Đây là ý kiến được đưa ra tại Hội thảo khoa học quốc tế Văn hóa và Giáo dục lần thứ V ICCE 2024 với chủ đề: “Giáo dục liên văn hóa trong bối cảnh hội nhập” diễn ra hôm nay (7/12). Hội thảo do Trường Đại học Thủ Đô Hà Nội phối hợp Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế và các đối tác trong nước, quốc tế tổ chức
Hội thảo thu hút sự quan tâm lớn của các nhà khoa học trong nước và quốc tế như Pháp, Nhật Bản, Thái Lan… Bằng 3 ngôn ngữ (tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Anh), Hội thảo tập trung vào các chủ đề liên quan đến giáo dục liên văn hóa trong bối cảnh hội nhập.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Đỗ Hồng Cường, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ Đô Hà Nội nhấn mạnh, trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc phát triển văn hóa và giáo dục liên văn hóa không còn là nhiệm vụ riêng của bất cứ quốc gia nào mà là nhiệm vụ chung của đại đồng các dân tộc trên thế giới.
Theo PGS.TS Đỗ Hồng Cường, trong những năm qua, thực hiện sứ mệnh của mình, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã không ngừng nỗ lực để tạo ra một môi trường học tập thân thiện và đa dạng, nơi mà sinh viên có thể tiếp cận những kiến thức mới mẻ, hiểu biết về các nền văn hóa khác nhau, và phát triển kỹ cần thiết để hội nhập vào xã hội toàn cầu.
PGS.TS. Nguyễn Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế cũng cho rằng, trong tiến trình phát triển chung của nhân loại, sự tương tác giữa các nền văn hóa là không thể tránh khỏi. Chính quá trình đó đã làm đào thải đi những giá trị không còn phù hợp nhưng bằng một cách nào đó, cũng chính quá trình này lại thúc đẩy đối thoại và tương tác giữa các nền văn hoá để tạo ra những giá trị mới, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay.
“Đối với Việt Nam, trong quá trình mở cửa, hội nhập quốc tế, đặc biệt là khi đất nước bước vào “kỉ nguyên vươn mình của dân tộc”, văn hóa và con người là sức mạnh nội sinh để phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc, là giá trị bản ngã để khẳng định một dân tộc Việt Nam hùng cường sánh vai với bè bạn năm châu.
Do vậy, việc bảo tồn, gìn giữ và lưu truyền những giá trị tinh hoa của văn hóa dân tộc trên nền tảng tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, cũng như cùng tồn tại trong sự tôn trọng sự khác biệt của các nền văn hóa không chỉ đặt lên vai của những người làm công tác văn hóa mà của chính những nhà khoa học, nhà giáo dục của các trường đại học, nhất là của các trường sư phạm…”, PGS.TS. Nguyễn Thanh Hùng nhấn mạnh.
Báo cáo tại hội thảo, PGS.TS. Trần Huyền Sâm, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế cho rằng, vấn đề toàn cầu hóa tác động sâu sắc đến lĩnh vực giáo dục. Đây cũng là những trăn trở của ngành giáo dục nói riêng và xã hội nói chung.
“Sốc văn hoá, dị ứng văn hoá khác biệt hay chối bỏ văn hoá cội nguồn, đó là thực trạng mà chúng ta gặp phải trong môi trường giáo dục đa văn hoá. Giáo dục liên văn hoá sẽ giúp các em sinh viên, học sinh phát triển kỹ năng, kiến thức, từ đó có một thái độ phù hợp trong môi trường học đường.
Từ việc phác thảo bức tranh về liên văn hoá trong giáo dục ở các quốc gia Đông Nam Á nửa sau thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX, các tham luận tại hội thảo đã đề xuất những biện pháp giảng dạy và học tập trong từng bộ môn như: Ngoại ngữ, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý…
Đối với bậc phổ thông, cần sớm chú trọng đến việc xây dựng môi trường giáo dục đa văn hóa, tích hợp giáo dục liên văn hóa để hình thành cho các em một thái độ, một tâm thế trong môi trường giao tiếp toàn cầu hoá hiện nay.
Đối với bậc đại học, các tham luận không chỉ quan tâm đến tính tự chủ trong quản lí, tích hợp liên văn hóa trong việc xây dựng, đánh giá chương trình đào tạo, mà còn đề cập đến các vấn đề giảng dạy và học tập của giảng viên và sinh viên. Các tác giả nhấn mạnh rằng: Giáo dục trong thời đại kỹ thuật số đang phải vật lộn với những không gian mới của “cuộc đấu tranh về bản sắc” và trong tình huống lịch sử này: Giáo viên chính là nhân tố quan trọng để hòa giải văn hóa”, PGS.TS Trần Huyền Sâm cho biết.
Nguồn: https://vov.vn/xa-hoi/toan-cau-hoa-dang-tac-dong-the-nao-den-giao-duc-post1140559.vov