổng Bí thư Tô Lâm và các đại biểu thành kính tưởng nhớ người đã có công lao, đóng góp to lớn xây dựng và phát triển nền y học Việt Nam và nhân loại.
Tổng Bí thư Tô Lâm dâng hoa, dâng hương tưởng niệm tại khu mộ Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Danh nhân Văn hóa Thế giới tại huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN) |
Lê Hữu Trác, tên hiệu là Hải Thượng Lãn Ông, sinh ra trong một gia đình khoa bảng ở làng Liêu Xá, phủ Thượng Hồng, huyện Đường Hào (nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên).
Từ nhỏ đã nổi tiếng thông minh, hiếu học, văn võ song toàn, Hải Thượng Lãn Ông nuôi hoài bão đem tài năng phục vụ triều đình, tuy nhiên trước sự rối ren của xã hội phong kiến thời Lê – Trịnh, ông đã rời xa Kinh thành Thăng Long về quê mẹ Hương Sơn, Hà Tĩnh chuyên tâm với nghề bốc thuốc, chữa bệnh cứu người.
Trong suốt cuộc đời làm nghề y, Danh y Lê Hữu Trác đã cống hiến hết tài năng và y đức chữa bệnh phục vụ nhân dân, nêu cao đạo đức nhân thuật, tận tụy cứu chữa bệnh nhân đến cùng, đồng thời nghiên cứu, biên soạn, giảng dạy và đúc kết kinh nghiệm, xây dựng nền tảng truyền thống y học nước nhà.
Ông là tấm gương sáng, một nhân cách lớn về y đức, là người đầu tiên trong lịch sử y học Việt Nam đặt nền móng xây dựng y thuật. Không chỉ là một nhà y dược học, Lê Hữu Trác còn là nhà thơ, nhà văn xuất sắc, có tinh thần nhân văn sâu sắc. Sau khi mất, ông được nhân dân và giới y học cả nước suy tôn là bậc “Y thánh của Việt Nam”, ông tổ của ngành y học cổ truyền Việt Nam.
Nguồn: https://nhandan.vn/tong-bi-thu-to-lam-dang-huong-tai-khu-di-tich-lich-su-cap-quoc-gia-dac-biet-nga-ba-dong-loc-post853203.html