Tọa lạc ở Bắc Phi, bên bờ Địa Trung Hải và Đại Tây Dương, chỉ cách Tây Ban Nha qua eo biển Gibraltar cỡ 13 km, Ma Rốc được ví như viên ngọc quý của lục địa đen. Rabat là thủ đô, Casablanca là thành phố lớn nhất – vốn đã quá nổi tiếng với bài hát và bộ phim cùng tên, còn Marrakech là điểm đến không thể bỏ lỡ khi tới đất nước này.
Gượng dậy sau đổ vỡ
Từ sân bay quốc tế Mohammed V ở Casablanca, tôi ngồi xe đi trên đường cao tốc chừng hơn 2 giờ để đến Marrakech – nơi suốt những ngày giữa tháng 9 được truyền thông thế giới mô tả là đã vụn vỡ sau trận động đất mạnh nhất trong vòng một thế kỷ. Nhiều nơi trong thành phố vẫn còn ngổn ngang. Ở những vùng hẻo lánh gần tâm chấn, công tác cứu hộ vẫn tiếp diễn.
Chị Nguyễn Huỳnh Ái Nhi (43 tuổi), một người Việt hiếm hoi đang sinh sống và làm việc tại Marrakech, chia sẻ với tôi những thước phim chị ghi lại khi mang thức ăn đến hỗ trợ người dân ở một ngôi làng bị ảnh hưởng nặng nề bởi động đất.
Thế nhưng, những gì tôi nhìn thấy không chỉ có vậy. Hai tuần sau thảm họa, người dân ở trung tâm thành phố dần trở về nhà, công nhân ra sức khắc phục thiệt hại, học sinh trở lại trường, hoạt động giao thương, du lịch đã trở lại. Ngọn tháp của nhà thờ Hồi giáo Koutoubia – biểu tượng của Marrakech được xây dựng từ thế kỷ 12 sừng sững ở đó. Quảng trường Djemaa el Fna, địa điểm nổi tiếng trong khu phố cổ Medina ở Marrakech, các khu chợ dân sinh, trung tâm thương mại và đường phố dần phục hồi. Nhiều lời kêu gọi du khách được đăng tải trên các trang chính thức của chính quyền cũng như trang cộng đồng người Ma Rốc nói chung và Marrakech nói riêng bởi với họ du lịch là một trong những nguồn thu chính. “Chúng tôi đã nỗ lực khắc phục khó khăn để du khách sẵn sàng trở lại”, một quan chức chính phủ Ma Rốc nói với Thanh Niên.
Giữa thành phố đỏ
Chính phủ Ma Rốc đã nêu rõ du lịch là trung tâm của tham vọng phát triển và đặt mục tiêu tăng gấp đôi lượng khách du lịch tới năm 2030 khi nước này trở thành đồng chủ nhà World Cup cùng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.
Cố đô Marrakech còn được biết đến với tên gọi thành phố đỏ, có sự hòa quyện độc đáo của hiện đại và cổ kính, được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Sẽ không lạ khi trên đường phố Marrakech cùng lúc có rất nhiều xe hơi thậm chí hạng sang, xen lẫn những cỗ xe ngựa chở khách và những chiếc xe lừa kéo thô sơ. Không có nhiều tòa nhà chọc trời hay đa dạng màu sắc, cả thành phố là nhà cửa, tường thành, mái ngói, kể cả nền gạch cùng sơn màu đỏ và hồng. Như lời một người bạn tôi quen trong chuyến đi – cô Viviane (đại diện một tổ chức y tế phi chính phủ ở Zambia), thoạt đầu cảm nhận như “những bộ đồng phục nhàm chán” nhưng chỉ cần tiến gần hơn một chút, thành phố đỏ thật sự đẹp cổ kính và khó cưỡng.
Len lỏi trong khu phố cổ Medina là những con hẻm ngoằn ngoèo, phía trên đầu bày bán thảm thủ công, phía dưới là vô vàn gia vị đầy màu sắc và các sản phẩm gốm sứ, da truyền thống và đủ thứ quà đặc sản như chà là, ô liu, bánh trái… Người dân ở đây chủ yếu nói tiếng Ả Rập, tiếng Pháp, một số cũng nói được tiếng Anh.
Ấn tượng nhất ở Marrakech chắc là không gian văn hóa có nguồn gốc hàng thế kỷ ở quảng trường Djemaa el Fna – khu chợ trời nhộn nhịp quy tụ nhiều hoạt động đặc sắc pha trộn của người Berber bản địa và người Ả Rập. Đó là những người kể chuyện rong còn sót lại giữa xã hội xô bồ hiện đại, tái hiện hình ảnh ngàn lẻ một đêm trong truyền thuyết. Vài người đàn ông có vẻ ngoài hơi hung dữ bắt đầu câu chuyện “ngày xửa ngày xưa” bằng tiếng Ả Rập, đám đông hiếu kỳ sẽ vây quanh họ rồi cứ thế bị cuốn vào những câu chuyện hấp dẫn mà họ kể, thỉnh thoảng người ta bỏ vào chiếc nón vài dirham Ma Rốc (cỡ 5.000 đồng). Tôi cũng đã ở đó, dù nghe chẳng hiểu nhưng sự lôi cuốn từ cách họ dẫn dắt là có thật.
Cách vòng tròn ấy không xa là những người dụ rắn đang biểu diễn, tiếng sáo cất lên, rắn ngóc đầu dậy y như trong những bộ phim về thế giới Ả Rập mà tôi từng xem. Kế bên có những quầy vẽ henna đầy màu sắc. Đi thêm chút nữa là vô vàn “đèn thần” được bày bán đủ kích cỡ. Ngoài ra còn nhiều quầy bán đồ thủ công, thuốc cổ truyền, nước ép đủ loại… Tôi nói chuyện với một cụ ông bán nước ép lựu có thâm niên trong khu và được nghe kể về hai chữ cảm ơn mà người dân nơi đây quý trọng. Ông nói bằng tiếng Ả Rập và tôi được người bạn sống ở đây dịch lại: “Khách tới hỏi gì cũng được, không mua cũng không sao, chỉ cần nói cảm ơn là chúng tôi đều vui vẻ”.
Ở một góc khác của Marrakech, các khu phố mới hay trung tâm thương mại hiện đại và tiện nghi. Điều đặc biệt là bên ngoài, chúng vẫn được sơn màu đỏ hồng, bên trong thường được trang hoàng tỉ mỉ bằng gốm sứ và những bức tranh thủ công độc đáo.
Chuyện trả giá và đòi tiền típ
Dạo chợ ở Marrakech sẽ có nhiều thứ để mua, nhưng không cẩn thận sẽ bị hớ. Trong chuyến đi, tôi 3 lần tới chợ. Lần đầu một mình, tôi bị thách giá 500 dirham Ma Rốc (khoảng 1,2 triệu đồng) cho một món đồ. Hôm sau tôi trở lại với một người bạn Zambia, cô giỏi trả giá nên chỉ mua với giá 300 dirham, còn được tặng kèm 1 món đồ gốm nhỏ xinh. Ngày cuối trước khi rời Marrakech, tôi lại đến. Lần này tôi đi cùng một người Ma Rốc và giao tiếp bằng tiếng Ả Rập. Kết quả là món đồ chỉ có giá 80 dirham…
Một trải nghiệm khác cũng khó quên không kém lúc lạc đường buổi tối trong phố cổ, vài người ngồi bên đường tỏ ra thân thiện nhiệt tình chỉ đường, thậm chí chủ động dẫn đường. Ra gần đường lớn, họ xin chúng tôi tiền típ…
Trà, bánh
Marrakech còn quyến luyến bằng mùi hương và ẩm thực. Ngay khi đặt chân đến thành phố đỏ, tôi được mời một ly trà bạc hà ấm nóng, thơm nức mũi.
Anh Benmoussa Mohamed Othmane, quê ở Casablanca và làm việc trong lĩnh vực du lịch tại Marrakech, chia sẻ rằng trà bạc hà chính là thức uống quốc dân của người Ma Rốc, từ những người dân bình thường đến khách quý đều sẽ được tiếp đón bằng loại trà này bất kể ngày thường hay dịp lễ. Nhiều người dùng trà với bánh. Nói đến bánh, Ma Rốc chính là xứ sở của vô số loại bánh ngọt.